Lễ hội chùa Hương 2024: Nhiều nét tích cực

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sử dụng vé điện tử và xe điện, phân luồng giao thông, nâng cao chất lượng quản lý vận chuyển thuyền đò, giá dịch vụ niêm yết công khai, không có hiện tượng “chặt chém” nâng giá... Đó là những tín hiệu tích cực tại Lễ hội chùa Hương năm 2024.
Du khách đi đò vãn cảnh chùa Hương. (Ảnh: Văn Bình)
Du khách đi đò vãn cảnh chùa Hương. (Ảnh: Văn Bình)

Điểm đến “an toàn, văn minh, thân thiện”

Chùa Hương - Di tích Quốc gia đặc biệt Quần thể Hương Sơn (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) là đại danh lam thắng cảnh của Thủ đô và cả nước. Lễ hội chùa Hương năm 2024 kéo dài 3 tháng, từ ngày 11/2 đến hết ngày 1/5 (từ mùng 2 tháng Giêng đến hết ngày 23 tháng 3 năm Giáp Thìn) dự kiến thu hút hàng triệu lượt người về tham quan, chiêm bái.

Ông Bùi Văn Triều - Chủ tịch UBND xã Hương Sơn cho hay, với chủ đề “an toàn - văn minh - thân thiện”, Lễ hội chùa Hương có nhiều đổi mới, từ thay đổi hình thức bán vé giấy sang vé điện tử, đưa dịch vụ xe điện vào phục vụ du khách, cải tạo lối vào di tích bằng việc bỏ 2 cổng soát vé cũ...

Ban Tổ chức cũng đã bố trí 3 bãi đỗ xe chính cho du khách đến lễ hội, gồm: Bãi xe Hội Xá cách bến đò Suối Yến 3km; Bến xe Hương Sơn cách bến đò 2km và bến xe Đường số 1, cách bến đò khoảng 800m. Điều này giúp giao thông thông thoáng mặc dù những ngày cuối tuần, du khách đi lễ rất đông. Từ mùng 2 tới mùng 10 Tết Giáp Thìn, chùa Hương đón hơn 200 nghìn du khách trẩy hội.

Tại Lễ hội chùa Hương năm nay, khoảng 200 chiến sĩ công an thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, hướng dẫn và tuyên truyền người dân và du khách đi lễ văn minh. Theo ông Bùi Văn Triều, từ mùng 2 Tết đến nay, cơ quan chức năng chưa nhận được trình báo nào về tình trạng móc túi, trộm cắp, “chặt chém”, chèo kéo du khách. Ban Tổ chức Lễ hội cũng tăng cường giám sát nhắc nhở du khách để hạn chế tình trạng du khách chơi bài trên thuyền đò và nơi nghỉ chân khi lên chùa Thiên Trù, động Hương Tích.

Đến thời điểm này, các hoạt động đón khách tại chùa Hương diễn ra thuận lợi, an toàn, ngăn nắp. 318 hàng quán cũng được chỉnh trang, sắp xếp gọn gàng, giá các dịch vụ niêm yết công khai. Tại các khu vực bến xe, bến thuyền đều có hướng dẫn rõ ràng cho người dân và du khách. Hoạt động xe điện phục vụ du khách diễn ra liên tục kết nối từ bến xe đến bến thuyền. Ban Tổ chức Lễ hội chùa Hương tiếp tục nâng cao thử nghiệm vận hành 110 xe điện.

Cơ quan chức năng đã rà soát việc chấp hành các quy định pháp luật phòng cháy, chữa cháy của người đứng đầu cơ sở kinh doanh, buôn bán tại chùa Hương. Kiểm tra hồ sơ theo dõi, quản lý hoạt động, điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy đối với các chùa - động, hệ thống vận hành cáp treo, khu vực kinh doanh của các tiểu thương, hộ kinh doanh...

Dẹp nạn “cò mồi”

Trước đây, việc vận chuyển khách trên suối Yến đều do chủ đò tự do kinh doanh, tìm khách, gây nhiều bất cập như nạn “cò mồi”, chèo kéo, mè nheo “xin tiền lộc”. Quy cách xuồng, đò không theo quy chuẩn an toàn giao thông đường thủy, không đủ điều kiện đăng kiểm, ra vào bến lộn xộn, tắc nghẽn giao thông… gây bức xúc cho khách thập phương.

Nhằm chấm dứt những tiêu cực trên, nâng cao chất lượng quản lý vận chuyển thuyền đò, mùa lễ hội năm nay, UBND huyện Mỹ Đức đã thành lập Hợp tác xã Dịch vụ du lịch chùa Hương (HTX) vận chuyển thuyền, đò phục vụ du khách về tham quan lễ Phật bảo đảm an toàn, văn minh, lịch sự. HTX đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng đội ngũ cán bộ quản lý điều hành và 4.000 người chèo thuyền đò có trình độ, sức khỏe, kỹ năng, phong cách ứng xử, giao tiếp văn minh, thân thiện, kỷ cương, hiệu quả phục vụ khách thập phương, phát triển văn hóa, du lịch.

Ông Phạm Anh Minh - Phó Giám đốc HTX Dịch vụ du lịch chùa Hương chia sẻ, HTX có nhiệm vụ quản lý sắp xếp điều hành vận chuyển toàn bộ khách thăm quan du lịch chùa Hương. HTX sẽ chấm dứt tình trạng mất trật tự, hoạt động tự do của các chủ thuyền đò. Lượng thuyền, đò gần 4 nghìn chiếc có thể thực hiện một lượng vận tải hành khách rất lớn từ 50.000 - 60.000 khách/ngày.

Thuyền đò được sơn toàn bộ màu xanh, được đánh số, lắp ghế, giỏ đựng rác, áo phao, ô che mưa, nắng. Lái đò được cấp thẻ và vận chuyển khách theo thứ tự. HTX thực hiện việc điều hành vận chuyển khách đi thuyền, đò theo thời gian quy định xuất bến tại bến ngoài để bảo đảm an toàn cho du khách. Tùy từng đò, thuyền to nhỏ, HTX điều phối số lượng khách cho phù hợp.

Về vấn đề một số khách thập phương không mặc áo phao đi đò, thuyền trên suối Yến, ông Phạm Minh Anh cũng cho hay, 3.800 - 4.500 thuyền đò đủ tiêu chuẩn phục vụ khách như: lắp đủ ghế, có áo phao, thiết bị nổi, wifi, ô che… dành cho tất cả các du khách. Suối Yến có mức nước chỉ sâu dưới 1,4m nên khá an toàn, bởi vậy một số du khách không mặc áo phao để tận hưởng sự thoải mái khi ngắm cảnh, chiêm bái đất Phật.

Với mong muốn, mỗi người lái đò là một hướng dẫn viên du lịch, tới đây, HTX Dịch vụ du lịch chùa Hương sẽ tập huấn và tổ chức thi thuyết trình về du lịch, danh lam thắng cảnh, văn hóa tâm linh, đặc sản của chùa Hương cho những người lái đò. Qua đó, khách thập phương đi trên thuyền đò với thời lượng khoảng 1 giờ đồng hồ vừa vãn cảnh vừa có thể tìm hiểu thêm về địa danh đặc biệt của Việt Nam này.

Ban Quản lý Lễ hội chùa Hương cũng chú trọng quảng bá, lan tỏa hình ảnh du lịch di sản thân thiện, mến khách đến với đông đảo khách thập phương. Tại đây, wifi được phát miễn phí trên diện rộng, đồng thời, Ban Tổ chức cũng bố trí hệ thống quét mã QR phục vụ du khách có nhu cầu tìm hiểu về lịch sử chùa Hương, hệ thống di tích, điểm tham quan, đặc sản, quà tặng.

Cùng với sự đổi mới, UBND huyện Mỹ Đức, UBND xã Hương Sơn tuyên truyền, khuyến cáo du khách, đơn vị liên quan chủ động trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, ứng xử văn minh, lịch sự, an toàn, văn minh và hiện đại để quần thể danh lam thắng cảnh Hương Sơn luôn xứng đáng là di tích quốc gia đặc biệt và là điểm đến an toàn, thân thiện của du khách cả nước.

Đọc thêm