TP HCM đảm bảo cung ứng đủ thực phẩm cho người dân

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Các Bộ, ngành, Sở Công Thương TP HCM lên phương án, đưa ra nhiều giải pháp đảm bảo việc vận chuyển, cung ứng đủ thực phẩm đến tay người dân trong khi thực hiện giãn cách xã hội.
 Điểm bán hàng lưu động do một siêu thị tổ chức nhằm giảm bớt tình trạng xếp hàng, tập trung đông tại siêu thị.
Điểm bán hàng lưu động do một siêu thị tổ chức nhằm giảm bớt tình trạng xếp hàng, tập trung đông tại siêu thị.

Bộ, ngành lên phương án cung ứng đủ thực phẩm cho người dân

Nhằm cung ứng nhu cầu hàng hóa, thực phẩm cho TP HCM nói riêng và các tỉnh, thành phía Nam nói chung đang thực hiện giãn cách xã hội, ông Trần Duy Đông, Phó ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa cho TP HCM và các tỉnh phía Nam (Bộ Công Thương) cho hay, Bộ Công Thương cũng lên kịch bản, hướng dẫn TP HCM lập các điểm trung chuyển hàng hóa tại chợ đầu mối Thủ Đức; đồng thời sẽ tính tới các phương án mở thêm điểm trung chuyển tại các chợ đầu mối khác trên cơ sở đảm bảo an toàn phòng dịch.

Bộ Công Thương đang phối hợp với các địa phương kịp thời xử lý khó khăn trong lưu chuyển hàng hóa nhằm không làm đứt gãy chuỗi cung ứng khi Covid-19 diễn biến phức tạp.

Ban phòng chống dịch các địa phương cũng được đề nghị ưu tiên, tạo điều kiện tối đa trong lưu thông, tiêu thụ nông sản và ưu tiên tiêm vaccine cho các đối tượng tham gia chuỗi cung ứng.

Bộ Công Thương đã có các văn bản gửi ngành Y tế đề nghị thay đổi phương thức, rút thời gian xét nghiệm cho lái xe, tạo luồng ưu tiên cho phương tiện chở hàng hóa thiết yếu... “Ngoài phối hợp liên ngành, vai trò của các địa phương rất quan trọng, có tính quyết định để gỡ khó khâu lưu thông hàng hóa”, ông Đông nêu rõ.

Còn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa đề nghị các địa phương cần dự báo những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản, lưu thông tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Trường hợp khó khăn, kiến nghị ngay với các cơ quan có thẩm quyền để tháo gỡ.

Thực phẩm, hàng bình ổn giá... sẽ cung ứng ổn định từ 3 - 6 tháng tới

Trong cuộc họp báo ngày 13/7, Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương cho biết, lượng lương thực, thực phẩm chuyển về TP HCM trong ngày 13/7 đạt khoảng 1.900 tấn.

TP Thủ Đức đã triển khai 2 bãi container của chợ đầu mối Thủ Đức làm điểm tập kết trung chuyển để đưa hàng hóa về cho các chợ truyền thống. Theo Sở Công Thương, những ngày qua, vẫn còn chợ truyền thống hoạt động, các hệ thống phân phối hiện đại phải tăng 1,5-5 lần so với trước đây. Để khắc phục khó khăn về kênh phân phối, Sở đã vận động nguồn lực hỗ trợ từ doanh nghiệp vận chuyển trở thành điểm bán hàng lưu động. Sở Công Thương phụ trách đưa hàng hóa tới điểm bán để phục vụ người dân. Sở Công Thương phối hợp với các doanh nghiệp logistic tổ chức bán hàng lưu động.

Ông Phương cho rằng do thiếu hụt nhân viên vì một số siêu thị có liên quan đến ca Covid-19 phải tạm ngừng hoạt động và các địa phương đang siết chặt giãn cách nên việc nhân công đi lại khó khăn… nên xảy ra tình trạng đặt mua hàng online nhưng nhiều ngày mới giao hàng hoặc báo hủy đơn.

Để khắc phục tạm thời tình trạng này, Sở cung cấp số điện thoại đầu mối tại các siêu thị, cửa hàng về các địa phương để tiếp nhận phản hồi kịp thời. Đồng thời, triển khai bán các mặt hàng thiết yếu theo hình thức combo giúp thuận lợi hơn cho việc mua hàng và giao hàng.

Riêng phương án mở cửa lại các chợ truyền thống, tùy tình hình thực tế tại địa phương, các quận - huyện sẽ chủ động quyết định tạm dừng hoặc mở cửa trở lại theo hướng đảm bảo các tiêu chí về an toàn phòng chống dịch bệnh.

Các địa phương xem xét tận dụng chợ truyền thống đang ngừng hoạt động để bố trí cho 2-10 tiểu thương buôn bán. Các tiểu thương này phải có kinh nghiệm, năng lực kinh doanh thực phẩm tươi sống và có xét nghiệm âm tính với Covid-19. Người dân sẽ được phát phiếu mua hàng theo giờ, không tiếp xúc trực tiếp với tiểu thương để đảm bảo phòng chống dịch.

Về giá hàng hóa tăng cao, ông Phương lý giải có nhiều nguyên nhân cộng hưởng: Do người dân đổ xô đi mua để tích trữ; do vừa qua giá xăng dầu điều chỉnh tăng; 3 chợ đầu mối tạm dừng hoạt động dẫn đến việc sử dụng các phương tiện vận tải nhỏ hơn để vận chuyển hàng hóa cũng khiến cho chi phí tăng...

Ông Phương nói rằng, tình hình hàng hóa ngày hôm nay đã ổn định, hàng hóa dồi dào nên không còn hiện tượng đẩy giá. Bên cạnh đó, Sở đã yêu cầu Thanh tra tiến hành kiểm tra rà soát và xử phạt những trường hợp lợi dụng tình thế khó khăn để nâng giá bán.

Trong ngày 14/7, đại diện Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) cho biết đã nhập về lượng thực phẩm tăng hơn 30% so với những ngày trước. Hiện nếu cộng với lượng dữ trữ lớn về gạo, mì, thực phẩm khô, thực phẩm đông lạnh, thịt mát, hàng bình ổn giá... sẽ đảm bảo cung ứng ra thị trường ổn định hơn 3 đến 6 tháng tới.

Tại cuộc giao ban trực tuyến với lãnh đạo TP HCM ngày 14/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá qua 5 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, công tác xét nghiệm tại TP HCM đã được cải thiện. Việc kết quả xét nghiệm được trả đúng hạn đã giúp cho công tác khoanh vùng, truy vết được tiến hành nhanh và hiệu quả.

Phó Thủ tướng đề nghị, TP HCM tiếp tục quản lý, tăng cường kiểm soát cách ly trong khu vực phong tỏa, không để tái diễn tình trạng tập trung đông người. TP HCM cần tuyên truyền, vận động người dân về tình trạng khó khăn chung, để người dân đồng lòng chống dịch trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Đồng thời, phải đặc biệt quan tâm, hỗ trợ người lao động nghèo. Trong diễn biến dịch mới, TP cần điều chỉnh linh hoạt các quy định để giải quyết tình trạng ách tắc giao thông. Cần liên thông đồng nhất về phần mềm công nghệ thông tin trên toàn quốc, theo đó, bắt buộc mọi người dân phải “check in” bằng QR code.

Ngoài ra, khi công bố số ca bệnh hằng ngày TP HCM phải có sự phân tích về diễn biến dịch, về xu hướng diễn biến tại các ổ dịch, để người dân nắm được tình hình. Theo đó, diễn biến thực tế cho thấy, số ca mắc trong một số khu vực cách ly giảm, trong khi ở các khu vực phong tỏa số ca mắc tăng. Điều này cho thấy, sự cần thiết phải có hợp tác, phối hợp của người dân tại các khu phong tỏa để chống dịch hiệu quả…

Đọc thêm