TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế (TTBTDTCĐH) đã có cuộc trò chuyện với PLVN về chặng đường bảo tồn và phát triển những tài sản vô giá này.
Nhiều di tích vẫn được bảo tồn, kéo dài tuổi thọ
Thưa ông, ông có thể điểm qua vài nét về việc bảo tồn và phát huy những giá trị di sản tại Quần thể Di tích Cố đô Huế?
- Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Bộ VHTT&DL, công cuộc bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã được triển khai và đạt kết quả rất quan trọng, đặc biệt là giai đoạn từ năm 1996 đến nay, cùng với quá trình triển khai Quyết định 105TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án Quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị di tích cố đô Huế 1996 - 2010 và Quyết định 818TTg điều chỉnh dự án trên đến năm 2020.
Di sản văn hoá Huế đã vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp và đang từng bước được hồi sinh, diện mạo ban đầu của một Cố đô lịch sử dần dần được hồi phục. Đặc biệt, việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa đã luôn gắn chặt với quá trình khai thác, phát huy và tạo điều kiện cho kinh tế du lịch, dịch vụ phát triển. Những kết quả quan trọng ấy được thể hiện trên các mặt: Bảo tồn, trùng tu di tích; bảo tồn văn hóa phi vật thể; bảo tồn, tôn tạo cảnh quan môi trường các khu di sản; hợp tác quốc tế, ứng dụng thành tựu khoa học bảo tồn và đào tạo nguồn nhân lực; phát huy giá trị di sản.
Hầu hết các di tích đều được bảo quản cấp thiết, bằng các biện pháp chống dột, chống sập, chống mối mọt, chống cây cỏ xâm thực, gia cố và thay thế các bộ phận bị lão hóa . . . nhờ vậy mà trong điều kiện thiên tai khắc nghiệt xảy ra liên tiếp, các di tích vẫn được bảo tồn và kéo dài tuổi thọ.
Công tác trùng tu được dựa trên yếu tố nào, thưa ông?
- Các di tích được tu bổ đều đảm bảo các nguyên tắc khoa học về bảo tồn của quốc gia và các điều luật của Hiến chương, Công ước quốc tế mà Chính phủ ta đã thừa nhận, được các nhà khoa học trong nước và quốc tế đánh giá cao.
Cũng chính qua thực tiễn của công cuộc bảo tồn nên chúng ta đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu và phong phú, đặc biệt đã nắm vững cả 2 mặt cốt yếu của phương pháp trùng tu khoa học: Đó là phương pháp luận khoa học và kỹ năng thực hiện, vì vậy các hoạt động trùng tu đã đem lại những hiệu quả tích cực; góp phần quan trọng trong việc thu hút du khách đến Huế, tăng các nguồn doanh thu du lịch và dịch vụ, tạo ra sự quan tâm đặc biệt của các tầng lớp xã hội đối với di sản văn hóa truyền thống.
Các di sản văn hóa phi vật thể được bảo tồn như thế nào?
- Các di sản văn hóa phi vật thể của Huế hết sức phong phú và đa dạng. Việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trên chủ yếu được xác định trong phạm vi văn hóa cung đình thời Nguyễn, gồm: Thơ văn Hán Nôm trên di tích, văn bia, thơ Ngự chế được trang trí ở các cung điện, các hoa văn họa tiết trang trí mỹ thuật gắn liền với di tích kiến trúc, lễ nhạc Cung đình, múa hát Cung đình, lễ hội Cung đình, tuồng Ngự, ca Huế ..
Từ năm 1996 đến nay, trên lĩnh vực này, Trung tâm đã tổ chức hàng chục công trình nghiên cứu khoa học, tổ chức biên soạn và xuất bản, tổ chức đào tạo nhân lực... Theo đó, Trung tâm đã tổ chức trên 10 cuộc hội thảo, hội nghị quốc gia và quốc tế về chủ đề nghiên cứu, bảo tồn các tài sản văn hóa phi vật thể, như Hội thảo bảo tồn và phát huy giá trị Tuồng cung đình Huế, Hội thảo bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Hán Nôm Huế, Hội thảo tổng kết dự án Bảo tồn Nhã nhạc cung đình Huế… Chính nhờ những nỗ lực trên mà tháng 11/2003, UNESCO đã chính thức công nhận Nhã nhạc Cung đình Huế là Kiệt tác Di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại (nay là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện nhân loại).
Ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tich Cố đô Huế |
Hợp tác với hơn 25 tổ chức quốc tế để bảo tồn di sản
Trong quá trình bảo tồn, Trung tâm nhận được sự giúp đỡ, hợp tác nào không, thưa ông?
- Gần 25 năm qua, Di tích Huế đã hợp tác với hơn 25 tổ chức quốc tế, hàng chục các viện, trường đại học, ban ngành trong nước để tiến hành các hoạt động nghiên cứu bảo tồn di sản cả trên lĩnh vực văn hóa vật thể, phi vật thể và cảnh quan môi trường.
Với các tổ chức quốc tế, Huế đã có sự hợp tác với UNESCO, Nhật Bản (Quỹ Toyota, Quỹ Japan Foundation, Trường đại học Nữ Sowa, Đại học Nihon, Đại học Waseda ...), Ba Lan, Canada, Pháp, Anh, Mỹ, Cộng hòa liên bang Đức, Thái Lan, Bỉ, Hàn Quốc, Hà Lan… thực hiện hàng chục dự án trùng tu, nghiên cứu bảo tồn và đào tạo nguồn nhân lực hết sức có ý nghĩa. Huế cũng đã có mối quan hệ hợp tác rộng rãi với nhiều đơn vị, bộ ngành trong nước để thực hiện các dự án quy hoạch, bảo tồn và đào tạo nhân lực; tiêu biểu như Đại học Huế, Trường đại học Kiến trúc Hà Nội, Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn, Viện Sử học…
Trong quá trình bảo tồn, Trung tâm có gặp khó khăn gì không, thưa ông?
- Bên cạnh thành tựu to lớn nói trên thì vẫn còn nhiều khó khăn chưa khắc phục được, vẫn còn không ít các công trình tiêu biểu chưa được phục hồi, dấu vết hoang tàn đổ nát vẫn chưa được xóa hết ở nhiều di tích. Việc huy động các nguồn lực chưa được phát huy đúng mức.
Các giá trị văn hóa phi vật thể tuy được ưu tiên đầu tư nhưng kết quả đạt được còn hạn chế. Mặc dù các chuyên gia UNESCO và nhiều tổ chức quốc tế khác đã có những đánh giá tích cực trong việc triển khai các dự án tu bổ quần thể di tích Huế trong 25 năm vừa qua nhưng trước thực trạng hiện nay, di sản này cũng đang gặp phải không ít khó khăn thách thức. Phần lớn các di tích của Huế đều là những kiến trúc nghệ thuật được bố trí hài hòa với thiên nhiên trong những không gian rất rộng lớn. Cũng chính vì thế mà việc bảo tồn, tôn tạo cảnh quan môi trường các khu di tích gặp không ít khó khăn. Thêm vào đó, số lượng dân cư sống trong các khu vực bảo vệ di tích rất lớn, chiếm xấp xỉ 1/2 dân số thành phố. Vì vậy, mọi hoạt động liên quan đến bảo vệ di tích đều có ảnh hưởng nhất định đến cuộc sống của người dân và nhu cầu phát triển.
Ông Phan Thanh Hải (người đội khăn đóng) tháp tùng Nhà vua và Hoàng hậu Nhât Bản khi thăm Đại Nội Huế đầu tháng 3/2017 |
Có nguồn thu để tái bảo tồn di sản
Ông có thể cho biết sự đóng góp của di sản vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương?
- Khai thác và phát huy giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể Di tích Cố đô Huế là giải pháp tốt nhất để bảo tồn di tích, làm cho di tích “sống”, hòa vào cuộc sống của xã hội đương đại, có tác dụng giáo dục và nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế, tạo nguồn sinh lợi để bảo tồn di tích.
Việc khai thác hợp lý làm cho di tích thoát khỏi sự lãng quên mà Luật Di sản Văn hóa đã chỉ rõ là hướng đến xã hội hóa công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích. Nhờ những thành tựu của công tác bảo tồn mà Di sản văn hóa Huế đã được quảng bá hình ảnh rộng rãi trên toàn thế giới, tạo nên sức hút to lớn của Huế đối với du khách thập phương và góp phần làm cho ngành Du lịch dịch vụ của Thừa Thiên Huế có những bước phát triển nhanh chóng, thực sự đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Riêng tại khu di tích Huế, doanh thu trực tiếp từ năm 1996 đến năm 2016 đã đạt hơn 1.500 tỷ đồng, doanh thu từ hoạt động dịch vụ đạt hơn 100 tỷ đồng. Chính nguồn thu này đã góp phần rất quan trọng trong việc tái đầu tư cho hoạt động bảo tồn di sản và cải thiện đời sống của những người làm công tác bảo tồn.
Doanh thu từ hoạt động du lịch dịch vụ luôn tăng trưởng với tốc độ rất nhanh. Từ năm 2012 - 2016, tổng doanh thu ngành du lịch dịch vụ của tỉnh đã đạt mức 2500 - 3200 tỷ đồng/năm, đạt tỷ trọng từ 48% -53% GDP của toàn tỉnh.
Di sản văn hóa cũng trở thành hạt nhân cho các hoạt động và sự kiện văn hóa của vùng đất cố đô. Với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”, Festival Huế được tổ chức vào các năm chẳn, cùng với Festival Nghề truyền thống tổ chức vào các năm lẻ đã tạo nên một thương hiệu đặc biệt, có tiếng vang và sức thu hút to lớn không chỉ trong nước mà còn trên bình diện quốc tế.
Trân trọng cám ơn ông
Thách thức trong công tác bảo tồn di tích
Mặc dù các chuyên gia UNESCO và nhiều tổ chức quốc tế khác đã có những đánh giá tích cực trong việc triển khai các dự án tu bổ quần thể di tích Huế trong 25 năm vừa qua nhưng trước thực trạng hiện nay, di sản này cũng đang gặp phải không ít khó khăn thách thức. Phần lớn các di tích của Huế đều là những kiến trúc nghệ thuật được bố trí hài hòa với thiên nhiên trong những không gian rất rộng lớn.
Cũng chính vì thế mà việc bảo tồn, tôn tạo cảnh quan môi trường các khu di tích gặp không ít khó khăn. Thêm vào đó, số lượng dân cư sống trong các khu vực bảo vệ di tích rất lớn, chiếm xấp xỉ 1/2 dân số thành phố. Vì vậy, mọi hoạt động liên quan đến bảo vệ di tích đều có ảnh hưởng nhất định đến cuộc sống của người dân và nhu cầu phát triển.