Năm 2012, đảm nhiệm 15 nhiệm vụ trọng tâm với một khối lượng công việc đồ sộ về công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), Vụ PBGDPL đang ra sức thi đua nhằm “về đích sớm” các nhiệm vụ được giao. Phóng viên Báo PLVN đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Duy Lãm, Vụ trưởng Vụ PBGDPL về quyết tâm này.
Xác định trọng tâm, phân công cụ thể nhiệm vụ
Nhìn vào 15 nhóm nhiệm vụ trọng tâm có thể thấy một khối lượng công việc đồ sộ của công tác PBGDPL trong năm nay. Để hoàn thành một khối lượng công việc vừa lớn, vừa nhiều đầu mục như thế, Vụ PBGDPL có đề ra những giải pháp đột phá gì không, thưa ông?
- Phổ biến giáo dục pháp luật, nói thì chỉ mấy từ thôi nhưng công việc là vô cùng nhiều. Vụ đã có một Hội nghị tổng kết công tác năm 2011 và bàn phương hướng nhiệm vụ năm 2012, cộng thêm đó đã có một Hội nghị triển khai công tác PBGDPL năm 2012, đã bàn đến các giải pháp để có thể thực hiện được các nhiệm vụ rất lớn của năm nay.
Có một số giải pháp đã được Vụ thống nhất thực hiện trong năm 2012 này. Trước hết là phải tiếp tục sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban Cán sự, lãnh đạo Bộ để có vấn đề gì nảy sinh thì kịp thời xin ý kiến. Nhưng đồng thời cũng phải tăng cường tính chủ động trong chỉ đạo và thực hiện của Vụ, từ Vụ trưởng đến công chức phải chủ động. Lãnh đạo thì “Tin, Giao, Tạo điều kiện” để công chức hoàn thành nhiệm vụ, xem ai mạnh cái gì thì phân công “đúng người đúng việc”, nhưng công chức cũng phải cố gắng hết sức, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Giải pháp thứ hai mà chúng tôi sẽ tập trung thực hiện là có xác định và ưu tiên những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm. 15 nhiệm vụ nêu trên đã là nhiệm vụ trọng tâm rồi nhưng từ trong những nhiệm vụ đó lại chọn ra những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm. Ví dụ năm nay trọng tâm, trọng điểm phải là xây dựng 2 Luật, là Luật PBGDPL và Luật Hòa giải cơ sở.
Bên cạnh đó phải tập trung tổng kết Chương trình PBGDPL của Chính phủ từ năm 2008 đến năm 2012 để rồi có thể tham mưu giúp Chính phủ ban hành Chương trình mới. Rồi phải có đánh giá về Ngày Pháp luật, tập trung mảng PBGDPL trong trường học, kiện toàn thêm một bước Hội đồng phối hợp PBGDPL, tăng cường công tác kiểm tra….
Nói đến công tác PBGDPL thì không thể không nói đến việc phối hợp. Bởi vậy, tất cả các hoạt động này lúc nào cũng phải gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, chú trọng tăng cường sự phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ, giữa Bộ Tư pháp với các Bộ, ngành khác và giữa Bộ với các địa phương.
Nội dung, hình thức tuyên truyền phải phù hợp với từng đối tượng
Là người tâm huyết với công tác PBGPLL, tâm trạng của ông thế nào khi đã làm hết sức mà vẫn thấy nhận thức pháp luật của người dân còn thấp?
- Đây là câu hỏi thường xuyên được đặt ra. Đúng là mặc dù cả hệ thống chính trị từ trung ương tới địa phương, từ Chính phủ tới chính quyền địa phương đã đầu tư không ít cho công tác PBGDPL nhưng nhiều vi phạm pháp luật vẫn diễn ra, có những lĩnh vực rất đáng quan ngại như trật tự an toàn giao thông, tệ nạn xã hội….
Điều này một mặt do nhận thức của một bộ phận nhân dân còn thấp nhưng mặt khác là ý thức pháp luật của một bộ phận cán bộ cũng còn yếu. Chính vì thế cả Dự luật Phổ biến giáo dục pháp luật cũng như Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ đều nhấn mạnh đến việc phải nâng cao nhận thức pháp luật cho nhóm đối tượng là cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang để họ không chỉ có đủ kiến thức pháp luật cho bản thân mà họ còn phải làm gương cho người dân trong việc tuân thủ pháp luật.
Từ thực tiễn như vậy, những người làm công tác PBGDPL đã suy nghĩ, bàn tới rất nhiều giải pháp và Vụ cũng đã tham mưu, báo cáo với lãnh đạo Bộ các hướng để khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay.
Đó là các hướng khắc phục cụ thể nào, thưa ông?
- Giải pháp trước hết là lựa chọn các nội dung PBGDPL cho phù hợp với các loại đối tượng. Phải xác định rõ đối với sinh viên thì mình tập trung tuyên truyền cái gì, đối với người lao động thì tập trung nội dung gì, đối với cán bộ, công chức thì tập trung nội dung gì… Nói tóm lại là phải lựa chọn những nội dung PBGDPL cho phù hợp đối tượng, đồng thời lựa chọn hình thức phổ biến sao cho dễ hiểu, dễ nhớ. Hiện nay chúng ta có rất nhiều hình thức PBGDPL rất phong phú, có thể kể ra hơn chục hình thức phổ biến có hiệu quả, thế nhưng tùy đối tượng mà mình lựa chọn hình thức cho phù hợp.
Vụ cũng đã biên soạn rất nhiều sách hướng dẫn nghiệp vụ PBGDPL cụ thể cho từng nhóm đối tượng như tài liệu phục vụ cho riêng báo cáo viên pháp luật để họ có kiến thức, có kỹ năng để phổ biến pháp luật. Thế rồi đối với thanh niên, đối với người dân đang học tập lao động ở nước ngoài thì lại có một cuốn riêng để họ nắm được pháp luật liên quan ở trong nước. Hay là đối với phụ nữ thì lại có tài liệu riêng, ông chức có tài liệu riêng, công đoàn, nông dân đều có những cuốn sách nghiệp vụ riêng v.v…. Có những nghiệp vụ như hòa giải là “cầm tay chỉ việc”….
Từ những hoạt động cụ thể như thế thường thu được hiệu quả “kép”, không chỉ nâng cao nhận thức pháp luật của người dân, của những người làm công tác PBGDPL mà còn tác động tích cực đến lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành từ Trung ương tới địa phương. Hiện nay, rất nhiều Bộ, ngành, địa phương đã quan tâm đầu tư đáng kể về con người, về kinh phí cho công tác này. Đây là sự chuyển biến rất tốt về nhận thức và là một tín hiệu đáng mừng.
Trong các yêu cầu thực hiện công tác PBGDPL năm 2012, Bộ Tư pháp có đề cập tới vấn đề từng bước xã hội hóa công tác PBGDPL, ông đánh giá thế nào về chủ trương này?
- Xã hội hóa công tác PBDGPL là vấn đề rất lớn đặt ra hiện nay. Chúng tôi đã có góp ý vào Đề án “Xã hội hoá công tác phổ biến, giáo duc pháp luật và trợ giúp pháp lý”. Dự án Luật PBGDPL cũng có một Điều quy định về xã hội hóa công tác PBGDPL và vấn đề xã hội hóa công tác này đã được nêu trong các chính sách của Nhà nước về PBGDPL. Trong giai đoạn hiện nay, Nhà nước vẫn giữa vai trò là nòng cốt trong công tác PBGDPL nhưng để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, khuyến khích các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cùng chung tay PBGDPL thì xã hội hóa công tác này là một giải pháp hiệu quả.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo Kế hoạch Công tác PBGDPL năm 2012 đã được lãnh đạo Bộ Tư pháp phê duyệt, năm 2012, Vụ PBGDPL sẽ tập trung vào 15 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, gồm: 1. Xây dựng, hoàn thiện thể chế về PBGDPL, trong đó trọng điểm là xây dựng dự án Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và xây dựng dự án Luật hòa giải cơ sở. 2. Tuyên truyền, phổ biến việc tổng kết thi hành và nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992. 3. Triển khai thực hiện Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 04-KL/TW ngày 19/4/2011 của Ban Bí thư về kết quả thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW về việc tăng cường sự lãnh đạo của đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân sau khi được Thủ tướng Chính phủ ban hành 4. Tham mưu Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL cùng cấp tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn công tác PBGDPL; kiểm tra, khen thưởng hoạt động của Hội đồng; củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng 5. Thực hiện Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ từ năm 2008 đến năm 2012 và các Đề án trong Chương trình. 6. Thực hiện các Đề án về PBGDPL, trong đó có 3 Đề án quan trọng là “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên”; “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Công ước của Liên hiệp quốc về chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân” và “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nước về quyền con người”. 7. Thực hiện quản lý Nhà nước đối với hoạt động hòa giải cơ sở. 8. Thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật trong trường học. 9. Xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật. 10. Tổ chức đánh giá về số lượng và chất lượng báo cáo viên pháp luật các cấp; tập huấn kiến thức pháp luật, nghiệp vụ PBGDPL cho đội ngũ này. 11. Tiếp tục triển khai thực hiện “Ngày Pháp luật” ở các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương. 12. PBGDPL cho một số nhóm đối tượng đặc thù. 13. Tập trung giới thiệu các văn bản quy phạm pháp luật. 14. Kiểm tra công tác PBGDPL. 15. Nhóm chung về các hoạt động khác. |
Hồng Thúy (thực hiện)