Đó là khuyến cáo của chuyên gia Liên hợp quốc tại Hội đồng Nhân quyền (HRC) khóa 37 đang diễn ra tại Geneva.
Phát biểu trước một phiên thảo luận tại HRC, chuyên gia độc lập của Liên hợp quốc về nợ nước ngoài và nhân quyền, Juan Pablo Bohoslavsky, cho hay trong những năm gần đây, Thụy Sĩ đã có những bước tiến trong việc ngăn dòng tiền bất hợp pháp. Một trong số đó là thông qua Luật Tài sản nước ngoài bất hợp pháp nhằm tạo thuận lợi cho tiến trình "đóng băng," tịch thu và trả lại tài sản bị đánh cắp được gửi vào các ngân hàng Thụy Sĩ.
Trong 25 năm qua, Thụy Sĩ đã trả lại 2 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo ông Bohoslavsky, Thụy Sĩ vẫn cần tăng cường hơn nữa trách nhiệm giải trình, sự điều tiết và giám sát thị trường tài chính của nước này nhằm ngăn chặn những tác động tiêu cực đối với tình hình nhân quyền xuất phát từ những dòng "tiền bẩn."
Hồi tháng Hai vừa qua, Mạng lưới Công bằng thuế (Tax Justice Network), một tổ chức phi chính phủ quan tâm tới sự minh bạch về tài chính, đã xếp Thụy Sĩ là trung tâm tài chính bí mật nhất trên thế giới.
Cuối năm ngoái, Liên minh châu Âu (EU) cũng đưa Thụy Sĩ vào danh sách các thiên đường thuế và đi kèm với một số biện pháp trừng phạt. Động thái làm căng thẳng mối quan hệ giữa EU và Thụy Sĩ./.