Lào Cai: Địa lan Trần Mộng Sa Pa và đào rừng nườm nượp về xuôi

(PLO) - Chỉ còn tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, thời điểm này, các nhà vườn, chủ kinh doanh hoa địa lan Trần Mộng đang tất bật chuẩn bị hoa phục vụ nhu cầu trang trí tết của khách hàng. Trong khi đó, “cứ đến hẹn lại lên”, hàng đoàn xe, chủ yếu là các xe mang biển kiểm soát các tỉnh miền xuôi, thậm chí cả xe contener chở hàng lại đổ lên Sa Pa để “săn tìm” đào rừng về chơi Tết.
Chợ Hoa đào Sa Pa rất đông khách du lịch tìm đến mua đào rừng

Cơn sốt mang tên địa lan Trần Mộng Sa Pa

Giới chơi lan bấy lâu nay không còn lạ lẫm gì với cái tên địa lan Trần Mộng Sa Pa. Với ưu điểm bông to, dài, cánh dày, thời gian nở lâu, giá bán phải chăng, nên địa lan Trần Mộng Sa Pa được nhiều khách hàng lựa chọn, đặc biệt là dịp Tết để trưng bày tại phòng khách. Theo một số nhà vườn trên địa bàn huyện Sa Pa, năm nay nhiều vườn lan không đủ hàng phục vụ nhu cầu của khách mua.

Trên đường lên Sa Pa, dọc quốc lộ 4D (TP Lào Cai đi Sa Pa), rất nhiều nhà vườn kinh doanh lan Trần Mộng đã treo biển hết hàng, thậm chí còn hết từ trước Rằm tháng Chạp do nhiều chủ buôn tranh thủ ôm và bán về các tỉnh như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... 

Năm nay, gia đình anh Trần Văn Hậu (chủ vườn lan Cao Hòa, tại thôn Ky Công Hồ, xã Tòng Sành, huyện Bát Xát) có hơn 500 chậu địa lan, trong đó, hơn 200 chậu đủ tiêu chuẩn xuất bán. “Cách đây hơn 1 tuần, tôi đã bán hết hơn 200 chậu. Hiện, tôi và gia đình đang phải đi tìm mua lan để “trả hàng” cho khách quen. Năm nay, giá hoa lan Trần Mộng có phần giảm hơn năm trước nên việc tiêu thụ cũng có phần thuận lợi. Hiện, mỗi bông địa lan Trần Mộng có giá từ 200.000 đến hơn 2 triệu đồng, tùy màu bông, thế chậu, lượng bông trên một chậu…”, anh Hậu chia sẻ.

Trong khi đó, anh Nguyễn Đức Lương (chủ một vườn địa lan Trần Mộng tại thị trấn Sa Pa) tâm sự, cách đây 3 năm, thấy địa lan Trần Mộng được giới chơi lan rất thích, đặc biệt là hợp với khí hậu Sa Pa nên anh bỏ công việc lái taxi để bắt tay vào ươm trồng. “Trước Rằm, tôi đã bán được hơn 100 chậu, còn khoảng tuần nữa là Tết nhưng tôi vẫn còn khoảng gần 200 chậu nữa chuẩn bị nở, có điều đã có khách đặt hàng hết rồi”.

Chỉ tay về phía chậu địa lan Trần Mộng cánh xanh, anh Lương cho biết, chậu địa lan này có 30 bông, anh đã bán cho khách với giá 70 triệu đồng. “Giá trị của chậu lan này nằm ở chỗ thế chậu tròn đều, bông to, đều, nở đúng dịp Tết, lá xanh, mướt và có mầm lộc non. Nhiều năm trở lại đây, đây là chậu lan mà tôi kỳ công chăm sóc và cũng hy vọng rất nhiều nên rất tâm đắc”, anh chia sẻ.

Cẩn thận chằng chậu địa lan lên xe máy để chở ra TP Lào Cai giao cho khách hàng, anh Hạng A Sang (40 tuổi, trú tại xã Sa Pả, huyện Sa Pa) phấn khởi cho biết: “Năm nay, gia đình tôi trồng hơn 30 chậu địa lan Trần Mộng, trong đó có 13 chậu đạt tiêu chuẩn xuất bán. Đây là chậu cuối cùng trong vườn nhà và đã có người đặt mua. Với 13 chậu địa lan Trần Mộng (trung bình mỗi chậu từ 12 - 18 bông), tôi có nguồn thu hơn 30 triệu đồng. Với số tiền này, gia đình tôi có thể sắm Tết tươm tất”.

Dịp Tết Nguyên đán 2018, số lượng và chủng loại hoa bày bán tại các chợ hoa trên địa bàn các đô thị khá nhiều, tuy nhiên, địa lan Trần Mộng của Sa Pa vẫn được nhiều khách hàng lựa chọn. Anh Trần Tuấn Nghĩa (quận Long Biên, Hà Nội), khách hàng mua địa lan Trần Mộng cho biết: “Dù có nhiều loại phong lan, nhưng tôi chọn mua địa lan Trần Mộng về trang trí nhà dịp tết vì đây là loài hoa đặc trưng của Sa Pa; cánh hoa dày, bông nở bền, màu đẹp. Tôi mới mua được 2 chậu mà còn thiếu 3 chậu nữa nên vẫn đang đi tìm mua để tặng anh em, bạn bè cùng chơi lan”.

Theo thống kê của Phòng Kinh tế huyện Sa Pa, trên địa bàn huyện hiện có 70.000 chậu địa lan các loại, trong đó hơn 10.000 chậu đủ tiêu chuẩn xuất bán ra thị trường dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Năm nay, dù thời tiết gần Tết có nhiều bất lợi (mưa nhiều, lạnh giá, băng tuyết), nhưng do các nhà vườn chủ động nắm thông tin thời tiết, kịp thời di chuyển lan về vùng thấp tránh rét nên không có thiệt hại nhiều. Số lượng lan cung ứng ra thị trường nhiều, nên giá bán theo đó cũng không tăng, phù hợp với thu nhập của người tiêu dùng.

Đào rừng “tấp nập” về xuôi

Trên đường 4D, chúng tôi còn bắt gặp hàng đoàn xe container sau khi chở hàng lên cửa khẩu Lai Châu quay về cảng Hải Phòng đều tranh thủ mua đào rừng chở về bán.

“Tranh thủ xe trống nên anh em chúng tôi rủ nhau mua đào rừng chở về bán lại kiếm chút xăng xe. Thấy đào đẹp mà tán rộng hơn mọi năm, xe lại có thùng rộng, để đứng được nên chúng tôi mua nhiều hơn năm ngoái”, anh Đào Tuấn Cường (lái xe) chia sẻ: 

Qua khảo sát, một cành đào rừng có giá từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng, tùy thuộc từng loại. Đa số đào rừng được người dân chặt từ vườn, rừng đem thẳng ra quốc lộ bán cho người đi đường. Một cành đào đẹp là có nhiều lộc, nụ chớm nở hoặc có thế đẹp là được người mua trả giá cao.

Anh Tráng A Tủa (người dân Cát Cát, Sa Pa) phấn khởi: “Nhà mình cũng có vườn đào trồng từ năm ngoái, năm nay chặt đi bán để lấy tiền sắm Tết đó. Từ sáng tới giờ bán được 5 cành lớn rồi, được hơn 3 triệu”.

Với người dân địa phương, thu nhập từ trồng và khai thác đào rừng đem lại nhiều khoản thu nhập lớn khi bán cho khách từ xuôi lên. Còn với khách mua, đây là thú chơi cũng lắm công phu.  

Qua khảo sát, giá đào rừng năm nay cao hơn năm ngoái, cành bình thường nhất cũng có giá 700-800 nghìn đồng, hàng chọn giá 3-5 triệu. Cành to rêu phong có giá trên dưới 10 triệu đồng. Đào cổ cả gốc rất có giá nhưng không còn nhiều. 

Đọc thêm