“Cưng chiều” con nợ khiến nợ khó đòi
Đó là “cáo buộc” của nhiều tổ chức tín dụng, chuyên gia ngân hàng đối với các qui định pháp luật về giao dịch bảo đảm hiện hành. Thực tiễn xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) cho thấy, những khó khăn, vướng mắc của công tác này có một phần nguyên nhân là hệ thống pháp luật phân tán, thiếu đồng bộ khiến cho việc thu hồi nợ của các TCTD từ việc xử lý TSBĐ chưa hiệu quả và thường gây tốn kém về thời gian và tài chính cho các bên liên quan.
Phản ánh của đại diện một số TCTD lớn cho thấy, mặc dù là chủ nợ hợp pháp nhưng đôi khi TCTD không thể tự xử lý TSBĐ để thu hồi nợ vì căn cứ vào qui định của Khoản 1 Điều 143 và Khoản 1 Điều 139 Bộ luật Dân sự 2005 và các qui định của luật chuyên ngành, một số cơ quan chức năng không công nhận TCTD là “người được ủy quyền” của chủ tài sản, dù giữa TCTD đã có hợp đồng ủy quyền của chủ tài sản để xử lý TSBĐ cho nghĩa vụ trả nợ của chủ tài sản. Rồi các qui định của pháp luật liên quan đến bán đấu giá tài sản trong một số trường hợp cũng “ngáng trở” TCTD xử lý dứt điểm TSBĐ để thu hồi nợ.
Nhưng có lẽ khó nhất trong quá trình thu hồi nợ từ xử lý TSBĐ chính là việc thu giữ TSBĐ. Trên thực tế, khi thực hiện giao dịch bảo đảm, TCTD chỉ trực tiếp cầm giữ giấy tờ sở hữu liên quan đến TSBĐ. Vì thế, khi người giữ TSBĐ không bàn giao tài sản thì TCTD chỉ còn biết “đứng nhìn tài sản mà ôm cục nợ”.
Vốn là quan hệ dân sự, ngoài việc thuyết phục, vận động, TCTD cũng khó có thể yêu cầu các cơ quan chức năng can thiệp để lấy được TSBĐ từ người cầm giữ cho dù đã có sự “hiện diện” của Nghị định số 163/2006/NÐ-CP (ngày 29/12/2006) của Chính phủ về việc UBND xã/phường và cơ quan Công an phối hợp, hỗ trợ ngân hàng xử lý TSBĐ để thu nợ.
Không chỉ các TCTD rơi vào tình trạng “có TSBĐ mà vẫn không thu hồi được nợ”, nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cũng đã phải lao đao trên hành trình thu hồi tài sản đã được cho vay. Nhiều vụ việc đã phải nhờ đến cơ quan tòa án. Song, “tiến hành một vụ kiện là bắt đầu cho một con đường chông gai khác để bản án có hiệu lực của tòa án được thi hành và chủ nợ thu hồi được nợ” như một số chủ nợ than thở.
Cần sự hỗ trợ của chính quyền
Theo phản ánh của nhiều luật sư, lượng án dân sự có hiệu lực không thể thi hành một phần do người phải thi hành án chây ỳ, trốn tránh thực hiện nghĩa vụ dẫn đến những khoản nợ khó đòi tồn đọng ngày càng nhiều nên các cơ quan thi hành án dân sự ở các địa phương và cả thừa phát lại (đang được triển khai ở một số địa phương) dù “căng hết lực lượng” cũng không thể giải quyết được hết các yêu cầu thi hành án.
Vì thế, các dịch vụ đòi nợ hợp pháp đã được nhiều doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức lựa chọn sử dụng để lấy lại tài sản của mình và tạo điều kiện cho sự ra đời của các công ty “đòi nợ”, “thu hồi nợ” với những slogan khá hấp dẫn như “Tiền của bạn phải về túi bạn”, “Uy tín, hợp pháp, thu hồi nợ nhanh”, “Đòi nợ giúp công ty, tổ chức nhanh theo pháp lý, an toàn, hiệu quả, uy tín”… Song cũng có nhiều người đã tìm đến các dịch vụ đòi nợ “đen”, dẫn đến những vụ việc hành xử bạo lực, dùng mọi chiêu trò để hoàn thành việc đòi nợ, gây bất ổn cho xã hội.
Trước bất cập, khó khăn trong hoạt động thu hồi nợ đó, nhiều kiến nghị đã được đưa ra để giúp các chủ nợ đối phó với những khoản nợ xấu do sự chây ỳ của con nợ. Một giải pháp đang được cho là có nhiều “sức nặng” là có sự can thiệp, hỗ trợ của chính quyền, cơ quan chức năng trên địa bàn đối với việc thu giữ TSBĐ thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến không tán thành việc cơ quan chức năng can thiệp vào quan hệ vay nợ và thu hồi nợ vì cho rằng đây là quan hệ dân sự.
Nhưng với nhiều chuyên gia pháp lý và các TCTD, trong điều kiện ý thức chấp hành pháp luật hiện nay, nếu thiếu sự can thiệp, hỗ trợ của cơ quan chức năng thì những khoản nợ khó đòi sẽ ngày càng nhiều. Chính Sở Tư pháp TP.Hà Nội đã từng phải có Công văn số 1192/STP-BTTP (ngày 28/5/2013) gửi Công an TP đề nghị chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, Công an các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn tăng cường phối hợp, hỗ trợ các TCTD trong việc bàn giao, thu giữ, bảo vệ và xử lý TSBĐ.
Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) Hồ Quang Huy cho biết: “Trong Dự thảo Thông tư liên tịch giữa Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ngân hàng Nhà nước (dự kiến sẽ sớm được ban hành) đã qui định cụ thể về việc hỗ trợ của UBND cấp xã và cơ quan Công an cho việc thực hiện quyền thu giữ TSBĐ được an toàn, ngăn chặn kịp thời việc gây mất trật tự, trị an của người giữ tài sản”.
Việc hỗ trợ này chỉ dưới hình thức “chứng kiến” và “can thiệp nếu có hành vi chống đối, gây mất trật tự” như qui định tại Điều 63 Nghị định 163/2006/NĐ-CP song cũng sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng để bảo đảm cho quyền thu giữ TSBĐ của cá nhân, tổ chức nhận bảo đảm được thực hiện theo quy định của pháp luật và thỏa thuận hợp pháp của các bên trong hợp đồng bảo đảm, hạn chế những hoạt động “đòi nợ đen” và đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật cũng như sự an toàn cho các giao dịch bảo đảm.