ĐB Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) cho rằng, thời gian qua, vai trò, vị thế của phụ nữ được cải thiện rõ rệt nhưng chưa tương xứng với nỗ lực. Theo ĐB này, quy định có sự cách biệt về tuổi nghỉ hưu trong Bộ luật Lao động chính là hình thức phân biệt đối xử một cách gián tiếp.
“Chính sự cách biệt này dẫn tới hệ lụy là cản trở cơ hội được đề bạt, được đào tạo và khả năng được tiếp tục cống hiến của một nhóm phụ nữ”, ĐB nhận định. Đồng quan điểm, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng khi sửa Bộ luật Lao động phải nghiên cứu rất kỹ quy định nói trên theo hướng làm sao để lao động nữ được lựa chọn quyền nghỉ hưu từ 55 tuổi đến 60.
“Nhưng tuổi nghỉ hưu theo quan điểm của tôi là quy định 2 giới phải tương đương nhau. Còn phụ nữ ai có quyền lựa chọn về hưu từ tuổi 55 hay tuổi 56 hay tuổi 59 hay tuổi 60 là quyền của phụ nữ chứ không bắt buộc người phụ nữ phải về nghỉ hưu từ lúc 55 tuổi”, ĐB nói.
Ngoài ra, tại phiên họp, ĐB Lê Thị Yến (Phú Thọ) cho rằng nước ta hiện nay đang phải đối mặt với tình trạng mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh, tình trạng này đang gia tăng và không đồng đều giữa các vùng miền nên đề nghị cần đổi mới nội dung và tăng cường công tác truyền thông giáo dục về bình đẳng giới nhằm chuyển đổi hành vi theo những cách sáng tạo và thiết thực nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Bên cạnh đó, theo ĐB, cũng cần phải xử lý nghiêm các trường hợp lựa chọn giới tính thai nhi.
Băn khoăn về tỷ lệ cán bộ nữ làm công tác quản lý lãnh đạo còn thấp so với các vị trí quản lý, lãnh đạo nói chung so với sự gia tăng của lực lượng lao động nữ nói riêng, ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) đề xuất tạo cơ hội để đề bạt, cân nhắc đối với nữ trong quy hoạch đào tạo.