Liên tiếp vụ học sinh tự tử: Học sinh đang cô đơn ngay trong gia đình và lớp học

Vụ nữ sinh lớp 10 tại An Giang nghi tự tử vì ức chế với cách cư xử của giáo viên chưa nguôi thì lại tiếp tục xảy ra vụ học sinh lớp 7 tại Bà Rịa Vũng Tàu nhảy từ lan can tầng 2 trường học xuống đất. Tiếng chuông cảnh báo tình trạng khủng hoảng tâm lý trong học sinh một lần nữa được gióng lên.
Học sinh trầm cảm, cô đơn, xu hướng tự tử ngày một gia tăng. Ảnh minh họa.

Học sinh càng ngày càng cô đơn

Nữ sinh lớp 10 tại An Giang vì bức xúc bị hiệu trưởng, hiệu phó, cô giáo chủ nhiệm bắt viết kiểm điểm đọc dưới cờ trong buổi sinh hoạt toàn trường đã uống cả vỉ thuốc hen suyễn để chứng minh: "Em không làm gì sai".

Trước đó, một nữ sinh lớp 12 của một trường THPT ở quận Thủ Đức,  tự tử tại nhà riêng và mới đây nhất là sáng 9/12, nữ sinh lớp 7 Trường THCS Nguyễn Thái Bình (Vũng Tàu) đang trong giờ học Toán bất ngờ xin giáo viên ra ngoài rồi nhảy từ tầng 2 xuống đất. Em được đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch: Gãy xương chậu, dập gan. Nhà trường và các cơ quan chức năng đang tìm hiểu nguyên nhân em đột ngột nhảy lầu.

Các vụ tự tử liên tiếp trong nhà trường gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng học sinh bị khủng hoảng tâm lý, không làm chủ được cảm xúc và hành vi của bản thân. Các chuyên gia giáo dục đã thừa nhận tình trạng học sinh bị trầm cảm, cảm thấy cô đơn ngay trong chính gia đình và lớp học của mình ngày càng tăng trong bối cảnh xã hội hiện đại.

Một nghiên cứu gần đây của nhóm chuyên gia Ấn Độ cho biết, có đến 80% người trẻ dưới 18 tuổi từng trải qua cảm giác cô đơn, cao gấp đôi so với tỷ lệ 40% người trên 65 tuổi trải qua cảm giác cô đơn.

Lý giải thực tế này, ThS Nguyễn Hồ Thụy Anh, giảng viên Trường Phát triển tài năng và tính cách John Robert Power cho biết, độ tuổi 13-18 là giai đoạn trẻ muốn tự khẳng định mình với hàng loạt câu hỏi như tôi là ai, tôi như thế nào, tôi làm sao để khẳng định mình. Trong khi đó, đây cũng là giai đoạn gia đình và nhà trường đặt nhiều kỳ vọng nơi các em (áp lực điểm số, thành tích học tập, công nhận kỹ năng...). Khi không đáp ứng được kỳ vọng, nhiều em e ngại không muốn nhờ sự giúp đỡ vì tâm lý sợ bị từ chối và phủ nhận. Từ đó, các em rơi vào cảm giác cô đơn, chọn sự im lặng, không chơi với ai, không trò chuyện cùng ai.

Theo TS Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng khoa Tâm lý giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Huế, học sinh rơi vào trạng thái cô đơn thường có các biểu hiện như nghe đi nghe lại một bản nhạc nào đó một cách vô thức, có thói quen thức khuya, đắm chìm trong bóng tối, không dám nhìn vào mắt người đối diện, đặt niềm tin vào các mối quan hệ ảo, cảm thấy lạc lõng giữa đám đông, cảm thấy bản thân có nhiều khiếm khuyết...

Khi nào giáo viên mới thật sự là điểm tựa tâm lý cho học sinh?

  • Dưới góc độ tâm lý, TS Nguyễn Thanh Hùng phân tích, cô đơn là trạng thái cảm xúc gây cho cơ thể cảm giác mệt mỏi, khó chịu, tiết ra hóc môn phản kháng lại sự giao tiếp với xã hội khiến người rơi vào trạng thái cô đơn, khó khăn trong thiết lập các mối quan hệ và giao tiếp xã hội. Thậm chí, chuyên gia này cảnh báo, nếu không kịp thời phát hiện, người có cảm giác cô đơn sẽ rơi vào trạng thái trầm cảm, trường hợp xấu nhất là có ý định kết thúc cuộc sống.

Với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác chủ nhiệm, thầy Lâm Vũ Công Chính, giáo viên Trường THPT Nguyễn Du, nhận định, 2 đối tượng cần sự quan tâm nhiều hơn của giáo viên là học sinh quá hiếu động và học sinh quá thụ động. Thường với những trường hợp này, các em ít tìm được sự chia sẻ của những người xung quanh. Vì vậy, nếu thầy cô không chủ động gần gũi và chia sẻ sẽ gián tiếp đẩy các em đến cảm xúc tiêu cực, dễ dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Theo ThS Nguyễn Hồ Thụy Anh, cần tạo môi trường học tập không phán xét, cho học sinh cảm giác an toàn, có thể thảo luận, bày tỏ suy nghĩ, tạo điều kiện cho các em tự khám phá, hiểu và chấp nhận bản thân trước khi bị chi phối bởi áp lực.

Đặc biệt, đối với học sinh, nếu cảm giác cô đơn dẫn đến suy nghĩ tiêu cực thì ngay khi vừa có suy nghĩ tiêu cực, các em không nên một mình chống chọi với cảm xúc tiêu cực đó mà ngay lập tức gọi điện cho cha mẹ, thầy cô hay bất cứ ai để giải tỏa cảm xúc này.

Theo thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, gia đình và nhà trường đều có vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển tâm lý, tính cách của học sinh. Nếu gia đình là điểm tựa vững chắc về tình yêu thương thì nhà trường là chỗ dựa về tinh thần, giúp học sinh cảm thấy được đồng hành và chia sẻ.

Đồng quan điểm, thầy Lâm Vũ Công Chính bày tỏ, để không xảy ra những trường hợp học sinh tự tử đau lòng như thời gian qua, thầy cô nên bớt chút thời gian để lắng nghe học sinh nói, đồng hành các em. Ngoài ra, các chuyên gia cũng khẳng định cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động các phòng tư vấn tâm lý học đường để kịp thời phát hiện và giải quyết các vấn đề trong đời sống tinh thần và cảm xúc của học sinh như: Khó khăn trong học tập, vướng mắc trong các mối quan hệ với thầy cô, bạn bè, lo lắng vì điểm số, thành tích học tập...

Đọc thêm