Cần chính sách đóng, mở đường biên nhất quán
Khoảng hai tuần đầu tháng 11/2019, giá lợn hơi trong nước đột ngột tăng cao bất thường, duy trì ở mức 65.000 đồng/kg. Đến hết ngày 18/11 tăng lên 70.000 - 73.000 đồng/kg, cá biệt một số nơi đã chạm mốc 75.000 đồng/kg. Nguy cơ mất cân đối thị trường và ảnh hưởng tiêu cực tới ngành Chăn nuôi trong nước.
Ông Vũ Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam cho hay, khi giá lợn lên cao, C.P vẫn bán với giá 68.000đồng/kg lợn hơi trong khi ngoài thị trường giá bán 73.000 - 74.000 đồng/kg - nên việc DN giữ giá thấp hơn giá thị trường là rất khó khăn. Trung bình một ngày, Công ty này bán ra thị trường khoảng 16.000 - 17.000 con. Cá biệt, có ngày bán tới 25.000 con.
Đại diện C.P còn cho biết, DN không muốn giá lợn thịt tăng lên quá cao, tạo ra sự bất ổn, phát triển thiếu bền vững. Từ đó có thể kích thích người dân tái đàn bộc phát, nguy cơ dịch tái bùng phát trở lại lớn. "Nếu giá lợn trong nước quá cao cũng sẽ tạo điều kiện để thịt nhập khẩu tràn vào Việt Nam, ảnh hưởng lớn tới cấu trúc nền chăn nuôi trong nước, thậm chí tiểm ẩn mầm bệnh", ông Tuấn cảnh báo.
Vị này kiến nghị các cơ quan chức năng nên tạm ngừng xuất lợn tiểu ngạch sang Trung Quốc, sẽ lập tức “giảm nhiệt” giá lợn hơi trong nước nhờ hiệu ứng tâm lý. Cũng theo DN, hiện phía Trung Quốc đang gom tất cả các loại lợn giống có thể mua và nếu không kiểm soát tốt đây mới thực sự là nguồn cơn gây ra sự bất ổn và khan hiếm thịt lợn trong tương lai.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Thiều Nam - Phó Tổng Giám đốc Masan đề nghị Chính phủ phải có chính sách đóng, mở đường biên với Trung Quốc thật rõ ràng. Việc lúc đóng, lúc mở không nhất quán như hiện nay sẽ gây bất ổn giá lợn trong nước.
Phía Masan đưa ra kiến nghị mỗi DN chăn nuôi phải xây dựng được nhiều chuỗi hoàn chỉnh cho mình để khép kín từ trang trại đến tay người tiêu dùng ngắn nhất nhằm hạ giá thành, tăng tính cạnh tranh, bởi thực tế hiện nay nhờ quản lý theo chuỗi mà giá thịt lợn của Masan đang thấp hơn giá thị trường. "Giá thịt Meat Deli tại các siêu thị của chúng tôi đều bán thấp hơn giá ngoài chợ dân sinh và nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng, chúng tôi đảm bảo nguồn cung hàng", ông Nam cho biết.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco Việt Nam Nguyễn Như So thì cho rằng, ngoài việc kiểm soát việc xuất khẩu tiểu ngạch, cần mạnh dạn khuyến khích người dân tái đàn để bù đắp lượng lợn thiếu hụt do dịch tả lợn châu Phi thời gian vừa qua, miễn là đảm bảo đúng quy trình an toàn sinh học và được bảo hiểm chăn nuôi.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Nguyễn Xuân Cường cho rằng, để giữ được ổn định cấu trúc của ngành chăn nuôi lợn, các cơ quan, địa phương, DN phải áp dụng đồng bộ các nhóm giải pháp, trong đó kiểm soát việc nhập khẩu và xuất khẩu đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Theo Bộ trưởng Cường, các DN luôn kêu gọi các bộ, Chính phủ không nhập khẩu thịt lợn nhưng nay vì lợi ích quốc gia, các DN cũng phải không xuất lợn qua đường tiểu ngạch, bởi trong nước giá đang rất tốt và đang thiếu.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ngoài việc kiểm soát việc xuất, nhập khẩu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị, cần tăng nguồn tất cả các nhóm ngành thực phẩm từ lợn, trứng, gà, thủy sản.
Về giải pháp kỹ thuật, trước mắt, Bộ NN&PTNN đề nghị các DN, trang trại tăng sản lượng thịt bằng cách tăng thời gian nuôi lợn lâu hơn, thay vì 100 - 110kg. Nếu nuôi tăng lên 140 - 150kg trong bối cảnh giống lợn đắt, khó mua như hiện nay, việc kéo dài thời gian nuôi để tăng trọng lượng vừa hiệu quả vừa tạo ra nguồn cung tốt.
Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn của Bộ sẽ sớm hoàn thiện xây dựng quy định, quy trình hướng dẫn tái đàn cho các địa phương, sớm tháo gỡ các khó khăn cho các hộ chăn nuôi: “Nếu chúng ta không có giải pháp đồng bộ, thị trường thực phẩm sẽ bị đảo lộn, chắc chắn sẽ rối loạn thị trường thịt lợn dịp cuối năm và năm sau. Việc đảo lộn trước mắt thiệt hại cho người chăn nuôi. Thứ hai, nếu thịt quá đắt người tiêu dùng sẽ tìm thực phẩm khác thay thế. Và một điều không ai mong muốn là phải nhập khẩu thịt trong trường hợp không còn cách nào khác”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cảnh báo.