Lập đoàn kiểm tra các dự án có sử dụng đất chậm triển khai tại Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  UBND TP Hà Nội vừa quyết định thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra thực hiện kết luận thanh tra, chỉ đạo xử lý sau thanh tra với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất, chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai.
Một dự án bị bỏ hoang tại Hà Nội.
Một dự án bị bỏ hoang tại Hà Nội.

Đoàn kiểm tra liên ngành có sự tham gia của các sở, ngành TN&MT, KH&ĐT, Quy hoạch - Kiến trúc, Xây dựng, NN&PTNT, Công an TP, Thanh tra TP, Cục Thuế TP, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã.

Bên cạnh kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, chỉ đạo xử lý sau thanh tra với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất, chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn; Đoàn kiểm tra liên ngành có trách nhiệm căn cứ quy định pháp luật về quy hoạch, đầu tư, đất đai, nghĩa vụ tài chính... xây dựng nguyên tắc giải quyết với các dự án chậm triển khai trên địa bàn để tổng hợp báo cáo UBND TP trình HĐND TP thống nhất về nguyên tắc tại kỳ họp tháng 3/2022.

Trên cơ sở các nguyên tắc được HĐND TP thống nhất; các sở, ngành, UBND cấp huyện và Đoàn kiểm tra liên ngành có trách nhiệm kiểm tra, kết luận, đề xuất biện pháp xử lý cụ thể với từng dự án bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật; tổng hợp, báo cáo UBND TP xem xét chỉ đạo xử lý, báo cáo kết quả thực hiện với HĐND TP tại kỳ họp tháng 7/2022.

Ngoài ra, UBND TP giao UBND cấp huyện chịu trách nhiệm rà soát danh sách các dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai tại Kế hoạch 235/KH-UBND ngày 21/10/2021 của UBND TP; các dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai phát sinh đến thời điểm kiểm tra trên địa bàn để tổng hợp danh sách các dự án trước ngày 15/3/2022; chủ động phối hợp Sở TN&MT để rà soát, tổng hợp, thống nhất số liệu và xử lý.

Trước đó, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, HĐND TP Hà Nội khóa XVI (tháng 12/2021), Giám đốc Sở TN&MT Bùi Duy Cường cho biết, UBND TP Hà Nội đã ban hành các kế hoạch, chỉ đạo, thực hiện các tổ công tác, lập đoàn thanh tra liên ngành thanh tra các dự án chậm.

Kết quả, có 379 dự án chậm triển khai đã có kết luận cụ thể, đề xuất xử lý, trong đó 30 dự án được kiến nghị thu hồi thì đã thu hồi 10 dự án; 35 dự án gia hạn tiến độ theo Luật Đất đai; 77 dự án đã được chủ đầu tư tích cực khắc phục, đưa đất vào sử dụng. Với 63 dự án chậm giải phóng mặt bằng (GPMB), các dự án còn lại vướng một số nội dung, các chủ đầu tư đang tập trung hoàn tất thủ tục.

Theo ông Cường, qua thanh, kiểm tra, nhiều chủ đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính đưa đất vào sử dụng. Dẫn đến tình trạng chậm triển khai, theo ông Cường, là do: Chính sách quy định liên quan đất đai quy hoạch có nhiều thay đổi; chờ rà soát theo quy hoạch chung và quy hoạch phân khu; tình hình dịch bệnh…

Ngoài ra, theo ông Cường, còn có nguyên nhân chủ quan như nhận thức, ý thức chấp hành Luật Đất đai của các chủ đầu tư hạn chế, nhiều chủ đầu tư không phối hợp địa phương, cố tình chây ì không thực hiện nghĩa vụ tài chính, một số chủ đầu tư sắp hết hạn dự án thì đề nghị điều chỉnh gia hạn, một số sở, ngành thực hiện chưa phối hợp đồng bộ, hiệu quả chưa cao.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, 383 dự án trước kia HĐND TP đã có ý kiến, hiện nay các sở ngành, quận huyện tiếp tục triển khai thực hiện.

Với 61 dự án chậm triển khai tại huyện Mê Linh, có nguyên nhân chính là do khi sáp nhập 2008, TP tạm dừng các dự án để điều chỉnh quy hoạch. Ngoài ra còn do công tác GPMB, giao đất dịch vụ, năng lực của một số chủ đầu tư không đáp ứng được yêu cầu.

"Sở TN&MT lập đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra cụ thể các dự án với tinh thần tháo gỡ vướng mắc, khó khăn đối với các dự án, quan trọng nhất là đưa đất vào sử dụng. Dự án nào do nguyên nhân chủ quan của nhà đầu tư không tích cực hợp tác thì kiên quyết phải thu hồi", ông Đông nêu rõ.

Trước đó, trả lời cử tri về việc thu hồi dự án ở Mê Linh, UBND TP Hà Nội cho biết đã ban hành quyết định thu hồi 4 dự án do các nhà đầu tư 10 năm không triển khai thực hiện hoặc có văn bản đề nghị trả lại, xin dừng thực hiện dự án (gồm Khu đô thị mới Prime Group; Khu đô thị mới Vinalines, Khu đô thị mới BMC; Khu đô thị mới Việt Á). Riêng với dự án khu đô thị mới Vinalines, UBND TP đã có chỉ đạo tạm dừng việc thực hiện quyết định thu hồi 12 tháng do có khiếu nại, kiến nghị của nhà đầu tư.

Liên quan vấn đề dự án chây ì thực hiện, bỏ hoang đất, PLVN mới đây có bài phản ánh “dự án” của Cty TNHH Dịch vụ & Thương mại Tân Hiệp Phát (trụ sở Bình Dương) tại trung tâm Đà Nẵng, theo quảng cáo có tên Century Bay Hotel, “ôm” 14 ngàn m2 có 4 mặt tiền, vị trí đắc địa bậc nhất TP; là trường hợp điển hình vi phạm như nêu trong Chỉ thị 01/CT-TTg mới đây của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Ngày 29/3/2018, Sở TN&MT lập biên bản xác định vi phạm pháp luật về đất đai tại khu đất trên là chậm đưa đất vào sử dụng; vi phạm điểm i khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2013. Theo điều luật này, “chủ dự án” nếu mắc vi phạm này thì chỉ 1 lần được “châm chước” gia hạn 2 năm. Nếu “tái phạm”, Nhà nước sẽ thu hồi đất mà không bồi thường.

Bà Trần Uyên Phương (con gái ông Trần Quí Thanh, đồng thời là cổ đông nắm giữ gần 30% vốn góp Tân Hiệp Phát) sau đó có đơn cam kết “quá 24 tháng kể từ 6/4/2018, Cty không đưa đất vào sử dụng thì Cty phải chịu thu hồi đất theo pháp luật”; và được UBND quận Sơn Trà gia hạn tiến độ đưa đất vào sử dụng đến 6/4/2020.

Nhưng đến hạn, Tân Hiệp Phát vẫn không đưa khu đất vào thực hiện “dự án”. Rồi cả Tân Hiệp Phát và Đà Nẵng đều không thực hiện đúng quy định pháp luật, khu đất vẫn bị bỏ hoang, dự án vẫn không được thực hiện. Tới nay, tháng 3/2022, thêm hai năm nữa, vi phạm dây dưa kéo dài của Tân Hiệp Phát chưa bị xử lý.

Đọc thêm