Liên tiếp các màn lừa đảo nhằm vào những số phận cùng quẫn

 “Nghe tin trúng thưởng 180 triệu đồng, tui đứng không vững luôn. Tui chạy ngay về nhà báo tin với vợ con. Ai dè đó chỉ là chiêu lừa đảo của kẻ xấu...” - anh Hiền kể.

 “Nghe tin trúng thưởng 180 triệu đồng, tui đứng không vững luôn. Tui chạy ngay về nhà báo tin với vợ con. Ai dè đó chỉ là chiêu lừa đảo của kẻ xấu...” - anh Hiền kể.

Anh Nguyễn Văn Hiền - nhân vật trong bài viết “Người cha gánh vỏ trấu kiếm tiền ghép hộp sọ cho con gái” vừa được Dân trí đăng tải ngày 17/6 - suýt bị kẻ xấu lừa đảo ngay sau khi bài báo của Dân trí vừa đăng tải. Theo anh Hiền kể lại, gần trưa ngày 17/6, có một người đàn ông nói giọng Bắc, dùng số điện thoại 01632540590 gọi đến số máy của anh hỏi thăm gia đình, sức khỏe bé Nguyễn Ngọc Hương con anh (vừa trải qua ca phẫu thuật hộp sọ và đang chờ có tiền để ghép lại hộp sọ) với giọng rất ân cần, thông cảm.

Sau đó, người đàn ông tự xưng là nhân viên của tập đoàn viễn thông Viettel, gọi đến từ Tổng công ty ở Hà Nội, báo tin cho anh Hiền biết kết quả chương trình quay số trúng thưởng của công ty. Theo đó do lãnh đạo công ty thấy anh có hoàn cảnh khó khăn, cần tiền ghép hộp sọ cho con gái nên đã quyết định trao cho anh giải thưởng trị giá 180 triệu đồng, gồm một sổ tiết kiệm trị giá 50 triệu đồng, 130 triệu đồng tiền mặt chuyển trực tiếp vào tài khoản cho anh Hiền.

Biết vợ chồng anh Hiền đang rất cần tiền ghép hộp sọ cho con, kẻ xấu đã lợi dụng lừa đảo.

Để tạo niềm tin, kẻ xấu còn xin số chứng minh nhân dân của anh Hiền và nói sáng ngày 18/6 sẽ có nhân viên của công ty đến ủy ban xác minh lại. Khoảng 1 giờ sau, kẻ lừa đảo tiếp tục gọi cho anh Hiền và bảo anh mang số tiền 2,5 triệu đồng đến kho bạc để đóng tiền cước phí vận chuyển, sau khi nhận được tiền công ty sẽ cho nhân viên đến địa phương xác minh và trao giải thưởng cho anh luôn. Nghe nói nhân viên đến địa phương, anh Hiền muốn trực tiếp đưa số tiền 2,5 triệu đồng cho nhân viên luôn nhưng đối tượng không đồng ý, một mực bảo anh phải chuyển tiền rồi mới cho nhân viên đến phát thưởng.

Ban đầu anh Hiền không nghĩ ngợi gì, rất vui mừng về báo tin cho vợ con. Nhưng chị vợ anh Hiền tỏ ý nghi ngờ vì đã từng nghe tin lừa gạt này trên các phương tiện truyền thông. Nghĩ lại anh Hiền thấy lạ vì số điện thoại anh là mạng Vinaphone, làm sao có thể trúng giải bên Viettel. Vì vậy anh Hiền đã gọi điện báo tin cho PV Dân trí. Nhờ vậy, màn lừa đảo của kẻ bất lương không thành.

May mắn chưa mất tiền nhưng anh Hiền vẫn còn run khi trao đổi với phóng viên qua điện thoại: “Chắc vì đọc báo mà họ hiểu tường tận về sự khó khăn của gia đình tui, họ còn nói anh không phải lo gánh hàng trăm tấn trấu nữa vì có tiền ghép hộp sọ cho con gái rồi… Nghe tin trúng thưởng tui mừng đến chảy nước mắt, chạy ngay về báo tin với vợ với con! Ai dè tui gặp kẻ lừa gạt. Họ biết cha con tui khổ thế này mà còn đang tâm lừa đảo!”.

Như Dân trí đã thông tin, gia đình anh Hiền thuộc diện hộ nghèo của xã, quanh năm đi gánh vỏ trấu thuê, tiền công cả tháng chỉ hơn 1,5 triệu đồng; cộng cả thu nhập của vợ anh mới được hơn 2.000.000 đồng/tháng. Với thu nhập này anh chị vừa lo cái ăn, vừa lo chuyện học hành cho 2 đứa con nên tháng nào anh cũng phải gánh thêm trấu, làm thêm giờ.

Khó khăn nhất là sau ca phẫu thuật hộp sọ của cháu Hương con anh, nay gia đình anh rất cần số tiền 30 triệu đồng để ghép lại hộp sọ cho cháu. Nếu anh chị có tiền, ca phẫu thuật sẽ diễn ra vào ngày 28/6 tới. Dù không biết tìm đâu ra số tiền lớn như vậy nhưng qua Dân trí, anh Hiền vẫn mong rằng có những tấm lòng hảo tâm sẽ giúp con anh sớm bình phục trước thềm năm học mới. Không ngờ người tốt chưa kịp thấy thì đã suýt bị kẻ xấu lừa đảo.

Anh Hiền không phải là "nhân vật tấm lòng nhân ái" đầu tiên bị kẻ xấu lừa đảo bằng chiêu lừa này. Cách đây không lâu, anh Thạch Phước ở Cờ Đỏ, Cần Thơ, một nhân vật cần giúp đỡ được Dân trí phản ánh, cũng đã bị “nhân viên Viettel” dỏm lừa đảo bất thành. Trước đó nữa là trường hợp anh Nhiệm - nhân vật trong bài viết “Cha bán thận cứu vợ, cả gia đình nguy nan” ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang - bị kẻ gian lừa mất mấy triệu đồng.

Màn lừa đảo nhằm vào những thân phận đáng thương, cùng quẫn, khiến người viết không khỏi xót xa, phẫn nộ. Rất mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để ngăn chặn nạn lừa đảo qua điện thoại đang ngày càng phổ biến này.

Theo Dân trí

Đọc thêm