Lãnh đạo huyện “qua mặt” thành phố

Sau khi Báo PLVN đăng bài “Ứng Hòa, Hà Nội: Sập nhà 1 người chết, 7 người bị thương”, chúng tôi tiếp tục nhận được nhiều đơn thư của người dân tố cáo một số lãnh đạo UBND huyện có dấu hiệu sai phạm trong quản lý và sử dụng vốn từ ngân sách Nhà nước.

Sau khi Báo PLVN đăng bài “Ứng Hòa, Hà Nội: Sập nhà 1 người chết, 7 người bị thương”, chúng tôi tiếp tục nhận được nhiều đơn thư của người dân tố cáo một số lãnh đạo UBND huyện có dấu hiệu sai phạm trong quản lý và sử dụng vốn từ ngân sách Nhà nước.

Hàng trăm tỷ đồng đầu tư cho giáo dục

Nhằm quản lý công tác đầu tư xây dựng, ngày 9/4/2009, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định (QĐ) số 60 quy định: “UBND cấp xã quyết định đầu tư các dự án đầu tư có tổng mức vốn đầu tư đến 500 (năm trăm ) triệu đồng sử dụng nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách cấp trên…”. Vậy nhưng, khi về đến Ứng Hòa, quy định này đã bị bỏ qua khi lãnh đạo huyện để cho cấp xã làm chủ đầu tư nhiều công trình giá trị hàng tỉ đồng từ vốn ngân sách hỗ trợ của cấp trên; điển hình là công tác đầu tư xây dựng trường học.

Trường mầm non xã Minh Đức

Thực hiện Kế hoạch 86 ngày 16/6/2009 của UBND TP Hà Nội về xóa phòng học tạm và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất của các trường, trong 2 năm 2009 và 2010, UBND huyện Ứng Hòa được giao tổng số vốn 140.100 triệu đồng để kiên cố hóa hệ thống trường học trên địa bàn huyện.

Theo số liệu, ước tính đến thời điểm 30/06/2010, đã có 88 dự án (401 phòng học) được phê duyệt với tổng vốn đầu tư là 180. 563 triệu đồng. Đã có 41 dự án với số phòng học 186 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, 44 công trình đang thi công và 3 công trình đang hoàn thiện hồ sơ…Khối lượng hoàn thành các dự án đến 30/06/2010 ước đạt 132.510 triệu đồng, giải ngân vốn đầu tư các dự án đến 30/06/2010 ước đạt 108.587 triệu đồng (bằng 77.5% kế hoạch giao vốn của 2 năm 2009 và 2010 )…

Có thể thấy, với số tiền hơn 100 tỷ đồng, so với trước khi hợp nhất về Hà Nội, đây là nguồn vốn khổng lồ trong xây dựng cơ bản cho giáo dục của Ứng Hòa, đã chứng tỏ sự quan tâm của thành phố đối với địa phương này. Vậy nhưng…

Sai phạm do quản lý không xuể ?

Theo QĐ 60, cấp xã chỉ được phép quyết định đầu tư các dự án có tổng vốn đến 500 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận được nguồn vốn khổng lồ từ ngân sách TP, lãnh đạo UBND huyện Ứng Hòa đã không tuân thủ quy định trên mà chuyển cho các xã làm chủ đầu tư nhiều dự án có tổng vốn gấp 10 lần quy định; như dự án xây dựng Trường mần non xã Liên Bạt có tổng vốn đầu tư lên tới 4.989 triệu đồng (số tròn); Dự án Trường mầm non xã Minh Đức có tổng vốn là 4.569 triệu đồng…

Lý giải sự vấn đề này, ông Nguyễn Quyết Chiến - Chủ tịch UBND huyện cho biết: Sở dĩ huyện phải để cho cấp xã làm chủ đầu tư các công trình có vốn trên 500 trăm triệu là do cùng một lúc huyện phải triển khai hàng loạt công trình. Cán bộ quản lý của huyện mỏng, nếu không để cho cấp xã làm chủ đầu tư thì khó lòng triển khai các công trình đạt tiến độ.

Tuy nhiên, đây chỉ là cách biện luận của ông Chiến, trên thực tế ở các địa phương khác của Hà Nội cũng được đầu tư một khối lượng lớn vốn cho xây dựng cơ bản, nhưng vẫn tuân thủ nghiêm ngặt QĐ 60. Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng lãnh đạo UBND huyện Ứng Hòa mà đứng đầu là ông chủ tịch đã cố ý làm trái quyết định của thành phố.

Khi chúng tôi tìm hiểu vấn đề này, nhiều người dân cho rằng: Việc lãnh đạo huyện Ứng Hòa để cho các xã làm chủ đầu tư chẳng qua là một hình thức né trách nhiệm, chia việc và quyền lợi. “Thực tế cho thấy, UBND các xã không đủ “điều kiện” làm chủ đầu tư cũng như giám sát việc thi công các công trình có vốn xây dựng trên 500 triệu đồng; điều này đã được UBND TP gián tiếp chỉ ra khi ban hành QĐ 60. Với cách trả lời của ông Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa, hóa ra quyết định của UBND TP ban hành chỉ để cho vui”, một người dân nói.

Nhằm bao biện cho việc “vượt mặt” UBND thành phố, ông Chiến cho rằng: Tuy để xã làm chủ đầu tư nhưng huyện vẫn thường xuyên kiểm tra đôn đốc. Việc chọn nhà thầu, tư vấn thiết kế, giải ngân theo tiến độ công trình…vẫn do huyện quản lý…Trong quá trình xây dựng, nếu có vấn đề gì xảy ra thì huyện vẫn là người chịu trách nhiệm. Điều này có lẽ là không đúng, bởi mới đây vụ sập hội trường UBND xã Đội Bình do UBND xã này làm chủ đầu tư làm chết một người và bị thương 7 người, đến nay vẫn chưa ai chịu trách nhiệm. Và thực tế cho thấy, một khi công trình xảy ra sự cố, thì UBND các xã mới là người phải chịu trách nhiệm, bởi họ là chủ đầu tư.

 Bài học từ việc vụ sập hội trường do UBND xã Đội Bình làm chủ đầu tư khiến 1 người chết và bị thương 7 người là minh cho hậu quả của việc UBND huyện làm trái quy định của UBND thành phố khi để cho UBND xã làm chủ đầu tư các công có nguồn vốn trên 500 triệu đồng. Dư luận yêu cầu các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để làm rõ những hành vi làm trái và xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân liên quan./.

PV

Đọc thêm