Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tại Quyết định số 42/QĐ-TTg ngày 11/01/2022 với thời gian thực hiện hoàn thành quy hoạch trong Quý I/2024. Đồ án đã được nghiên cứu thiết lập hồ sơ theo đúng trình tự quy định hiện hành và đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thẩm định và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Để hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức trưng bày, niêm yết lấy ý kiến cộng đồng và cá nhân liên quan về hồ sơ quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Việc trưng bày, niêm yết lấy ý kiến cộng đồng nhằm mục đích phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của người dân sinh sống trong khu vực di tích cũng như các cá nhân quan tâm, đóng góp cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản Quần thể Di tích Cố đô Huế; tạo sự thống nhất và đồng thuận của người dân trong công tác hoàn thiện các chính sách, thể chế về quy hoạch cũng như bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và khả thi của đồ án quy hoạch.
Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch là không gian hình thành và phát triển Cố đô lịch sử, không gian cảnh quan, các địa danh, địa điểm, địa giới tự nhiên có quan hệ mật thiết trong quá trình hình thành quần thể di tích Cố đô Huế; bao gồm: Khu vực Kinh thành Huế, Kim Long, Bao Vinh, Gia Hội, núi Kim Phụng, núi Ngự Bình, núi Duệ, đồi Vọng Cảnh, cồn Hến, cồn Dã Viễn, cửa biển Thuận An, đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, lưu vực sông Hương và các chi lưu thuộc địa giới hành chính TP Huế, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy, huyện Quảng Điền và huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Tổng diện tích khoảng 134.000ha.
Quy mô lập quy hoạch bao gồm khu vực bảo vệ của Di sản văn hoá thế giới Quần thể di tích Cố đô Huế được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận vào năm 1993, cập nhật năm 2011; bao gồm các điểm di tích: Kinh thành Huế, Chùa Thiên Mụ, Văn Miếu và Võ Miếu, Hổ Quyền và Voi Ré, Đàn Nam Giao, Điện Hòn Chén, các Lăng: Dục Đức, Tự Đức, Đồng Khánh, Thiệu Trị, Khải Định, Minh Mạng, Gia Long và Trấn Hải Thành. Quy mô quy hoạch bảo quản, tu bổ phục hồi di tích (tỷ lệ 1:2.000) khoảng 800-1.200 ha, quy hoạch (tỷ lệ 1:500) khoảng 80-100 ha.
Khu vực bảo tồn cảnh quan sông Hương gắn với di tích; các trục, tuyến không gian cảnh quan văn hoá, các quần cư lâu đời gắn với từng di tích; các khu vực tổ chức hoạt động phát huy giá trị di tích, kết nối hạ tầng kỹ thuật nội bộ và hệ thống giao thông, hạ tầng chung có liên quan. Quy mô quy hoạch định hướng tổ chức không gian, bảo vệ cảnh quan văn hóa và kết nối quần thể di tích (tỷ lệ 1:10.000) khoảng 42.600 ha...
Thời gian lấy ý kiến cộng đồng và cá nhân liên quan về hồ sơ “Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030 và tầm nhìn 2050” bắt đầu từ ngày 6/10 đến hết ngày 31/10/2023.
Các ý kiến của người dân được tiếp nhận thông qua các hình thức: Điền phiếu ý kiến tại nơi trưng bày, niêm yết hồ sơ quy hoạch (địa điểm niêm yết: 15 Lê Lợi, Thành phố Huế); thông qua cổng thông tin điện tử và qua địa chỉ email của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế; các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin (quét mã QR,…)
Các ý kiến góp ý sẽ được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổng hợp, công bố công khai và tiếp thu, giải trình, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét trước khi thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt.