Lên phương án giải quyết ùn tắc giao thông Hà Nội dịp Tết

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thời điểm cuối năm, Hà Nội mưa rét cộng với lưu lượng giao thông tăng khiến hạ tầng giao thông trở nên quá tải. Trước tình hình trên, Công an thành phố Hà Nội đã ban hành phương án giải quyết các vấn đề tồn tại về giao thông, bao gồm cả ùn tắc trên địa bàn.
Ùn tắc giao thông tại Hà Nội - “bài toán” chưa có lời giải. (Ảnh minh họa - Nguồn: baogiaothong.vn)
Ùn tắc giao thông tại Hà Nội - “bài toán” chưa có lời giải. (Ảnh minh họa - Nguồn: baogiaothong.vn)

Mật độ giao thông vượt nhiều lần thiết kế

Những ngày qua, không khí lạnh tăng cường, nền nhiệt giảm sâu cộng với mưa phùn khiến tình hình giao thông tại Hà Nội có nhiều biến động. Chưa kể đây còn là thời điểm cận Tết, lưu lượng người và hàng hoá dồn về cửa ngõ Thủ đô khiến hạ tầng giao thông trở nên quá tải. Theo ghi nhận, nhiều tuyến đường, phố tại Hà Nội xảy ra ùn tắc kéo dài khiến người dân chật vật di chuyển. Tại các “điểm nóng” thông thường ùn tắc chỉ diễn ra vào giờ cao điểm thì những ngày này có thể xảy ra tại mọi thời điểm.

Ông Trần Hữu Bảo, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có trên 8 triệu phương tiện đăng ký, trong đó 1,1 triệu ô tô, 6,7 triệu xe máy và 200 xe đạp điện, chưa kể 1,2 triệu phương tiện của các tỉnh, thành khác lưu thông. Dân số thành phố xấp xỉ 10 triệu người, bao gồm người ở các tỉnh, thành khác đến sinh sống, làm việc. Số lượng phương tiện, mật độ người dân tham gia giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội là rất lớn gây áp lực lên hạ tầng giao thông và các hạ tầng kỹ thuật khác.

Hiện tỷ lệ đất dành cho giao thông tại Hà Nội mới chỉ đạt 12 - 13%, trong khi đó theo quy hoạch phải đạt từ 20 - 26%, đặc biệt giao thông tĩnh đạt dưới 1%, trong khi theo quy hoạch là 3 - 4%. Điều này dẫn đến hàng loạt tuyến đường, nút giao thông có mật độ người và phương tiện tham gia giao thông rất lớn.

Qua tổ chức đếm lưu lượng phương tiện trên toàn tuyến có những tuyến vượt gấp 8 lần so với thiết kế. Cụ thể: đường Vành đai 3 trên cao, cầu Thanh Trì lưu lượng vượt gấp 8,1 lần; cầu Chương Dương vượt 8 lần; vào giờ cao điểm, các tuyến đường như Nguyễn Trãi vượt từ 3,3 - 5,6 lần, đường Tố Hữu, đường Lê Văn Lương vượt 1,1 - 1,7 lần…

Đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội khuyến cáo, từ nay đến Tết âm lịch, không những người dân Thủ đô mà người dân ở các tỉnh khác cũng dồn về thành phố. Do vậy, tình hình ùn tắc giao thông sẽ tiếp tục có diễn biến phức tạp và khó lường. Ngoài nguyên nhân liên quan đến lưu lượng phương tiện vượt quá kết cấu hạ tầng còn có nguyên nhân khách quan do nhiều tuyến đường đang có các công trình cải tạo giao thông phục vụ các dự án trọng điểm. Bên cạnh đó, nhiều phương tiện vẫn chưa tuân thủ di chuyển đúng làn nên mỗi khi tạt ngang thường gây ùn ứ, ảnh hưởng đến toàn bộ việc di chuyển của các phương tiện khác.

“Phản ứng nhanh” xử lý ùn tắc

Thời gian qua, Công an thành phố Hà Nội và Sở Giao thông vận tải đang phối hợp chặt chẽ giải quyết căn cơ các vấn đề tồn tại về giao thông. Công an thành phố đã ban hành phương án chống ùn tắc trong dịp Tết. Theo đó, hàng ngày Công an thành phố bố trí lực lượng vào khung giờ cao điểm sáng và chiều với lực lượng trên 3.000 cán bộ, chiến sỹ và người dân tham gia điều tiết, xử lý sự cố kịp thời tại hơn 200 điểm nút được xác định thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông.

Nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô, UBND Hà Nội yêu cầu trong thời gian 30 phút kể từ khi tiếp nhận được thông tin phản ánh sự cố về giao thông, ùn tắc giao thông, các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã không điều động lực lượng, phương tiện tham gia phối hợp để xử lý giải quyết sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm trước UBND thành phố.

Yêu cầu này được đưa ra theo quy chế của UBND TP Hà Nội, Công an thành phố là cơ quan chủ trì, phối hợp tiếp nhận thông tin phản ánh, giải quyết về tai nạn giao thông; công tác xử lý bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phân luồng, điều tiết giao thông, chống ùn tắc giao thông. Sở Giao thông vận tải là cơ quan chủ trì trong công tác phối hợp tiếp nhận thông tin phản ánh, xây dựng các phương án tổ chức giao thông. Đồng thời phối hợp giải quyết các sự cố về giao thông, thực hiện công tác tổ chức giao thông, phân luồng chống ùn tắc giao thông.

UBND các quận, huyện, thị xã chủ trì trong công tác tiếp nhận thông tin phản ánh giải quyết các sự cố về giao thông. Thực hiện công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông trên các tuyến đường được phân cấp; phối hợp tham gia xử lý sự cố về giao thông, chống ùn tắc giao thông trong phạm vi địa giới hành chính của mình.

Đáng chú ý, ở quy chế này, UBND TP Hà Nội yêu cầu Công an thành phố, Sở Giao thông vận tải, UBND các quận, huyện, thị xã thành lập nhóm công tác thông qua ứng dụng Zalo hoặc Viber để tiếp nhận thông tin phản ánh từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân về các sự cố về giao thông, ùn tắc giao thông để điều động lực lượng, phương tiện tham gia giải quyết kịp thời trong thời gian nhanh nhất bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn.

Đọc thêm