Chuyện dài liêm chính khoa học
Vừa qua, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức Hội thảo khoa học về liêm chính trong nghiên cứu.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc nhận định: Trong 10 năm trở lại đây, một trong các kết quả nổi bật của hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là số lượng công bố khoa học trên các tạp chí uy tín quốc tế đã gia tăng mạnh mẽ, thể hiện sự đóng góp của các nhà khoa học Việt Nam trong việc phát triển nền tri thức của nhân loại, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao vị thế và tiềm lực khoa học và công nghệ của quốc gia.
“Sự tăng trưởng mạnh mẽ của các công bố quốc tế trong những năm gần đây, bên cạnh những đóng góp tích cực cũng đang đặt ra một số vấn đề cần giải quyết đối với các nhà quản lý, các tổ chức khoa học và công nghệ cũng như cộng đồng và cá nhân các nhà khoa học, trong đó nổi lên các tranh luận về liêm chính trong nghiên cứu khoa học”.
PGS. Trương Việt Anh - Trưởng Ban Khoa học - Công nghệ, Đại học Bách khoa Hà Nội nhận diện các hành vi vi phạm tính liêm chính khoa học là: đưa tên người không tham gia quá trình nghiên cứu làm tác giả, đồng tác giả công trình; đạo văn hoặc tự đạo văn; làm hộ hoặc làm thuê các công trình khoa học; sử dụng nghiên cứu của cả nhóm cho mục đích cá nhân mà chưa có sự đồng thuận của nhóm nghiên cứu; bịa đặt, sử dụng số liệu giả trong nghiên cứu tổng quan, kết quả nghiên cứu...
Theo ông Việt Anh, trong nhiều nguyên nhân thì có các lý do như áp lực về số lượng công bố của cá nhân để ghi nhận thành tích, có cơ hội thăng tiến. Và đó còn là áp lực từ cam kết khi nhận các nguồn tài trợ, áp lực từ nhu cầu kinh tế của cá nhân...
Điều đáng nói, trong khi vấn đề vi phạm liêm chính khoa học đang trở nên phổ biến, phức tạp hơn thì phản ứng của cộng đồng khoa học chủ yếu vẫn là tâm lý e ngại, né tránh hoặc thờ ơ, không quan tâm. Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Đại học Quốc gia Hà Nội, là dù có sự tố giác nhưng đa phần lại không xuất phát từ động cơ khoa học trong sáng mà chỉ do đấu đá nội bộ, tranh giành quyền lực hoặc vì một lợi ích cá nhân nào đó. Với kiểu động cơ này, GS Đức cho rằng nó chẳng những không hướng đến sự liêm chính mà còn gây tổn thương, kìm hãm khoa học chân chính.
Cùng với đó, GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, chia sẻ có một thực trạng là nếu lấy góc nhìn trong bối cảnh hiện nay để soi chiếu những việc trước đây thì sẽ xảy ra nhiều bi kịch. Vì do thiếu các quy định cụ thể, hướng dẫn cụ thể nên tình trạng “hồn nhiên vi phạm” đã xảy ra nhiều. Do đó, theo ông Tuấn, cần xây dựng các quy định để thúc đẩy tính liêm chính trong khoa học. Nhưng không nên dùng quy định mới để soi chiếu lại các trường hợp trong quá khứ.
Bởi rất nhiều người, trong đó có những bậc thầy của các thế hệ làm khoa học bây giờ, cũng vi phạm. Khi mà trước đó không có những quy định rõ ràng để tuân thủ, không xem đó là việc làm sai. Nhưng khi các cá nhân bị “tố”, dù chưa có kết luận gì thì họ đã phải chịu búa rìu dư luận.
Do đó, theo ông Việt Anh, cần nhận thức đúng để thực hiện liêm chính học thuật. Cần thống nhất, sử dụng công cụ kiểm soát đạo văn; Có quy định khen thưởng minh bạch trong thực hiện liêm chính học thuật để làm rõ thái độ và phòng ngừa.. Các cơ sở giáo dục ĐH cần có quy định về liêm chính học thuật, nêu rõ về ngưỡng đạo văn (% trùng lặp giới hạn) trong các báo cáo và công bố theo đặc thù lĩnh vực phù hợp (ĐH Bách khoa Hà Nội đã xây dựng quy định 18 điều, 6 chương).
Cùng đó, cần sử dụng các công cụ kiểm tra đạo văn bảo đảm khách quan trong các sản phẩm khoa học, đào tạo tại các cơ sở giáo dục ĐH (có thể sử dụng công cụ Turnitin). ĐH Bách khoa Hà Nội đã và đang xây dựng phần mềm kiểm tra trùng lặp bằng tiếng Việt. Cơ sở giáo dục ĐH cần có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, tập huấn về liêm chính học thuật cho cán bộ, người học, phòng ngừa vi phạm, xây dựng chế tài xử lý các vi phạm về liêm chính học thuật.
Cần hành lang pháp lý để ứng xử có văn hóa với các nhà khoa học
PGS.TS Nguyễn Tài Đông, Viện trưởng Viện Triết học trao đổi tại Hội thảo. (Ảnh: MOET) |
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức nêu quan điểm: Việc quy định về liêm chính trong nghiên cứu khoa học và trong học thuật là cần thiết phải bàn để đưa ra một khung và hoàn thiện dần dần. Mục đích liêm chính là cần hướng tới sự lành mạnh, trước hết con người cần ý thức được liêm chính trong đạo đức, hành vi của mình. Bên cạnh đó cũng cần tránh việc lợi dụng liêm chính để làm tổn thương các nhà khoa học.
TS Nguyễn Xuân Hùng, giảng viên Trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh mong muốn sẽ có một bộ quy quy tắc chung, để từ đó các trường chiếu vào xây dựng bộ quy tắc riêng. Cùng với đó là cơ chế hậu kiểm và một chế tài xử lý.
Theo PGS.TS Nguyễn Tài Đông, Viện trưởng Viện Triết học, Việt Nam không phải là một “hoang mạc” về liêm chính khoa học, chúng ta đã có rất nhiều quy định thể hiện trong luật, thể hiện trong nghị định, thể hiện theo các quy định của Bộ Khoa học Công nghệ, của Bộ GD-ĐT, của nhiều trường, nhiều tạp chí; chỉ có điều là chưa có một quy định tổng thể và giờ cần có một khung cơ chế pháp lý chung. “Điều này là bắt buộc trong việc xây dựng một bộ tiêu chí hay một quy định chung cho quốc gia”, PGS.TS Nguyễn Tài Đông nhận định.
Việt Nam có vị trí cao trên bản đồ khoa học quốc tế
Theo cơ sở dữ liệu của Elsevier, tổng số công bố khoa học của Việt Nam trong danh mục Scopus năm 2013 là khoảng 3.800 bài và năm 2022 là gần 18.500 bài, tăng khoảng 5 lần, đưa xếp hạng của Việt Nam lên đứng thứ 5 trong khu vực ASEAN, đứng thứ 12 Châu Á và thứ 45 trên thế giới về số lượng công bố quốc tế trên Scopus. Số lượng công bố quốc tế này góp phần đưa chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam năm 2022 xếp thứ 48/132 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng; xếp thứ 4 trong Đông Nam Á và xếp thứ 2 trong các quốc gia có mức thu nhập bình quân thấp (sau Ấn Độ).
PGS.TS Nguyễn Tài Đông cũng chia sẻ, những thứ mà các nhà khoa học theo đuổi là tri thức, trí tuệ, từ đó tìm ra chân lý, giá trị của bản thân. Và nếu như không bảo vệ được điều đó thì sẽ không còn khoa học và không có đào tạo.
“Cần hình thành thiết chế, nền tảng pháp luật, gắn với nền tảng văn hóa và giáo dục. Cần có khung quy định bao trùm về nghiên cứu học thuật dưới góc độ nhà nước”, là quan điểm của GS.TS Hoàng Anh Tuấn.
Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái khẳng định, liêm chính là khái niệm “mở”, nhưng phải có sự cập nhật và hướng dẫn chung để thực hiện. Liêm chính động chạm đến đội ngũ tri thức, đội ngũ nhà giáo. Do đó khi chưa có điều tra, minh chứng thì chưa được nêu tên, làm ảnh hưởng đến từng nhà khoa học, tập thể khoa học.
Đề xuất một số việc cần làm trong thời gian tới, Thứ trưởng Trần Hồng Thái nhấn mạnh, việc cần làm ngay là các đơn vị quản lý nhà nước khẩn trương nghiên cứu đề xuất thể thức văn bản hướng dẫn, đôn đốc để các trường đại học, viện nghiên cứu thực hiện các quy chế, quy định về liêm chính.
Về ý kiến của các nhà khoa học tại hội thảo về việc xây dựng cơ sở dữ liệu, nghiên cứu tiêu chí giám sát các tạp chí…, Thứ trưởng Trần Hồng Thái cho biết: Bộ KH-CN và Bộ GD-ĐT sẽ nghiên cứu để sớm có cơ sở dữ liệu về khoa học công nghệ, tạo tài nguyên cho quản lý nhà nước. Đồng thời sẽ nghiên cứu xem xét tiêu chí giám sát các tạp chí và định hướng phát triển hệ thống tạp chí khoa học trong nước.
Thứ trưởng cũng cho biết, các ý kiến tại hội thảo sẽ được xem xét để lồng ghép vào các điều khoản khi thay đổi Luật Khoa học và Công nghệ. “Hai Bộ cùng nhau nhận thấy đã đến lúc cơ quan quản lý Nhà nước phải vào cuộc về liêm chính và công bố. Cố gắng tạo ra môi trường khoa học, công nghệ lành mạnh. Hội thảo hôm nay là khởi đầu để hai Bộ cam kết đồng hành với các nhà khoa học và các cơ quan truyền thông hướng tới nền giáo dục, khoa học tốt hơn, mang lại hạnh phúc nhiều hơn”. Đồng thời Thứ trưởng Trần Hồng Thái chia sẻ: “Cố gắng ứng xử với liêm chính có văn hoá, văn minh, bởi chúng ta đang ứng xử với các nhà khoa học, nhà giáo”…
Về vấn đề liêm chính nghiên cứu, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cho hay: Trong năm 2022 Bộ GD-ĐT đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 109/2022/NĐ-CP quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học, trong đó đã giao cho các cơ sở giáo dục đại học chủ động ban hành quy định và tự chịu trách nhiệm về liêm chính học thuật đối với hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của đơn vị mình theo 2 nội dung: Ban hành bộ quy tắc về liêm chính học thuật trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, bảo đảm nguyên tắc trung thực, trách nhiệm, công bằng, minh bạch, phù hợp với thực tiễn và theo thông lệ quốc tế. Ban hành các quy định nội bộ, công cụ để kiểm soát, ngăn chặn và xử lý các hành vi đạo văn, gian lận và bịa đặt trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.