Ám ảnh "lãnh địa cô đơn" giữa lòng Hà Nội

(PLO) - Nằm giữa khu dân cư thuộc phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội nhưng Trung tâm Bảo trợ xã hội 3 như một xã hội thu nhỏ, khác biệt và yên bình đến cô liêu. Ở đây có hơn 100 cụ già đau yếu, bệnh tật, nghèo khổ, cô đơn. 
Những gương mặt buồn bã ở sân chơi
Những gương mặt buồn bã ở sân chơi

Ở đây cũng có hơn 90 đứa trẻ mồ côi sinh sống và lớn lên cùng với đội ngũ cán bộ ngày đêm xác định “trung tâm là nhà”…Nhưng nơi này đã vun vén nhiều tình bạn, tình già đẹp đẽ, hun đúc tính thiện ở mỗi người sau mỗi lần được tiếp cận thật gần với Trung tâm…

Có người tìm đến Trung tâm này vì cô đơn ngay khi ở bên cạnh người bạn đời, con cái và cháu chắt. Nhưng cũng có người cô đơn theo đúng nghĩa, không người thân, không họ hàng... Bước qua cánh cổng Trung tâm, với họ rất có thể một chân trời mới sẽ hiện ra, hoặc nếu không hòa hợp được thì người già ấy vẫn sẽ cô đơn giữa cả trăm người đồng cảnh ngộ. 

Vui, buồn đều… ra sân

Những ngày thời tiết Hà Nội u ám càng khiến những mảnh đời ở Trung tâm Bảo trợ xã hội 3 u ám hơn. Chúng tôi bước vào cửa Trung tâm khi mới vừa qua giờ trưa nhưng khung cảnh ở sân khiến chúng tôi nghĩ đang ở cuối giờ chiều… 

Đây đó, các cụ già cùng ngồi ghế đá nhưng mỗi người dõi theo một hướng khác nhau, không có lời nào được cất lên, không có câu chuyện nào được kể. Một không khí yên tĩnh đến đáng sợ ở Trung tâm, ngay giữa Thủ đô.

Chị Lê Kim Thanh, Trưởng phòng Y tế dẫn chúng tôi đi một vòng quanh Trung tâm cho biết, ở đây mỗi cụ một cảnh đời nhưng đa phần đều cô đơn. Mỗi khi cảm giác cô đơn xâm chiếm, các cụ lại ra ghế đá ngồi và khóc… 

Người thì nhớ lại gia đình yên ấm thuở trước và tủi thân khi chỉ mình bị bỏ lại khi về già. Người thì nhớ đến thời thanh xuân sôi nổi, gắn bó với nông trường chè, khao khát có một tấm chồng mà không gặp được người tâm đầu ý hợp. Thậm chí có người vào Trung tâm rồi vẫn còn mang theo mơ ước có một người đàn ông bên cạnh để vỗ về, sẻ chia. 

Có cụ buồn vì rõ ràng có gia đình mà vẫn phải vào ở Trung tâm chỉ vì không được chia sẻ, không được chăm sóc khi ở nhà hoặc bất đồng với con cái, “bỏ đi cho con sợ”. Có cụ buồn vì khúc mắc với người bạn cùng phòng. Cũng có cụ đang vui vẻ, định ra sân quét dọn cho sạch sẽ nhưng khi bắt gặp những ánh mắt buồn bã, những gương mặt lầm lì lại chạnh lòng. Chỉ một số ít các cụ thoát ra được những tâm trạng thường trực để hòa mình vào cuộc sống, vui vẻ tham gia các hoạt động như bón cây, tỉa cành, quét dọn sân vườn cho khuây khoả.

Gần 20 năm gần gũi người già, chị Thanh nhận ra rằng các cụ vào đây đều khổ về tinh thần. Với các cụ, vật chất không đáng kể gì vì nhiều cụ kham khổ quen rồi. Chị Thanh cho biết, dù mọi người có khéo léo động viên thế nào thì các cụ, mỗi người ôm một câu chuyện nào đó khiến đầu óc nặng nề hơn, không thoải mái để hòa nhập với cuộc sống mới.

Chị bảo: “Không phải ai cũng có thể buông bỏ được những đắng cay đời mình đã trải qua. Mỗi cụ một hoàn cảnh gia đình, xuất thân, nghề nghiệp, bệnh tật nhưng họ đều có chung nỗi cô đơn và mỗi lúc như thế họ lại ra sân ngồi, chắc họ thấy bình yên hơn khi ở giữa thiên nhiên, cây cỏ”. 

Có những cụ lấy khâu vá để khỏa lấp tâm trạng của mình
Có những cụ lấy khâu vá để khỏa lấp tâm trạng của mình

Cụ già... tưng tửng đọc thơ

Đang chìm trong nỗi buồn, nỗi cô đơn với các cụ ở giữa sân trung tâm, chúng tôi chợt gặp một cụ chống gậy đi ngang. Miệng cụ lẩm bẩm đọc thơ, những câu thơ thoạt nghe rất lạ, nhưng nghe kỹ rồi lại thấy giống những ca từ trong các bài xẩm răn dạy các con có hiếu.

Cụ già thấy chúng tôi để ý liền quay lại bảo: “Già này học ít, cũng chẳng biết gì, chỉ biết vài câu thơ học được từ những ngày lang thang kiếm sống, già đọc cho các cô nghe nhé”. Chưa chờ chúng tôi đồng ý, cụ quay ngay lại, vừa biểu diễn các động tác tay, chân vừa đọc thơ. 

“Ở đây những người hoạt ngôn như cụ ấy ít lắm” - chị Thanh bất chợt lên tiếng. Chị bảo, nhiều người không ưng ý bà cụ, cứ bảo bà cụ chắc âm ấm đầu nhưng chúng tôi để ý nhiều lần rồi, cụ minh mẫn lắm, những lời thơ cụ đọc, nếu để ý nghe sẽ thấy rất nhiều ý tứ trong đó. Nhưng cụ cũng “phải có hứng” mới đọc thơ nên không có cách nào để học được những lời thơ của cụ. “Có thể trước đây cụ cũng theo một đoàn xẩm nào đó, đã dọc ngang Hà thành một thời chăng”? - người bạn đi cùng tôi đoán.  

Chưa kịp bàn luận để ra câu trả lời về bà cụ “tưng tửng” kia thì chúng tôi lại thấy một cụ ông cứ xách ghế đi qua đi lại. Cụ đi rồi còn ngoái lại dặn chúng tôi: “Các cô chụp ảnh thì tránh tôi ra nhé”. Chị Thanh bảo, ông cụ ấy vào Trung tâm được khoảng 2-3 năm rồi, cụ bị trầm cảm nên không ai lại gần được cụ. Cụ cũng không bao giờ ngồi ghế đá ngoài sân bởi bên cạnh cụ lúc nào cũng có sẵn chiếc ghế, được cụ mang ra từ phòng của mình. Cứ thấy có người… xâm phạm “lãnh địa” của mình là cụ lại cầm ghế… ra đi. Đứng từ xa quan sát, thấy “lãnh địa” của mình đã… trống, cụ lại ôm ghế về ngồi. 

Ở đây mỗi người một cảnh đời, mỗi người có một cách khác nhau để khỏa lấp nỗi buồn. Chị Thanh nhớ mãi hình ảnh một bà, từng có đủ chồng, đủ con nhưng rồi họ cứ lần lượt rời xa khiến bà hoang mang, lo lắng.

Vào Trung tâm được vài tháng rồi nhưng bà vẫn chưa dám tin rằng mình chỉ có một mình trên cõi đời này nên mỗi buổi chiều lại thấy bà xách túi ra đứng trước cửa Trung tâm mà khóc tu tu. Tiếng khóc của bà ai oán khiến chị Thanh cũng như những nhân viên của Trung tâm chùng xuống, phải phân công từng người, mỗi chiều ra cổng động viên bà để nguôi ngoai. 

Hoặc cũng có những cụ thu lu trong thế giới của mình, ngày nào cũng khâu vá để khỏa lấp tâm trạng. Nhưng ở đây cũng có những cụ đã thoát ra khỏi những mặc cảm, những đau đớn để hòa mình vào cuộc sống chung.

Thậm chí có những cụ luôn muốn chuyện trò với nhân viên Trung tâm, có cụ mỗi khi thấy chị Thanh hay nhân viên nào đi qua là lại vui tươi, hớn hở mời vào phòng chơi. Vào phòng rồi lại nghe các cụ kể về giấc mơ đêm qua, hoặc cũng có cụ đùa chơi, hỏi “đã tìm được người sánh đôi với tôi chưa”. Trước mỗi câu đùa của các cụ, những tiếng cười rộ lên khiến Trung tâm cũng bớt tĩnh lặng hơn... 

Đọc thêm