Lấy phiếu tín nhiệm là dịp để các lãnh đạo nhìn lại mình

(PLVN) - Bên hành lang Quốc hội ngày 25/10, các đại biểu Quốc hội đã đánh giá cao ý nghĩa của việc lấy phiếu tín nhiệm, coi đây là cơ hội để các chức danh lãnh đạo được lấy phiếu lần này tự nhìn lại mình, tự mình kiểm điểm việc thực hiện nhiệm vụ được giao.
Quang cảnh phiên làm việc lấy phiếu tín nhiệm. (Nguồn ảnh: quochoi.vn)

Trao đổi với Báo Pháp luật Việt Nam bên hành lang Kỳ họp, Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) nhấn mạnh, lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ là một việc hết sức quan trọng trong hoạt động giám sát của Quốc hội (QH) và cũng là việc đầu tiên có ý nghĩa đối với những người giữ vị trí trọng trách do QH bầu, phê chuẩn.

"Họ sẽ phải tự mình kiểm điểm lại, đánh giá lại suốt nửa nhiệm kỳ qua đã triển khai được những gì so với chiến lược, chương trình, mục tiêu ban đầu đề ra; đã thực hiện được đến đâu những vấn đề mà QH, cử tri chất vấn. Tôi cho rằng đó là việc quan trọng vì nếu không có hoạt động đánh giá giữa nhiệm kỳ này thì nhiều khi người ta sẽ lơ là việc tự nhìn lại mình", Đại biểu Cường nhìn nhận.

Đại biểu Hoàng Văn Cường. (Ảnh: PV)

Ông Cường cũng nhấn mạnh: "Việc các đại biểu QH bỏ phiếu tín nhiệm một vị trí nào đó, phản ánh kết quả thực hiện của các vị trí trọng trách này đến đâu. Nếu kết quả tốt thì sẽ được ghi nhận, góp phần thúc đẩy, động viên những người giữ vị trí tiếp tục quyết tâm. Nếu tín nhiệm chưa được cao thì sẽ buộc những người đó phải xem lại quá trình thực thi nhiệm vụ của mình.

Còn nếu đến mức chưa đủ tín nhiệm thì rõ ràng cần rời bỏ vị trí của mình. Đây là một hình thức vừa giúp người được lấy phiếu tín nhiệm phải tự đánh giá, tự thay đổi vừa là cách nhìn của xã hội đối với mỗi cá nhân đó, giúp cho hoạt động của các vị trí này trong 2,5 năm tới đây được định hướng tốt hơn".

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu. (Ảnh: PV)

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu QH tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thị Sửu chia sẻ, tiêu chí lựa chọn của bà dựa vào nghị quyết, quyết định, chủ trương, kế hoạch của Đảng và QH, nằm trong quy định pháp luật về lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ, nhằm đánh giá chất lượng trách nhiệm, năng lực công tác ở các vị trí lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của các vị nằm trong diện QH bầu và phê chuẩn.

Bà tán thành việc lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ để làm thước đo hiệu quả của công việc thời gian qua và làm nền tảng cho động lực giai đoạn tới của các cá nhân được lấy tín nhiệm.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn Phú Yên) cho rằng, các đại biểu Quốc hội đã hết sức trách nhiệm khi đánh giá, nhận định, có sự chia sẻ với các chức danh phụ trách các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ trong bối cảnh kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn. Tuy nhiên, kết quả đánh giá đó chỉ là bước đầu. Để có cái nhìn thấu đáo, kỹ lưỡng cần tiếp tục hướng về phía trước.

"Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ là thông số để các chức danh lấy phiếu lần này có thêm cơ sở hoạch định chiến lược, lên kế hoạch hoàn thành tốt hơn nữa công việc của mình và hình dung rõ hơn kỳ vọng của đại biểu cũng như cử tri để nỗ lực trong nửa nhiệm kỳ còn lại. Sau lấy phiếu tín nhiệm, những vị trí được tín nhiệm cao thì sẽ vui hơn, người có vị trí thấp sẽ tâm tư vì nỗ lực thời gian qua không chỉ của một cá nhân mà của cả một ngành, lĩnh vực", Đại biểu Nghĩa chia sẻ.

Đại biểu Nghĩa mong các Bộ trưởng yên tâm đó không phải là đánh giá “đóng đinh” mà vẫn nhìn về phía trước, tháo gỡ để thúc đẩy ngành đi lên.

Đại biểu cũng nêu rõ là có những việc, cái khó từ nhiều nhiệm kỳ dồn lại. Có những lĩnh vực nhận được sự kỳ vọng rất lớn nhưng nguồn lực còn hạn chế, muốn tháo gỡ cần thêm thời gian như lĩnh vực giáo dục, văn hóa…

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa. (Ảnh: PV)

Thời gian tới, các thành viên Chính phủ có tín nhiệm thấp cần bước tiếp trên cơ sở nhìn lại cái đã qua. Đại biểu Nghĩa tin vào bản lĩnh của các Bộ trưởng, tin vào cách đánh giá công tâm của các đại biểu cũng như cách nhìn nhận của hệ thống chính trị chúng ta. Đó là cách nhìn nhận để bước tiếp, để đáp ứng kỳ vọng của cử tri, của nhân dân.

"Cuộc lấy phiếu tín nhiệm lần này chỉ có ý nghĩa khi sau lấy phiếu, đất nước ta tiếp tục phát triển với cả cơ hội và thách thức đang mở ra nhiều. Đích cuối cùng của lấy phiếu tín nhiệm là sẽ có đội ngũ các chức danh mạnh hơn, dạn dày hơn, trách nhiệm hơn, yên tâm hơn để vững bước.

Mỗi người nên yên tâm là những việc làm tốt, việc làm tích cực trên nền tảng khó khăn hôm nay, cử tri, đại biểu vẫn đang dõi theo, chia sẻ. Sẽ có những đánh giá không chỉ bằng những con số, không chỉ bằng việc lấy phiếu mà đánh giá của tổ chức Đảng, của cử tri, trong lòng của người dân khi nhìn về thành viên Chính phủ với sự ấm áp, tin tưởng", ông Nghĩa cho hay.

Cũng theo ông Nghĩa, với những Bộ trưởng dày dạn kinh nghiệm, được Đảng giao trọng trách, được nhân dân tin cậy, đây sẽ là động lực để họ bước tiếp. "Họ không chỉ bước một mình, đơn độc vì làm tốt thì sẽ được ghi nhận, được tập thể, tổ chức, đặc biệt được cử tri nhìn nhận, đánh giá và ghi nhớ", vị Đại biểu nhấn mạnh.

Đọc thêm