Lập hồ sơ tài nguyên hải đảo để quản lý hiệu quả

(PLO) - Theo quy định trong Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo mới ban hành, việc lập hồ sơ và cập nhật dữ liệu là quy định bắt buộc đối với các địa phương có hải đảo. 
Trường Sa đẹp giàu. Ảnh: Lê Văn Hùng

Để hướng dẫn và làm rõ hơn vấn đề này, hiện Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đang xây dựng Dự thảo Thông tư “Quy định chi tiết về hồ sơ tài nguyên hải đảo, hướng dẫn việc lập và quản lý hồ sơ tài nguyên hải đảo”.

Giám sát, cập nhật, quản lý tài nguyên môi trường hải đảo

Với diện tích biển lớn gấp 3 lần đất liền cùng trên 3.000 đảo lớn nhỏ, chúng ta khó nếu như không xây dựng hồ sơ về tài nguyên môi trường và điều kiện tự nhiên trên các hòn đảo lớn, nhỏ kể cả bãi ngầm, bãi cạn (gọi chung là hải đảo).

Chính vì vậy, theo ông Vũ Trường Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, người chủ trì Tổ soạn thảo Thông tư: “Quy định chi tiết về hồ sơ tài nguyên hải đảo, hướng dẫn việc lập và quản lý hồ sơ tài nguyên hải đảo”, việc xây dựng Thông tư này rất quan trọng nhằm hướng dẫn các địa phương có thể từng bước triển khai hoạt động điều tra cơ bản và xây dựng, cập nhật hồ sơ các hải đảo do địa phương mình quản lý, trên cơ sở đó tiến hành quản lý, cấp phép đầu tư và giám sát tài nguyên môi trường vùng hải đảo.

Tại cuộc họp Tổ soạn thảo sáng 1/3/2016, ông Vũ Trường Sơn cũng cho biết, Dự thảo lần này đưa ra lấy ý kiến các thành viên thuộc Bộ, Tổng cục, các bộ, ngành liên quan được đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng chuẩn bị khá kỹ lưỡng từ 5 cuộc thảo luận trước đó.

Theo đó, Quy trình lập hồ sơ tài nguyên hải đảo được thực hiện từ Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đảo lập đề xuất kế hoạch thực hiện nhiệm vụ xây dựng hồ sơ tài nguyên hải đảo trình UBND tỉnh/thành phố phê duyệt bằng quyết định.

Sau khi nhiệm vụ lập hồ sơ tài nguyên hải đảo được phê duyệt, đơn vị được tham gia thực hiện tiến hành thu thập thông tin dữ liệu về hải đảo từ các nguồn đã có và tiến hành điều tra, khảo sát bổ sung các thông tin dữ liệu về đặc điểm địa lý tự nhiên, quá trình khai thác bổ sung sử dụng tài nguyên hải đảo, hiện trạng tài nguyên, môi trường hải đảo, quá trình biến động tài nguyên môi trường hải đảo và các thông tin liên quan đến hải đảo.

Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành có hải đảo cũng cần phải lập sổ thống kê, theo dõi biến động tài nguyên, môi trường hải đảo dùng để ghi thông tin do cơ quan có trách nhiệm lập hồ sơ tài nguyên hải đảo ghi nhận được trong quá trình quản lý, theo dõi, kiểm tra, giám sát tài nguyên hải đảo về sự biến động của một hoặc nhiều yếu tố tài nguyên, môi trường hải đảo. Nội dung của thông tin biến động tài nguyên môi trường gồm loại tài nguyên bị biến động, nội dung biến động, khu vực bị biến động, thời gian và nguyên nhân gây ra sự biến động.

Sau khi hoàn tất hồ sơ tài nguyên hải đảo phải được nộp về Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam và đây là một phần quan trọng để xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý hồ sơ tài nguyên hải đảo cấp quốc gia. Cơ sở dữ liệu về hồ sơ tài nguyên hải đảo cho phép cập nhật, bổ sung, khai thác dữ liệu tài nguyên, môi trường các đảo; theo dõi lịch sử dữ liệu tính toán thống kê biến động tài nguyên, môi trường hải đảo.

Thông tin phải là kết quả tổng hợp

Theo Dự thảo Thông tư này, thông tin trong Hồ sơ tài nguyên hải đảo phải là kết quả điều tra, đánh giá tổng hợp tài nguyên môi trường hải đảo với những thông tin cụ thể, chi tiết về đặc điểm điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, tài nguyên thiên nhiên và đặc điểm môi trường của hải đảo đã được điều tra, đánh giá tổng hợp tài nguyên, môi trường được lập theo mẫu kèm Thông  tư này.

Trong đó, nội dung bao gồm: Thông tin về đặc điểm địa hình, địa mạo, khí tượng, thủy văn, dân số, các tác  động phát triển kinh tế chủ yếu, cơ sở hạ tầng; thông tin tổng hợp về số lượng, thành phần, đặc điểm, chất lượng của các dạng tài nguyên động thực vật, hệ sinh thái đặc trưng; đặc điểm về đất, nước, khoáng sản, giá trị văn hoá, lịch sử và các dạng tài nguyên tiềm năng khác. Ngoài ra, phải có thông tin về đặc điểm môi trường gồm: hiện trạng môi trường đất, nước, không khí trên đảo; điểm nóng về môi trường, nguồn gây ô nhiễm, sự cố môi trường và sự cố thiên nhiên có thể xảy ra…

Tại cuộc họp góp ý cho Dự thảo Thông tư lần này, đa số ý kiến các đại biểu đồng ý với những điểm chính được hướng dẫn cụ thể, đây là cơ sở quan trọng để địa phương có thể căn cứ thực hiện. Các đại biểu cũng đã góp ý chỉnh sửa một số vấn đề về thẩm quyền lập hồ sơ và cập nhật, chỉnh lý, ra quyết định đối với hồ sơ đã hoàn thiện loại này; hay một số vấn đề đã được ghi trong Luật không nên nhắc lại trong Thông tư. 

Theo ông Vũ Trường Sơn, Dự thảo Thông tư sẽ được các thành viên trong Tổ soạn thảo chỉnh sửa và gửi lấy ý kiến góp ý của các địa phương trước khi hoàn thiện và đăng thông tin lấy ý kiến rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng.

Đọc thêm