Linh thiêng Gò Tháp

(PLO) - Khu di tích Gò Tháp, thuộc xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp có cảnh quan độc đáo cùng nhiều huyền thoại về những nền văn minh cổ. Quần thể di tích lịch sử, văn hóa khảo sát cổ Gò Tháp bao gồm: Gò Tháp, Gò Minh Sư, Tháp Cổ Tự, Đền thờ Đốc Bình Kiều, Thiên Hộ Võ Duy Dương, Miếu Hoàng Cô và Miếu thờ Bà Chúa Xứ - là kết tinh của nền văn hóa dân gian tiêu biểu của Tây Nam bộ, đã có cách đây hơn 1.500 năm. 
Du khách tham gia lễ hội Gò Tháp.
Du khách tham gia lễ hội Gò Tháp.

Điểm sáng nổi bật cho nền văn hóa chung của quần thể Gò Tháp là ánh sáng tâm linh của con người. Người ta cho rằng nơi đây đã từng tồn tại và phát triển một thành phố cổ của Vương quốc Phù Nam (thế kỷ I - VI sau Tây lịch).

Có lẽ đây là khu dân cư thời cổ sơ dành cho nhân dân tránh ngập lụt, vì qua nhiều biến cố Gò Tháp chưa bao giờ bị ngập, cho dù những năm nước dâng cao nhất. Đứng trên Gò, hướng mắt nhìn bốn phía toàn cảnh bao la của cánh đồng Tháp Mười hiện ra rõ nét: mùa khô ruộng đồng cò bay mỏi cánh, chó chạy cong đuôi, mùa lũ mênh mông sóng nước như một biển rộng dung chứa nước ngọt. Gò Tháp gồm một quần thể gò nhỏ với những thế đất uốn lượn nhẹ nhàng, lả lướt.

Trên mặt gò, có nhiều khối đá, mảnh vụn kiến trúc lớn và những mãng tượng gỗ... Toàn bộ khu di tích Gò Tháp là một tập hợp nhiều gò đất pha cát lớn nhỏ với diện tích rộng hơn 30km có nhiều cây cổ thụ, trong đó có cây Trôm đã được công nhận là cây di sản xòe bóng mát che chở du khách dưới cái nắng cháy bỏng của Đồng Tháp Mười. 

Chung quanh Gò là vùng trũng rộng lớn với rừng tràm xen lẫn năng, sậy, bàu sen... tạo thành màu xanh chạy dài bất tận. Ở đây còn giữ được nét hoang sơ ban đầu của vùng sinh thái Đồng Tháp Mười. Di tích Gò Tháp được coi là một trong những trung tâm tôn giáo quan trọng của nền văn hóa Óc Eo. Đây cũng chính là Gò cao nhất 5.047m. Các tín ngưỡng tôn giáo ở đây đã hòa quyện vào nhau để ngưỡng vọng về cội nguồn dân tộc.

Do vị trí địa lý nằm ở  trung tâm của sự giao lưu giữa các tỉnh Nam bộ, Gò Tháp đã mở ra ý nghĩa lịch sử và nhân văn trong phạm vi đời sống văn hóa của nhân dân Đồng Tháp, Tiền Giang và Long An mà sự hấp dẫn của Gò Tháp đối với nhu cầu văn hóa của quần chúng rất rộng. Phía Nam sườn Gò Tháp có một hố bom đường kính 18m, là vết tích phá hủy ngôi chùa mang tên Tháp Cổ Tự đầu tiên, được xây dựng từ thời Thiệu Trị (1841 - 1847). 

Năm 1956, chính quyền Sài Gòn cho xây một tháp hình lục giác cao 42m để làm đài quan sát chống phá cách mạng. Đêm 19 rạng 20/12/1959, đặc công quân Giải Phóng đã dùng mìn đánh sập ngôi tháp này. Danh xưng Gò Tháp, Đồng Tháp hay Đồng Tháp Mười... bắt nguồn từ truyền thuyết dân gian nói rằng, nơi đây ngày xưa có ngọn Tháp mười tầng, hoặc đây có tháp cổ đứng thứ 10 tính ngược lên Ang-co hoặc đây là vọng gác thứ 10 của Thiên Hộ Võ Duy Dương. Cũng có giả thuyết cho đây là một trong những ngôi tháp do Vua Jayavarma VII xây cất để thờ thần Bà La Môn chuyên trị bệnh cho dân. Xung quanh tháp là những căn nhà có gác bằng gỗ để người bệnh nằm điều trị.

Cách Gò Tháp khoảng 100m về hướng Bắc là Tháp Cổ Tự, vốn trước đây ở Gò Tháp Mười. Do bị phá hủy nên sau năm 1956 được nhân dân di dời đến đây phụng thờ, ngôi chùa có diện mạo cổ kính đượm màu hoang phế với những chứng tích tàn hoại của chiến tranh đã được cất lại mới to lớn, khang trang.

Gò Tháp thực sự có vị thế bền vững trong đời sống văn hóa của dân Nam bộ, Gò Tháp đã được Bộ Văn hóa công nhận là di tích lịch sử - văn hóa và khảo cổ vào năm 1989 và ngày 27/9/2012, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận xếp hạng di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Gò Tháp là di tích quốc gia đặc biệt.

Khu di tích Gò Tháp đã được tỉnh Đồng Tháp quy hoạch tổng thể với diện tích 300ha để làm khu di tích bảo tồn, bảo tàng, khu rừng sinh thái, khu du lịch nhằm phục vụ việc nghiên cứu, học tập và tham quan của người dân. Trong quá trình khai quật khảo cổ khu vực chân Gò Tháp Mười mới đây đã phát hiện được Đền Thần Vishnu. Đặc biệt là Ao Thần Gò Tháp Mười.

Đây là kiến trúc Ao Thần bằng gạch thứ 3 được tìm thấy ở khu vực Gò Tháp (sau Ao Thần Gò Tháp ở khu vực “tường thành phía Tây Gò Tháp Mười được khai quật năm 2010 và Ao Thần phía Đông Gò Minh  Sư khai quật năm 2013). 

Tại Gò Tháp có Ao Thần xây bằng gạch- đây cũng là ao duy nhất miền Nam làm từ gạch cổ. Ao Thần mới được phát hiện có diện tích 576m2, còn khá nguyên vẹn. Tuy đều là kiến trúc Ao nằm phía Đông đền chính như Ao Thần Gò Minh Sư nhưng hai kiến trúc này vẫn có những nét khác biệt tạo nên sự đa dạng trong bố cục kiến trúc đền - ao ở khu di tích Gò Tháp nói riêng và kiến trúc văn hóa Óc Eo nói chung.

Ao Thần có vai trò quan trọng trong tổ hợp kiến trúc Gò Tháp Mười với đền thờ chính là Đền Vishnu nằm trên đỉnh gò, từ Ao Thần đến điện thờ chính là các kiến trúc phụ khác như đường đi, cổng… Vào rằm tháng 3, tháng 7 và tháng 11 hàng năm, tại Gò Tháp diễn ra lễ hội có quy mô hoành tráng gồm: Lễ cầu an, thỉnh, sanh, thần nông và chánh tế; phần Hội có hát với nhau, giao lưu đàn ca tài tử, các trò chơi dân gian… có nhiều gian hàng bày bán các sản phẩm văn hóa lưu niệm và các mặt hàng bách hóa tổng hợp, đặc sản trái cây vùng Nam bộ…

Năm nay, Lễ hội vía bà Chúa xứ 2017 tại Khu di tích Gò Tháp - Khu di tích Quốc gia đặc biệt có các hoạt động như: lễ tắm bà, lễ cầu an, lễ thỉnh sanh, lễ cúng Thần Nông, cúng chánh tế bà Chúa Xứ, cúng cơm chay... Ngoài ra, tại lễ hội còn có nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao; các gian ẩm thực, quà lưu niệm…

Gò Tháp đã và đang trở thành một trong những cái nôi văn hóa của quê hương Nam bộ, các ngày lễ hội mang nét văn hóa dân gian đã được nâng cấp ngày càng thu hút đông đảo du khách đến tham quan -nghiên cứu và tìm về cội nguồn dân tộc…