Lấy đất nông nghiệp làm nhà máy gạch trong trại giam?

Sau khi phản ánh những nghi ngại của dư luận trong quá trình triển khai Dự án Nhà máy gạch T5 (Thanh Hóa), chúng tôi đã làm việc với Tổng cục VIII (Bộ Công an) để tiếp tục làm rõ: Có hay không việc Trại giam số 5 đã “xắn” hàng chục héc-ta đất nông nghiệp để triển khai dự án?

Sau khi phản ánh những nghi ngại của dư luận trong quá trình triển khai Dự án Nhà máy gạch T5 (Thanh Hóa), chúng tôi đã làm việc với Tổng cục VIII (Bộ Công an) để tiếp tục làm rõ: Có hay không việc Trại giam số 5 đã “xắn” hàng chục héc-ta đất nông nghiệp để triển khai dự án?

Đang chuyển đổi mục đích sử dụng đất

Như PLVN (số ra ngày 3/2/2012) đã thông tin, Trại giam số 5 - đơn vị thuộc Tổng cục Thi hành án hình sự và Hỗ trợ Tư pháp (Tổng cục VIII) đã liên kết với Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển công nghệ Xây dựng A - D (Hà Nội) để triển khai Dự án Nhà máy gạch T5, với tổng đầu tư 59,7 tỷ đồng, tại Thị trấn Thồng Nhất, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, ngay sau khi dự án được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép đầu tư, dư luận đã xôn xao: Trại giam số 5 sử dụng gần 20ha đất nông nghiệp để triển khai dự án, vi phạm quy định Nhà nước về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp; đồng thời việc cho một doanh nghiệp tư nhân vào trại giam khai thác ngồn lợi sẽ làm mất nguồn đất dự trữ để phạm nhân lao động, cải tạo trong thời gian thụ án...?.

Quanh vấn đề này, Đại tá Nguyễn Xuân Phòng - Phó Cục trưởng Cục C87 (Tổng cục VIII) - cho hay: “Chủ trương triển khai Nhà máy gạch T5 là nhằm tạo điều kiện cho phạm nhân được lao động, cải tạo và học nghề phục vụ tái hòa nhập cộng đồng theo đúng quy định của Chính phủ”.

Phó Cục trưởng C87 Nguyễn Xuân Phòng: “Trại 5 đang hoàn tất thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất”.

Theo đó, diện tích chiếm đất của dự án là trên 17 ha, và theo dư luận, phần lớn trong số diện tích đó là đất nông nghiệp. “Cụ thể, có 7,2ha là đất dùng làm nhà máy, 10ha còn lại là đất khai thác nguyên liệu. Toàn bộ số này là đất đồi và chỉ có một phần nhỏ là đất sản xuất nông nghiệp, nhưng hiệu quả thấp nên chuyển sang làm gạch nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất để giảm bớt khó khăn cho trại” - Đại tá Phòng khẳng định.

Tuy nhiên, theo tài liệu PLVN thu thập được, thì 17,2ha đất phục vụ Dự án Nhà máy gạch T5 của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển công nghệ Xây dựng A - D tại Trại giam số 5 - trước đây vốn là đất sản xuất nông nghiệp một vụ.

Trong đó, 7,2ha là đất đồi trước chỉ chuyên canh sắn và dứa, số còn lại là ruộng trũng và đồi. Giải thích về chi tiết này, Phó Cục trưởng C87 nói: “Dù trong đó có một phần đất một vụ lúa, nhưng UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định cấp chứng nhận đầu tư cho thấy đã có sự xem xét, đánh giá, trên cơ sở thẩm định của các sở, ngành chức năng. Hiện, Trại 5 đang tiến hành thủ tục để chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với diện tích này”.

Không lo phạm nhân trốn trại

Một vấn đề cũng thu hút sự chú ý của dư luận đó là việc triển khai dự án ngay trong Trại giam số 5 có thể sẽ ảnh hưởng đến an ninh, an toàn trong công tác quản lý và chống trốn trại, vì dự án sau khi đi vào hoạt động, hàng ngày sẽ có một lượng lớn người, phương tiện ra vào vận chuyển nguyên vật liệu, sản phẩm, và đó là kẽ hở để phạm nhân lợi dụng?.

“Chúng tôi khẳng định, với các biện pháp nghiệp vụ, Trại 5 sẽ đảm bảo an toàn tuyệt đối đối với công tác quản lý phạm nhân và chống trốn trại. Thực tế, khu vực xây dựng nhà máy nằm hoàn toàn trong khuôn viên trại, xung quanh đã có hệ thống rào vây” - ông Phòng cho hay.

Cũng theo vị đại diện của Tổng cục VIII, khu đất triển khai dự án dù không thuộc đối tượng nằm trong quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản vật liệu xây dựng của Thanh Hóa đến năm 2015, “nhưng với vùng nguyên liệu rộng 10ha, chắc chắn sẽ đủ đất cho nhà máy hoạt động”.

Lý giải vì sao dự án đã được triển khai một cách “bài bản”, nhưng vẫn xuất hiện khá nhiều đơn thư cho rằng, dự án đang tiềm ẩn nhiều yếu tố bất thường cần làm sáng tỏ, Đại tá Nguyễn Xuân Phòng nói: “Việc thực hiện dự án Nhà máy Gạch T5 tại địa bàn này có thể làm một cá nhân hoặc đơn vị nào đó cũng hoạt động trong lĩnh vực này lo ngại bị mất thị phần nên phát sinh đơn thư. Theo tôi, việc có thêm một nhà máy gạch sẽ là điều tốt vì nó nâng cao khả năng cạnh tranh, người tiêu dùng sẽ có thêm cơ hội lựa chọn sản phẩm tốt, giá thành hạ”.

“Phần lớn đất phục vụ dự án nhà máy gạch là đất đồi kém hiệu quả. Chúng tôi nhận định, đơn thư phản ánh về sự việc này xuất phát từ một ai đó do lo ngại sau khi Nhà máy gạch T5 hoạt động sẽ ảnh hưởng đến thị phần và giảm khả năng cạnh tranh của họ” - Trung tướng Cao Ngọc Oánh - Tổng cục trưởng Tổng cục VIII.

Tuấn Anh

Đọc thêm