Lập phương án cung ứng, dự phòng thực phẩm cho TP Hồ Chí Minh và Bình Dương

(PLVN) - 2 phương án này có khả năng đáp ứng 100% nhu cầu lương thực thực phẩm thiết yếu của TP HCM, Bình Dương khi cần thiết.
Lực lượng quân đội hỗ trợ chính quyền địa phương chuẩn bị lương thực, thực phẩm thiết yếu để phát cho người dân.

Ngày 25/8, Tổ công tác phía Nam của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có báo cáo gửi Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về chuẩn bị các phương án cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương trong tình hình tăng cường giãn cách xã hội.

Hai phương án cung ứng thực phẩm cho TP HCM

Để hỗ trợ cung ứng nguồn nông sản khi cần thiết, Tổ công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Tổng cục Hậu cần Bộ Quốc phòng đã chuẩn bị phương án dự phòng, đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho TP Hồ Chí Minh khi có yêu cầu từ thành phố, hoặc từ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ.

Tổ công tác sẵn sàng cùng với các địa phương thuộc 19 tỉnh, thành Nam Bộ, các doanh nghiệp, hợp tác xã cung ứng nông sản chủ lực để phối hợp triển khai, với các mặt hàng thiết yếu bao gồm; gạo, rau củ, thịt lợn, thịt gà, trứng gia cầm trong thời gian thực hiện nghiêm giãn cách xã hội với 2 phương án dự kiến.

Phương án 1 sẽ đáp ứng 100% nhu cầu của TP Hồ Chí Minh, ngoài sự cung ứng của hệ thống siêu thị. Nhu cầu của TP Hồ Chí Minh một ngày về lương thực, thực phẩm trước khi thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Chính phủ, theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khoảng trên 7.610 tấn, chưa kể trứng gia cầm.

Trong số đó, gạo 2.000 tấn, rau củ 4.200 tấn, thịt lợn 750 tấn, thịt gà 660 tấn, trứng gia cầm 2,2 triệu quả.

Tổ công tác đã xây dựng phương án có địa chỉ cụ thể là các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất với khả năng cung ưng số lượng 10.200 tấn/ngày, chưa kể trứng gia cầm. Trong số đó, gạo 4.500 tấn, rau củ quả 4.300 tấn, thịt lợn 900 tấn, thịt gà 500 tấn, trứng gia cầm 4 triệu quả.

Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cá tra có thể cung ứng 570 tấn/ngày. Các doanh nghiệp, hợp tác xã sẵn sàng cung ứng lương thực, thực phẩm theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Phương án 2 sẽ đáp ứng 50% nhu cầu của thành phố, ngoài cung ứng của hệ thống siêu thị. Tổ công tác đã có địa chỉ cung ứng với số lượng 4.500 tấn/ngày, chưa kể trứng gia cầm. Trong số đó, gạo 1.500 tấn, rau củ quả 2.200 tấn, thịt lợn 400 tấn, thịt gà 400 tấn, trứng gia cầm 1,5 triệu quả. Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cá tra có thể cung ứng 570 tấn.

Nhu yếu phẩm được trao tận nhà người dân.

Thời gian qua, Tổ công tác đã triển khai thí điểm chương trình túi an sinh kết hợp 5 loại nông sản tổng trọng lượng 10 kg/túi (combo 10kg/túi) cho một số doanh nghiệp, siêu thị ở TP Hồ Chí Minh.

Túi an sinh này đảm bảo cho nhu cầu 1 hộ từ 3-5 ngày với các mức giá theo các đối tượng khác nhau. Cụ thể, combo bình dân giá 100.000 đồng/túi 10kg gồm các loại rau ăn củ như khoai lang, khoai môn nhỏ, củ sắn, dứa, chanh, củ cải trắng, dưa leo. Combo trung bình giá 150.000 đồng/túi 10kg gồm củ, rau ăn lá và trứng; combo hạng cao hơn giá 200.000 đồng/túi 10kg gồm củ, rau ăn lá, gạo và trứng.

Ngoài ra, còn nhiều combo kết hợp thủy hải sản, thịt các loại và trứng theo yêu cầu của người đặt, có thể giá cao hơn, hàng hóa đáp ứng nhiều hơn.

Các túi combo này đều do các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đóng túi theo yêu cầu khách hàng, đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Các doanh nghiệp này được Tổ công tác đưa vào danh sách đầu mối hệ thống kết nối cung cầu nông sản, tổ chức hoạt động hơn 1 tháng nay, thay thế hệ thống chợ đầu mối đã tạm thời đừng hoạt động.

Hiện tại, năng lực cung cấp túi an sinh từ 80.000-100.000 túi/ngày, tương đương từ 800-1.000 tấn/ngày và khả năng lên 150.000 túi/ngày, tương đương 1.500 tấn/ngày nếu có sự hỗ trợ vận chuyển.

Tổ công tác phía Nam của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có văn bản đề nghị UBND TP HCM ưu tiên triển khai mô hình trên cho người dân thành phố.

Về tổ chức thực hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp địa chỉ nguồn cung theo các phương án như trên. Bộ Quốc phòng sẽ hỗ trợ tổ chức vận chuyên hàng hóa từ các điểm tập kết ở các tỉnh về TP Hồ Chí Minh.

UBND TP Hồ Chí Minh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Sở Công Thương tổ chức tiếp nhận và phân phối hàng hóa.

Dự phòng lương thực thực phẩm đối với Bình Dương

Đối với tỉnh Bình Dương, Tổ công tác cũng có phương án xây dựng nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm dự phòng khi tỉnh có yêu cầu. Nhu cầu của Bình Dương một ngày về lương thực, thực phẩm là 1.474 tấn, chưa kể trứng gia cầm. Trong số đó, gạo 540 tấn, rau củ 670 tấn, thịt lợn 190 tấn, thịt gà 74 tấn, trứng gia cầm 930.000 quả

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có địa chỉ cung ứng 600 tấn gạo/ngày và 700 tấn rau củ quả/ngày.

Với năng lực sản xuất hiện tại, Bình Dương đảm bảo khả năng cung ứng thịt lợn và thịt gà nhưng thiếu khoảng 79.000 quả trứng gia cầm/ngày. Khả năng cung ứng lượng thiếu của Bình Dương từ các tỉnh lân cận khoảng 90.000 quả/ngày. Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cá tra khu vực Nam Bộ có thể cung ứng 570 tấn/ngày.

Đọc thêm