Doanh nghiệp liên tiếp sập bẫy
Hiệu ứng thông qua cơ quan truyền thông quảng cáo cho kế hoạch lừa đảo của Phiếu có tác dụng tức thì. Chỉ sau ít ngày, tháng 10/2008, đại diện Cty TNHH Xây dựng Thương mại Quang Vinh (TP.Hồ Chí Minh) ngỡ Phiếu có khả năng cung cấp tài chính vô hạn trong khi chỉ cần nộp lại cho Phiếu 2% tổng số vốn được giải ngân nên đã mang ngay 5 tỷ đồng chuyển vào tài khoản của Phiếu với hy vọng sẽ được đầu tư 3.350 tỷ đồng.
Đại diện Cty TNHH Traenco (Hà Nội) nộp cho Phiếu 1 tỷ đồng rồi ngồi chờ được trao khoản vay hơn 7 nghìn tỷ đồng. Lãnh đạo Cty CP Đông Tây Nguyên (Lâm Đồng) giao cho Phiếu 250 triệu đồng với hy vọng sẽ được cho vay 5 nghìn tỷ đồng.
Ông Phạm Văn Thụ - Giám đốc Cty TNHH Công nghiệp Thương mại Thái Sơn ở Hải Phòng, (hiện là bị can trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt hơn 500 tỷ đồng của các tổ chức tín dụng - PV) thời điểm này là một trong số 500 DN hàng đầu cũng “ngây thơ” khi đưa 100 triệu đồng cho Phiếu để được ký hợp đồng cam kết cho vay 50 tỷ đồng.
Cty TNHH Dịch vụ Thương mại Thịnh Phát (Kon Tum) còn hào hứng “nhét” 5,96 tỷ đồng “đối ứng” vào túi của Phiếu với hy vọng được cùng góp vốn xây dựng nhà máy luyện chế biến tinh bột sắn tại tỉnh nhà.
Thượng tá Lê Nguyên Trường – Trưởng phòng Phòng CSĐT tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC 46), Công an (CA) TP.Hải Phòng nhớ lại, chỉ trong thời gian ngắn (tháng 8/2008 đến tháng 6/2009, thời điểm Ngô Bá Phiếu bị CA Hải Phòng bắt giữ - PV) đã có 26 chủ DN với tổng số gần 16 tỷ đồng bị Phiếu lừa đảo chiếm đoạt nhưng không có bất cứ chủ DN nào tố cáo sự việc tới cơ quan CA. CA TP.Hải Phòng phát hiện dấu hiệu lừa đảo của Phiếu khi đọc được chính quảng cáo cho vay tiền của Phiếu trên cơ quan truyền thông.
“Lột mặt nạ” kẻ lừa đảo
Theo Thượng tá Trường, việc các DN lo phần vốn đối ứng trong các hoạt động thương mại, dân sự là bình thường, nhưng chính việc Phiếu ấn định mức đối ứng 2% khiến các trinh sát để mắt tới. Tuy nhiên, để có căn cứ đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật của Phiếu, trước hết, cơ quan CA cũng phải đấu tranh với một số cơ quan khác. Theo đó, một số vị lãnh đạo của các cơ quan liên quan cho rằng hoạt động vay, cho vay là hoạt động dân sự, chống hình sự hóa các quan hệ dân sự là yêu cầu cấp thiết.
Thượng tá Trường cho biết, sức ép phá án càng lớn hơn khi nhiều chủ DN vẫn hàng ngày hàng giờ gửi hồ sơ đến trụ sở, chi nhánh DN “ma” của Phiếu tại Hải Phòng, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh đề nghị được vay vốn.
Nhiều chủ DN vẫn săn đón, tìm cách tiếp cận Phiếu hy vọng tiếp cận được nguồn vốn dồi dào của siêu lừa. Để chứng minh Phiếu là đối tượng lừa đảo, năng lực tài chính chỉ là số 0, các điều tra viên đã đề xuất, được lãnh đạo CA TP.Hải Phòng thống nhất quan điểm chỉ đạo phải “lột mặt nạ” khả năng tài chính của Phiếu, bắt đầu từ chính ngân hàng đã xác nhận DN của Phiếu có số dư trong tài khoản tới 400 tỷ đồng.
Ban đầu, khi được các trinh sát đề nghị hợp tác, chính tổ chức ngân hàng trong nước từng cấp hạn mức tín dụng 400 tỷ đồng cho DN của Phiếu cũng viện lý do đây là các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng để từ chối. Tuy nhiên, không khó để các điều tra viên chứng minh được số dư 400 tỷ đồng trong tài khoản tại DN do Phiếu làm chủ chỉ là khoản tiền có thời hạn 03 ngày. Khoản tiền này vốn được Bạch Minh Sơn “đổ” vào tài khoản DN của Phiếu để được ngân hàng xác nhận có số dư trong tài khoản. Sau khi ngân hàng xác nhận, Phiếu cùng Bạch Minh Sơn đã rút hết tiền ra khỏi tài khoản. Phiếu đã sử dụng giấy xác nhận số dư tài khoản hết hiệu lực để đi lừa đảo các chủ DN.
Xác minh dấu vết lừa đảo của Phiếu từ các tổ chức tín dụng trong nước đã khó, việc xác minh các hợp đồng ngoại được Phiếu trưng ra cho các DN liên quan đến các đối tượng lừa đảo quốc tế còn khó khăn gấp bội. Thượng tá Trường cho biết, có ngày nhiều trinh sát tham gia phá án bỏ cả ăn, chỉ vắt óc suy tính, truy tìm chứng cứ kẻ siêu lừa đảo.
Bị lừa, vẫn không tin
Thủ đoạn lừa đảo của Ngô Bá Phiếu hết sức tinh vi, trước khi thu tiền của các “con mồi”, Phiếu đều lập các hợp đồng góp vốn, hợp đồng cho vay tiền. Các chủ DN đã xuất tiền “đối ứng” cho Phiếu, khi không nhận được tiền “rót vốn” theo cam kết nhưng phần vì xấu hổ, phần vẫn tin tưởng vào những “hợp đồng cung cấp vốn ngoại”, những văn bản xác nhận Phiếu có 400 tỷ đồng tại ngân hàng nên vẫn hy vọng không sớm thì muộn Phiếu vẫn sẽ giải ngân cho vay. Do vậy, các chủ DN bị Phiếu lừa đã không hợp tác, không cung cấp chứng cứ cho cơ quan CA.
Thượng tá Trường dẫn chứng, trong giai đoạn xác minh, CA phát hiện chủ một DN có người nhà công tác tại VKSNDTC bị dính “lưới lừa” của Phiếu. CA đã cùng vị lãnh đạo VKSNDTC chứng minh cho vị chủ DN thấy bộ mặt thật của Ngô Bá Phiếu là kẻ lừa đảo siêu hạng.
Ban đầu, vị chủ DN đồng ý để bà Phó GĐ làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo của Phiếu tới cơ quan bảo vệ pháp luật, nhưng chỉ ít ngày sau lại yêu cầu bà này rút đơn tố cáo với lý do “sắp được Phiếu giải ngân với khoản tiền lớn”.
Tương tự, các trinh sát, điều tra viên của CA TP.Hải Phòng phát hiện hai chủ DN tại tỉnh Nam Định bị Phiếu lừa đảo chiếm đoạt 02 tỷ đồng. Tuy được chính Giám đốc CA tỉnh Nam Định cùng các trinh sát tác động, đề nghị cung cấp chứng cứ việc bị Phiếu lừa đảo, chiếm đoạt tiền nhưng hai chủ DN này vẫn không hợp tác.
Không nản, các trinh sát của CA TP.Hải Phòng phải lặn lội vào các tỉnh thành phía Nam, các tỉnh Tây Nguyên để tìm nạn nhân của Phiếu. Sau khi thu thập được những chứng cứ Phiếu có hành vi lừa đảo nhiều DN, nạn nhân hầu khắp các tỉnh, thành, để đấu tranh có hiệu quả với Phiếu, CA TP.Hải Phòng đã đề xuất chuyển vụ việc về Cơ quan điều tra Bộ CA để điều tra thụ lý vụ việc theo thẩm quyền. Khoảng 5 tháng sau khi tiếp nhận vụ việc, Cơ quan điều tra Bộ CA lại chuyển vụ việc về lại cho CA TP.Hải Phòng với lý do không có căn cứ khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Phá án thành công
Biết bị lực lượng CA TP.Hải Phòng truy xét hành vi lừa đảo, Ngô Bá Phiếu đã dùng nhiều thủ đoạn lẩn trốn khắp trong Nam ngoài Bắc. Trong quá trình lẩn trốn, Phiếu vẫn chỉ đạo nhân viên dưới quyền viết giấy báo cho các nạn nhân chuẩn bị “điều kiện” để nhận vốn vay, tiếp tục thu hồ sơ, thu tiền “đối ứng” của các chủ DN để thực hiện hành vi lừa đảo.
Theo dấu kẻ lừa đảo, các trinh sát còn chứng kiến Phiếu “làm xiếc” với các nạn nhân như hẹn “con mồi” đến nhà riêng của một vị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh để “tiếp khách, giao dịch”. Mục đích của việc này là tiếp tục “quảng cáo” Phiếu có khả năng tài chính dồi dào và những quan hệ “khủng” nhằm mục đích tiếp tục lừa đảo, thu tiền “đối ứng” của nạn nhân.
Bị truy bắt gắt gao, Phiếu còn có những thủ đoạn lừa đảo, lẩn trốn chính những nạn nhân của mình khá mạo hiểm, Phiếu thuê phòng tại các khách sạn hạng sang ở TP.Hồ Chí Minh để nhận tiền lừa đảo. Sau khi thu được tiền từ nạn nhân, Phiếu để nạn nhân ngồi đợi tại phòng, thay quần áo lót rồi “lỉnh” ra ngoài, bay ra Hà Nội để tiếp tục “du hý” với cô bồ tại các khách sạn trên địa bàn Hà Nội.
Củng cố đủ chứng cứ, chiều ngày 16/9/2009, các điều tra viên của Phòng PC46 CA TP.Hải Phòng đã tiến hành khám xét khẩn cấp trụ sở DN của Phiếu tại đường Văn Cao, quận Hải An, TP.Hải Phòng, thu giữ 26 hợp đồng “lừa đảo” được Phiếu thực hiện với các chủ DN để chiếm đoạt gần 16 tỷ đồng, 223 bộ hồ sơ của các chủ DN khác đang đợi Phiếu “ký duyệt” để giải ngân cho vay vốn. Với việc phá án thành công, hơn 200 chủ DN đã may mắn thoát khởi “lưới lừa” được siêu lừa đảo Ngô Bá Phiếu giăng ra.
Thượng tá Trường chia sẻ, đến khi Cơ quan CSĐT CA TP.Hải Phòng hoàn thành Kết luật điều tra hành vi lừa đảo của Ngô Bá Phiếu, nhiều chủ DN vẫn không hay Phiếu là trùm lừa đảo, từng có tới 03 tiền án về các tội trốn đi nước ngoài, lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN, lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân (thời gian Bộ luật Hình sự còn quy định rành rẽ nhóm tội chiếm đoạt tài sản – PV).
Từ những chứng cứ được Phòng CSĐT tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ làm rõ, HĐXX TAND TP.Hải Phòng đã tuyên phạt Ngô Bá Phiếu mức án tù chung thân cho hành vi lừa đảo.