BCI là khảo sát hàng quý được EuroCham thực hiện nhằm mục đích theo dõi hoạt động kinh doanh của các công ty thành viên và đánh giá của họ về môi trường thương mại và đầu tư tại Việt Nam.
Theo báo cáo, chỉ số BCI tổng thể đã tăng nhẹ trong 3 tháng qua, từ 27% trong Quý 1 lên 34% trong tháng 4 và giữ ổn định trong Quý 2.
Điều này cho thấy sự lạc quan của lãnh đạo các doanh nghiệp vào thị trường Việt Nam đang dần quay trở lại, sau khi có sự sụt giảm bởi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ nhất.
Tuy nhiên, kết quả BCI cũng cho thấy rằng các lãnh đạo doanh nghiệp vẫn đang cảm nhận được những tác động tiêu cực từ đại dịch toàn cầu và thận trọng về triển vọng tương lai của doanh nghiệp.
Cụ thể, các doanh nghiệp châu Âu hoạt động tốt hơn trong 3 tháng qua so với dự đoán ban đầu khi đại dịch Covid-19 đi vào giai đoạn cao điểm.
Trong Quý 1, chỉ 10% thành viên tham gia khảo sát dự đoán rằng hiệu suất của họ sẽ được cải thiện trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, trong báo cáo mới nhất, 24% thành viên tham gia khảo sát mô tả tình hình kinh doanh của họ là “tốt” hoặc “xuất sắc” trong 3 tháng qua.
EuroCham cho rằng, nhìn về phía trước, có nhiều cơ sở để lạc quan hơn, khi kết quả báo cáo cho thấy khoảng 1/4 thành viên EuroCham dự đoán số lượng đơn đặt hàng sẽ tăng trong Quý 3.
Trong khi đó, chỉ 28% dự đoán mức đơn đặt hàng tương tự cho quý 2 và điều này sẽ giúp doanh nghiệp tăng trưởng trong thời gian tới.
Tuy nhiên, các công ty tiếp tục nhận thấy tác động của Covid-19 đối với hoạt động kinh doanh của họ, khi một nửa số người tham gia khảo sát dự đoán số lượng nhân viên sẽ giảm trong quý tới.
“Bất chấp những biến động của đại dịch toàn cầu, kết quả khảo sát BCI Quý 2 cho thấy Chính phủ đã có những biện pháp phản ứng nhanh chóng và hiệu quả nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus, giữ cho con tàu của Việt Nam ổn định trước cơn bão Covid-19”, ông Nicolas Audier - Chủ tịch của EuroCham – nhận định.
Theo ông Audier, trong khi sự lạc quan của các công ty đã được cải thiện và dần ổn định, ảnh hưởng của loại virus này vẫn còn tồn tại.
Do đó, lãnh đạo các doanh nghiệp thận trọng hơn về triển vọng hoạt động kinh doanh trong tương lai.
“BCI cũng cho thấy rằng việc hạn chế di chuyển giữa các nước đang có tác động đến các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam. Chính phủ đã và đang làm việc với các cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài, tạo điều kiện cho những người lao động thiết yếu trở về an toàn và chúng tôi rất cảm kích vì sự hỗ trợ này”, ông nói.
Chủ tịch EuroCham nhận định, trong thời gian ngắn, thương mại toàn cầu sẽ vẫn khó có thể dự báo trước.
“Nhưng chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng doanh nghiệp châu Âu sẽ là một trong những yếu tố giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn ở Việt Nam, nhất là khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - EU đã đi vào hiệu lực”, ông Audier nhấn mạnh.