Liên tiếp thu giữ các loại thực phẩm không an toàn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, lực lượng mỏng nhưng Quản lý thị trường trên cả nước vẫn phải “dàn quân” hợp lý để duy trì sự có mặt của mình trên mọi mặt trận nhằm đảm bảo sự lành mạnh của thị trường.
Lực lượng chức năng tỉnh Kiên Giang phát hiện, xử lý lô tôm có tạp chất.
Lực lượng chức năng tỉnh Kiên Giang phát hiện, xử lý lô tôm có tạp chất. 

Loại bỏ nhiều lô tôm tiêm tạp chất

Hành vi tiêm tạp chất vào tôm đã được phát hiện nhiều lần và phát hiện ở nhiều tỉnh, thành từ Bắc vào Nam, trong đó tỉnh Kiên Giang có số vụ bắt giữ nhiều nhất. Được biết, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Kiên Giang đã ban hành Kế hoạch số 318/KH-CQLTT phát động phong trào thi đua kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm có tạp chất trên địa bàn tỉnh Kiên Giang năm 2021. 

Kế hoạch này đã được sự hưởng ứng của đông đảo quần chúng nhân dân. Mới đây nhất từ nguồn tin báo của người dân, Đoàn kiểm tra thuộc Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Kiên Giang) phối hợp với Phòng PC03, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (QLCLNLS&TS) của tỉnh này tiến hành khám ô tô tải mang biển kiểm soát 68C-12491 tại ấp 9 Xáng I, xã Đông Hòa, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang.

Kết quả đã phát hiện có 300kg tôm thẻ nguyên liệu không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và chưa xác định được chủ sở hữu. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ lô hàng trên, đồng thời phối hợp với Chi cục QLCLNLS&TS xác định 300kg tôm thẻ nguyên liệu nay có chứa tạp chất Agar -. Hiện, lô hàng trên đã được Đội QLTT số 1 tạm giữ, phối hợp cùng cơ quan chuyên môn loại bỏ tạp chất để xử lý theo quy định, đồng thời thông báo tìm chủ sở hữu tang vật, thu thập thêm chứng cứ để xác minh làm rõ vụ việc.

Từ đầu năm 2021 đến nay, các Đội QLTT thuộc Cục QLTT Kiên Giang đã phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn phát hiện, xử lý 6 vụ việc liên quan tôm tiêm tạp chất, phạt vi phạm trên 200 triệu đồng đối với các cơ sở. Đại diện Cục này cho biết, trong thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường kiểm tra, xử phạt trong lĩnh vực này nhằm góp phần đưa tôm sạch ra thị trường, phục vụ người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Hoàn thành nhiệm vụ chốt chặn trên mọi mặt trận

Trong khi cả nước gồng mình chống dịch Covid-19, nhân lực QLTT vốn đã mỏng lại phải “dàn quân” trên nhiều mặt trận, trong đó đáng chú ý nhất là tham gia các chốt trạm kiểm soát và tăng cường kiểm tra thị trường các thiết bị và vật tư phòng dịch. Tuy nhiên, quán triệt chỉ đạo “tham gia phòng dịch không lơ là nhiệm vụ chuyên môn”, các Đội QLTT tại các tỉnh đã vừa kiểm dịch, vừa kiểm soát việc lưu thông, vận chuyển, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng gian lận thương mại, lại vừa là chốt chặn, chặn đứng việc đưa thực phẩm ra thị trường, nhất là các loại thực phẩm có mặt trong bữa ăn hàng ngày như vừa nói trên.

Theo tìm hiểu của PLVN, cuối tuần trước, sau một thời gian xác minh, thẩm định nguồn tin báo, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Thái Nguyên) đã phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Thái Nguyên tiến hành kiểm tra vụ việc tại gia đình ông Phạm Văn Nhiệm (ở xóm Chùa 2, xã Đắc Sơn, thị xã Phổ Yên). Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện tại sân nhà ông Nhiệm có 2.894kg gà chết (loại gà công nghiệp) đã biến đổi màu sắc, bốc mùi hôi thối và 265kg gà đã thịt, được đóng vào từng túi riêng biệt.

Quá trình làm việc, ông Nhiệm khai nhận số gà trên được ông lấy từ một trang trại gà trên địa bàn xã Phúc Thuận, TX Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên mang về bán cho ông Nguyễn Văn Hương (ở thôn Yên Tàm, xã Bắc Phú, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) nhằm mục đích kiếm lời. 

Tại thời điểm làm việc, ông Nhiệm không xuất trình được bất kỳ giấy tờ gì liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ của số gà trên và hoạt động giết mổ gia cầm của gia đình ông chưa được cấp có thẩm quyền cấp phép. Đại điện Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Thái Nguyên cho biết số gà trên không đủ điều kiện để lấy mẫu xác định dịch bệnh, phải tiến hành tiêu hủy ngay theo quy định.

Trước đó, lực lượng QLTT tỉnh Quảng Ninh cũng đã phối hợp với Đội CSGT số 2 (Công an tỉnh Quảng Ninh) tiến hành khám một xe ô tô và phát hiện trên xe có 100kg xúc xích được bao gói trong các túi nilon không có nhãn mác. Toàn bộ hàng hóa này không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Đội QLTT số 7 ban hành Quyết định xử phạt 8.000.000 đồng, buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm.

Đại diện Tổng cục QLTT cho biết, thời điểm này đang là lúc khá căng thẳng bởi tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nhưng Tổng cục luôn quán triệt toàn lực lượng phải hoàn thành nhiệm vụ chốt chặn của mình trên mọi mặt trận. 

Đọc thêm