Lễ hội chùa Keo Hành Thiện: Hành trình di sản độc đáo

(PLVN) - Theo thông lệ, cứ vào dịp trung tuần tháng 9 Âm lịch hàng năm, Lễ hội chùa Keo tại làng Hành Thiện (xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) lại được tổ chức. Đây là lễ hội để dân làng tri ân đức thánh có công với đất nước, cầu cho mưa thuận gió hòa, ấm no, hạnh phúc, mang đậm bản sắc văn hóa của cộng đồng địa phương.

Lễ hội chùa Keo Hành Thiện (hội chùa Keo) là hình thức sinh hoạt văn hóa gắn với tín ngưỡng thờ Đức thánh tổ Thiền sư Không Lộ - vị quốc sư thời Lý có nhiều công lao cứu nước giúp dân, dạy dân nghề chài lưới, nông nghiệp, nghề đúc đồng, nghề làm thuốc…. Truyền thống thuần phong mỹ tục, trọng sự học của con người Hành Thiện cũng được phát huy, gìn giữ, chính từ cái nôi đậm đặc giá trị văn hóa Việt này. Hàng năm, tại chùa có hai lần mở hội, đó là Hội xuân vào dịp tết Nguyên Đán và hội tháng 9 mở vào ngày 13,14,15 để kỷ niệm ngày sinh của thánh tổ Không Lộ.

Lễ Dâng hương Quốc sư Dương Không Độ tại Chùa Keo (huyện Xuân Trường, Nam Định)

Lễ hội mùa xuân được tổ chức từ ngày 12-15/2 Âm lịch tại Chùa Đĩnh Lan (chùa Keo ngoài) với các các nghi lễ: Dâng hương, rước kiệu, yến lão… Trong đó, đặc sắc nhất là lễ “Yến lão” - mừng thọ các cụ ông, cụ bà từ 70 tuổi trở lên vào các năm Dần, Thân, Tỵ, Hợi. Đây là mỹ tục mang đậm truyền thống nhân văn, thể hiện đạo lý tôn kính người cao tuổi, “uống nước nhớ nguồn”, được nhân dân duy trì và phát triển. Sau phát biểu, trao quà của lãnh đạo UBND xã Xuân Hồng, các cụ được rước lên Chùa Thần Quang (Chùa Keo trong) làm lễ dâng hương Đức Phật, Đức Thánh Tổ. Trong nhiều năm gần đây, đời sống kinh tế dân làng Hành Thiện nâng cao, lễ yến lão được làng Hành Thiện tổ chức long trọng, con cháu khắp nơi hội tụ về quê hương, gia đình để tri ân công lao dưỡng dục của ông bà, cha mẹ.

Tại lễ “Yến lão”, cụ ông được rước lên Chùa Keo trong dâng hương Đức Phật, Đức Thánh Tổ.

Lễ hội lớn nhất trong năm chính là hội Thu, được tổ chức trọng thể, ngoài những nghi thức lễ tiết mang tính tôn giáo, hội tháng chín còn là nơi hội tụ của những sinh hoạt văn hoá tinh thần của cư dân nông nghiệp. Chính vì vậy, vào ngày hội, nhân dân trong vùng, người con quê hương từ trong Nam ngoài Bắc, du khách thập phương đều nô nức kéo nhau về tụ hội.

Ông Bùi Văn Hảo - Bí thư Huyện ủy Xuân Trường cùng đại diện các phòng, ban thuộc Huyện ủy, UBND dâng hương tại chùa.

Họ thường truyền tai nhau câu ca: “Dù ai ngang dọc Tây Đông/Ngày rằm tháng Chín hội Ông nhớ về/ Dù ai bận rộn trăm nghề/ Ngày rằm tháng Chín nhớ về hội Ông”, như một lời nhắc nhở con, cháu nhớ về cội nguồn tổ tiên. Lễ hội Chùa Keo Hành Thiện đến nay vẫn bảo tồn các nghi lễ cổ như: trình Phật, Thánh, Phụng nghinh, phục miều (triều y), dựng phan (phướn), Thánh đản và khoa giáo rối, lễ tạ; đồng thời duy trì nhiều trò chơi, loại hình diễn xướng dân gian như: Bơi trải, cò cốc, rước đèn kéo quân, cờ tướng, leo cầu ngô bắt vịt, múa sư tử…

Độc đáo nhất trong lễ hội là môn đua thuyền trải: có 15 xóm trong làng tham gia đua thuyền hay gọi là bơi trải, có tất cả 10 người trên thuyền trong đó có 1 người lái thuyền. Bơi trải ở Chùa Keo Hành Thiện Nam Định khác với các nơi khác, họ không ngồi bơi mà 10 người đều đứng để chèo. Bắt đầu xuất ở trong sông con, là sông làng khoảng 5-6km, rồi bắt đầu ra đến sông Ninh Cơ nhánh của sông Hồng, bơi 3-5 vòng sông. Sau đó quay về bắt Têu trong sông con, nếu đội nào về đầu thì sẽ dành giải nhất.

Hình ảnh các chàng trai khỏe mạnh, đầu chít khăn đồng màu, trên hàng chục chiếc trải lao vun vút giữa dòng sông trong tiếng dồn dập, tiếng reo hò cổ vũ của hàng vạn người, đã ghi dấu trong tâm hồn những người dự hội Keo. Đây là hội thi vừa mang ý nghĩa kỷ niệm nghề chài lưới thuở mới sinh thời của Đức thánh tổ Không Lộ, vừa là môn thể thao cổ truyền, hấp dẫn, độc đáo của một vùng Đồng Bằng nam sông Hồng.

Trong khuôn khổ lễ hội, người dân Xuân Trường cũng tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh.

Trải qua những biến thiên của thời gian, của lịch sử, lễ hội chùa Keo Hành Thiện đến nay vẫn có sức sống bền bỉ, trường tồn bởi nhiều nội dung, chương trình phong phú, đặc sắc, thu hút đông đảo nhân dân trong vùng cũng như du khách thập phương, với ý nghĩa tâm linh và lòng khát khao cuộc sống hạnh phúc, thành đạt.

Đọc thêm