Lập nhiều văn phòng công chứng sẽ bị điều chuyển?

 Xử lý như thế nào trước thực trạng một số thành phố lớn cho thành lập quá nhiều văn phòng công chứng, vượt “chuẩn” so với quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định 240 ngày 17/2/2011)? - Giữ nguyên, điều chuyển đến nơi khác hay giải thể?

Xử lý như thế nào trước thực trạng một số thành phố lớn cho thành lập quá nhiều văn phòng công chứng, vượt “chuẩn” so với quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định 240 ngày 17/2/2011)? - Giữ nguyên, điều chuyển đến nơi khác hay giải thể?

Văn phòng công chứng Hà Nội. Ảnh minh họa
Văn phòng công chứng Hà Nội. Ảnh minh họa

Đây là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm tại buổi họp Hội đồng thẩm định đề xuất Quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020 của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương diễn ra hôm qua (20/9) tại Hà Nội. Cuộc họp do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch Hội đồng chủ trì.

Điều chuyển là rất khó

Xuất phát từ thực trạng ở Bắc Giang, toàn thành phố hiện nay có 6 tổ chức hành nghề công chứng (trong đó có 1 phòng và 5 Văn phòng). So với Quyết định 240 của Thủ tướng Chính phủ thì vượt quá 2 tổ chức (quy định được tối đa 4 tổ chức). Đại diện Tổ thư ký đề xuất 2 văn phòng sẽ phải điều chuyển đến một địa bàn khác.

Lý giải thêm, Vụ trưởng Vụ Bổ trợ Tư pháp Đỗ Hoàng Yến cho biết: khi xây dựng Quyết định 240 vấn đề này đã được đặt ra. Hiện tại cũng có một số địa phương vượt quá số tổ chức hành nghề công chứng so với quy định. Theo bà Yến, nếu vượt thì phải điều chuyển (mà không phải giải thể), còn điều chuyển như thế nào phụ thuộc địa phương, có thể không phải điều chuyển ngay.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến trong Hội đồng thẩm định lại rất băn khoăn với đề xuất này vì cho rằng nó chưa hợp lý. Ông Hoàng Kim Kiên, Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Bắc Giang nõi rõ hơn: các văn phòng nói trên được thành lập trước khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, văn phòng công chứng không phải là cơ quan nhà nước nên điều chuyển không dễ dàng. Mặt khác, ông Kiên nhấn mạnh: địa phương sẽ không biết điều chuyển ai, căn cứ vào đâu để điều chuyển và đề nghị: cho giữ nguyên, và thời gian tới sẽ không phát triển thêm tổ chức nào ở thành phố.

Cần dự báo sát nhu cầu

Trong khi Bắc Giang đề xuất 30 tổ chức hành nghề (huyện ít nhất cũng có 2 tổ chức) thì Hưng Yên trong giai đoạn đến hết 2015 mỗi đơn vị cấp huyện chỉ có 1 tổ chức hành nghề công chứng (và thực tế đến tháng 8/2011 đã hoàn thành quy hoạch), từ 2016 - 2020 cho phép thành lập thêm 1 ở TP. Hưng Yên. Theo lý giải của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Xuân Thơi thì do địa bàn hẹp nên chỉ tính toán để phát triển đến con số như vậy, còn lại sẽ tập trung phát triển đội ngũ công chứng viên, nâng cao chất lượng dịch vụ công chứng.

Mặc dù lượng số lượng giao dịch, hợp đồng hàng năm ở Hải Dương rất lớn (năm 2010 riêng Phòng công chứng số 1 đã công chứng trên 20 ngàn việc), nhưng theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Vũ Văn Tỉnh, lộ trình đến 2020 cũng chỉ đề xuất 5 tổ chức hành nghề ở thành phố, các huyện còn lại mỗi huyện 1 tổ chức.

Lưu ý các địa phương trong xây dựng quy hoạch phát triển các tổ chức hành nghề công chứng, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính nhấn mạnh: cần dự báo sát, nhất là gia tăng nhu cầu công chứng để tránh tình trạng phát triển quá nhiều hoặc quá ít. Công tác bổ trợ tại địa phương đặt ra vấn đề phải nắm được số liệu. Thứ trưởng cũng yêu cầu: xây dựng quy hoạch phải làm bài bản, chặt chẽ, có căn cứ và khoa học.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính – Chủ tịch Hội đồng thẩm định: “Không nên đặt ra vấn đề điều chuyển vì đó là điều rất khó. Chúng ta chỉ nên kiến nghị địa phương giảm bớt các tổ chức hành nghề để đảm bảo đúng quy hoạch, còn giảm được hay không là do địa phương”.

Huy Hoàng

Đọc thêm