Tiếp tục chương trình làm việc của phiên họp thứ 46 ngày 13/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Luật điều chỉnh vấn đề đưa người lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng, tức là phải có hợp đồng.
Còn lao động theo diện du lịch, tự do, du học, chuyên gia, lao động ở biên giới mà không có hợp đồng thì không thuộc đối tượng điều chỉnh. 39 người chết trong container ở Anh cũng không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật này, đó là lao động bất hợp pháp.
Nhất trí với Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Thanh Tùng phân tích: Luật này điều chỉnh đối tượng là người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được ký giữa doanh nghiệp hoặc đơn vị sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Xét theo điều kiện đó thì một số đối tượng như lao động ở khu vực biên giới tiếp giáp với các nước khác không đáp ứng tiêu chí điều chỉnh nên không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật. Đối tượng này có nhiều đặc thù do điều kiện văn hóa, lịch sử tiếp giáp biên giới, việc họ đi lại qua biên giới để lao động, sáng đi chiều tối về nhà ngủ là bình thường.
Nhưng theo ông Tùng, Chính phủ cũng cần nghiên cứu có quy định riêng để ban hành nghị định để quản lý lao động theo dạng trên.
Bên cạnh đó, Điều 54 bổ sung một số đối tượng (du học sinh, thăm thân, lao động làm việc theo kỳ nghỉ ở nước ngoài) và đưa ra nguyên tắc điều với đối tượng này. Sau khi họ xuất cảnh, họ có hợp đồng cam kết ở nước ngoài thì họ có thể đăng ký trực tuyến với cơ quan quản lý nhà nước về lao động để thực hiện nghĩa vụ và được hưởng quyền lợi theo quy định của Luật này.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho rằng, đây là vấn đề cũng phải cân nhắc. Bởi nếu xét về đối tượng theo tiêu chí quy định thì đây không phải là đối tượng đáp ứng tiêu chí ký hợp đồng đi lao động ở nước ngoài. Thực ra họ không ký hợp đồng nào với doanh nghiệp hay đơn vị sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của Luật. Họ ra nước ngoài rồi mới ký hợp đồng lao động nào đó với chủ sử dụng lao động ở nước ngoài. Đây là người lao động Việt Nam ở nước ngoài nhưng không thuộc đối tượng chịu sự quản lý của Luật này.
Đồng thời, cũng theo ông Tùng, cần làm rõ quy định như vậy để làm gì. Nếu mục đích để nắm thông tin và để phục vụ công tác thống kê về việc làm theo trách nhiệm của Bộ Lao động thì ông Tùng thấy không khả thi. Vì quy định của pháp luật nước ta không thể điều chỉnh ở nước ngoài được.
Ông Tùng phân tích, với những quy định như thế này, họ thích thì họ làm, không thích thì không đăng ký nên chúng ta không thể quản lý được cụ thể. Kinh nghiệm trước đây ở Bộ Ngoại giao có quy định công dân ở nước ngoài đăng ký để bảo hộ công dân thì thực tế rất khó.
Nếu mang tính khuyến khích để người lao động Việt Nam thực hiện theo quy định của Luật này để hưởng quyền, lợi ích thì cũng khó, vì thực hiện nghĩa vụ là họ phải nộp các khoản chi phí cho doanh nghiệp đưa đi, trong khi không có doanh nghiệp đưa đi.
Hay về nước đúng hạn, nếu họ là du học sinh đi làm việc kết hợp kỳ nghỉ thì không phải lao động xong họ về mà họ còn phải đi học. “Có lẽ nên làm rõ khi họ không thực hiện theo Luật này mà nếu xảy ra vấn đề cần bảo hộ thì giải quyết như thế nào… Cho nên, Điều 54 cần rà soát thêm”, ông Tùng nói.