Với động thái quyết liệt nhằm triệt tiêu “cát tặc” trên sông Lô đoạn chảy qua địa bàn, UBND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành lệnh cấm khai thác trong vòng 1 tháng. Nhưng 2 đêm thực tế tại hiện trường của phóng viên PLVN cho thấy, nạn “cát tặc” nơi đây vẫn công nhiên diễn ra ngay khi văn bản này chưa ráo mực...
Người dân trông chờ một đợt trấn áp mạnh mẽ từ Bộ Công an như tại Vĩnh Phúc hồi đầu năm ngoái nhưng lãnh đạo công an địa phương vẫn cho rằng “tình hình vẫn trong tầm kiểm soát”.
Khu vực giáp ranh khiến tỉnh Tuyên Quang “đau đầu” với nạn “cát tặc” |
“Tuyên chiến” với “cát tặc”
Thái độ này thể hiện rõ trong nội dung Thông báo số 80 ngày 15/8/2013 của UBND tỉnh Tuyên Quang yêu cầu tạm dừng có thời hạn (từ ngày 17/8 đến 17/9/2013) các hoạt động thăm dò, khai thác cát, sỏi sông Lô, đoạn từ Nhà máy giấy và bột giấy An Hòa xuống hết địa phận xã Quyết Thắng, huyện Sơn Dương.
Lý do của “lệnh cấm” là do “tình hình hoạt động khoáng sản trái phép ở một số nơi diễn ra rất phức tạp, gây thất thoát tài nguyên, làm ảnh không tốt đến môi trường, mất an ninh trật tự và gây bức xúc trong nhân dân. Nguyên nhân của tình trạng trên là do chính quyền địa phương các cấp không thực hiện nghiêm chức trách nhiệm vụ được giao, chưa thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm”.
Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang yêu cầu Công an tỉnh Tuyên Quang: “có biện pháp bảo vệ chặt chẽ tài nguyên khoáng sản, tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn việc khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với cán bộ chiến sỹ được giao nhiệm vụ đã không có biện pháp kịp thời ngăn chặn, xử lý hoặc né tránh để xảy ra tình trạng các tổ chức được cấp phép và các tổ chức, cá nhân không được cấp phép hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi trái phép.
Sở TN&MT tăng cường kiểm tra hoạt động khoáng sản trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đình chỉ, tước giấy phép theo quy định của pháp luật. Thông báo cụ thể việc dừng các hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản đến các doanh nghiệp để tổ chức thực hiện; sau thời hạn trên, xem xét, đề xuất báo cáo UBND tỉnh”.
Với thông báo này, người dân và giới doanh nghiệp đánh giá cao quyết tâm của cấp tỉnh trong việc chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản trên sông Lô.
“Lộng hành” vào đêm
Tuy nhiên, không lâu sau khi thông báo trên được đưa ra, theo phản ánh của người dân, phóng viên đã hai đêm thâm nhập sông Lô đoạn chảy qua huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) và Đoan Hùng (Phú Thọ) và mục sở thị “cát tặc” nhộn nhịp, công khai hoạt động.
Sông Lô đoạn giáp ranh hai huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) và Sơn Dương (Tuyên Quang) được tính khoảng giữa con sông, bên này thuộc địa bàn Phú Thọ, bên kia thuộc tỉnh Tuyên Quang. Tại thời điểm mà chúng tôi có mặt, theo quan sát tính đoạn từ địa bàn xã Quyết Thắng đến bến đò Đông Trai của tỉnh Tuyên Quang có tổng cộng 9 tàu cuốc, tàu hút ra sức khai thác. Mọi diễn biến hoạt động từ trên bờ xuống các con tàu hút cát dường như được “nối mạng” thông tin với nhau khá tốt. Tàu của cát tặc máy nổ rầm trời như công trường nhưng đèn điện thì được bật khá mờ có lẽ để tránh bị quan sát bởi những đối tượng “không mong muốn”.
Khi phát hiện có nhóm người lạ xuất hiện trên bờ sông với những ánh đèn flash chớp lên, ngay lập tức nhiều đèn pha sáng lóa từ những con tàu quét liên tục về phía chúng tôi. Đồng thời, hai chiếc thuyền máy mỗi thuyền chở 3 bốn người phóng như bay vào chỗ chúng tôi đang đứng, tác nghiệp; các đối tượng nhảy lên bờ chiếu những ánh mắt thiếu thiện cảm vào chúng tôi. Ít phút sau, trên bờ đê đang vắng lặng bỗng xuất hiện nhiều đối tượng lạ, trên những chiếc xe gắn máy rồ ga lượn qua, lượn lại nơi chúng tôi đang đứng như để quan sát động tĩnh. Theo người dân, những đối tượng đó là “chim lợn” làm nhiệm vụ cảnh giới cho “cát tặc”.
“Nhiều đêm qua, cứ tầm 7h30 tối đến sáng hàng chục tàu cuốc ngang nhiên ra vào “ăn cát” ở đây. Khu vực thuộc bến đò Đông Trai thường xuyên bị thổ phỉ đánh cát suốt đêm. Lợi dụng khu vực giáp ranh, lại đêm tối chúng cứ đứng giữa sông khi thấy tình hình ổn thì lắc qua địa bàn Tuyên Quang khai thác. Nếu có “động” lại lắc về bên kia sông lại thuộc địa phận tỉnh Phú Thọ nằm chờ. Thỉnh thoảng cũng có đoàn trên tỉnh xuống kiểm tra nhưng toàn vào lúc ban ngày, còn “cát tặc” đánh vào ban đêm nên “kiểm tra cứ kiểm tra, đánh cát cứ đánh cát” - một người dân cho hay.
Lãnh đạo Sở TN&MT Tuyên Quang xác nhận sau lệnh cấm của tỉnh tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn vẫn diễn ra phức tạp vào đêm tối.
“Đêm qua tôi vừa đi xuống đó kiểm tra. Sau khi chứng kiến tận mắt tình trạng khai thác, tôi nói với anh em dưới đó là ban ngày các anh báo cáo không còn nhưng ban đêm thì tình hình lại diễn biến như thế này đây. Tại thời điểm tôi xuống kiểm tra thì ở bến đò Đông Trai có mấy tàu lớn, cả hai áp bên kia bờ, hai cái ở giữa sông đèn bật sáng. Mấy cái bên bờ bên này thì chỉ thấy bật đèn không. Tôi dùng điện thoại để quay nhưng mà đêm tối quá không quay được. Tôi quyết định khảo sát tình hình ban đêm để đánh giá rồi lên phương án tấn công”, ông Hoàng Văn An, Giám đốc Sở TN&MT Tuyên Quang cho biết.
Theo lãnh đạo ngành tài nguyên nếu chỉ Tuyên Quang “tuyên chiến” với “cát tặc” mà Phú Thọ không đồng thuận để cùng làm thì rất khó xử lý. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Tuyên Quang đã giao nhiệm vụ cho Công an tỉnh Tuyên Quang làm việc với Công an tỉnh Phú Thọ, Công an huyện Đoan Hùng có biện pháp phối hợp tuần tra, xử lý các sai phạm trên sông Lô thuộc địa bàn giá ranh giữa hai tỉnh. Ngoài ra, để chấm dứt tình trạng khai thác chui vào đêm tối, lãnh đạo Sở TN&MT đề xuất “cấm triệt” việc khai thác vào ban đêm, cấm neo đậu tàu vào khu vực “nhạy cảm” để tránh việc “cát tặc” lợi dụng để hoạt động, thu lợi bất chính gây hoang mang trong quần chúng nhân dân.
Có thể thấy, UBND và ban ngành cấp tỉnh Tuyên Quang đã rất quyết liệt trong việc chấn chỉnh trong hoạt động khai thác cát trên sông Lô, tuy nhiên, thực trạng cát tặc vẫn diễn ra sau khi lệnh cấm được UBND tỉnh ban hành cho thấy, ngoài sự liều lĩnh của các đối tượng khai thác cát trái phép, thì không thể nói các cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ đã hoàn thành tốt công việc được giao.
Đại tá Phạm Hồng Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tuyên Quang: “Chúng tôi thống nhất những tàu nào, làm cho doanh nghiệp nào phải treo biển báo để người dân, cơ quan chức năng nhìn thấy để kiểm tra. Sau khi có thông báo tạm dừng khai thác, thăm dò của tỉnh thì đâu đó cũng có việc tàu bên Phú Thọ sang Tuyên Quang khai thác trộm. Công an tỉnh Tuyên Quang đã bố trí 2 tổ tuần tra đóng ở xã Lâm Xuyên và Đông Trai. Theo báo cáo thì các doanh nghiệp được cấp phép chấp hành nghiêm túc và đến nay chưa phát hiện trường hợp vi phạm nào. Ngăn chặn việc khai thác cát, sỏi trái phép là quá trình lâu dài, không ngay được, giảm được từng nào hay từng đấy. Hiện tượng bảo kê, xã hội đen lộng hành là chưa xảy ra, mọi thứ vẫn đang tầm kiểm soát của chúng tôi nên chưa cần đề xuất Bộ Công an trợ giúp như ở Vĩnh Phúc”. |
Nhóm phóng viên