“Thổi hồn” cho linh vật rắn bằng gốm
Cách phố cổ Hội An (Quảng Nam) chừng 3km, làng gốm Thanh Hà (phường Thanh Hà, TP Hội An) nằm sát bên dòng Thu Bồn thơ mộng. Nơi đây, bao thế hệ theo nghề gốm, nối tiếp nghề cha ông dày công dựng xây, cùng nhau lưu giữ nghề trường tồn cùng thời gian suốt hơn 500 năm qua.
Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đã “chạm ngõ”, những ngày này, bầu không khí rộn ràng của mùa Xuân đang len lỏi vào từng hẻm nhỏ dẫn lối vào các cơ sở sản xuất đồ gốm ở làng gốm Thanh Hà. Tại đây, mỗi người mỗi việc, ai nấy đều tập trung để cho ra thị trường những sản phẩm gốm tốt nhất phục vụ dịp Tết. Ấn tượng và “bắt trend” hiện đại, những người thợ trẻ trong làng miệt mài nhào nặn, “thổi hồn” vào linh vật rắn bằng gốm mừng xuân Ất Tỵ 2025.
Anh Lê Văn Nhật (36 tuổi) - một trong số những thợ trẻ có tiếng ở làng gốm 500 năm tuổi trứ danh xứ Quảng cũng vậy, anh tạm gác lại công việc thường nhật là sản xuất chén, bát, chum, vại, bình hoa, tò he,... để dồn toàn tâm toàn sức nhào nặn cặp linh vật rắn. Anh Nhật cho biết, từ đầu tháng 11, nhiều người đã đến hỏi và đặt anh làm linh vật hình con rắn, trong đó có chính quyền phường Thanh Hà. Ngay trong đêm, anh lên ý tưởng rồi phác thảo hình con rắn ra giấy.
Anh Lê Văn Nhật tỉ mỉ chỉnh sửa để cho ra tác phẩm linh vật rắn mừng xuân Ất Tỵ 2025 sao cho có hồn nhất. (Ảnh trong bài: PV) |
“Đúng là vạn sự khởi đầu nan, năm lần bảy lượt dựng hình rắn đều thất bại. Nguyên nhân chính do thời tiết mưa, lạnh khiến hình dựng lên không khô được mà cứ nhão nhoẹt rồi tách ra từng mảng. Phải chờ tới hôm trời hửng nắng, việc dựng hình linh vật mới trở nên dễ dàng”, anh Nhật chia sẻ.
Cặp linh vật rắn được anh Nhật dựng hình ở thế trực với chiều cao 50cm, ngang 40cm, dài 60cm. Những công đoạn cuối cùng đang được anh tỉ mỉ thực hiện trước khi đem nung. Quá trình nung diễn ra chưa đầy 1 ngày.
Không chỉ anh Nhật, cách đó không xa, anh Nguyễn Viết Lâm (28 tuổi) cũng đang tất bật hoàn thành cặp linh vật Tết Ất Tỵ 2025 để kịp bàn giao cho UBND phường Thanh Hà.
Anh Lâm cho biết, mỗi linh vật có sẽ có những chi tiết dễ - khó khác nhau nên đòi hỏi sự tỉ mỉ, tập trung rất cao. Riêng đối với linh vật rắn, công đoạn đánh vảy cho đều phải mất 4 ngày mới hoàn thành. Mặc dù chưa trải qua quá trình nung và cũng chưa chính thức trình làng, song nhiều du khách đến tham quan cơ sở của anh Lâm đã không khỏi trầm trồ trước linh vật bằng gốm này.
Theo ông Trương Hướng, Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Hà, dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, phường đặt 3 thợ trẻ trong làng chế tác tổng cộng 6 linh vật rắn bằng gốm. Giữa tháng 12 Âm lịch, toàn bộ linh vật được bàn giao cho phường để phục vụ trang trí dọc tuyến đường dẫn vào làng gốm với hi vọng, du khách đến tham quan dịp Tết sẽ thích thú trước những linh vật độc đáo này.
Giữ nghề truyền thống
Làng gốm Thanh Hà hình thành và phát triển từ thế kỷ XVI, với tên gọi đầu tiên là làng Thanh Liêm, sau này đổi tên thành phường Thanh Hà. Giai đoạn thế kỷ XVI - XVII được xem thời vàng son của làng gốm Thanh Hà khi nhiều sản phẩm trở thành vật tiến vua. Đi qua 500 năm lịch sử, ngôi làng này từng trải qua biết bao thăng trầm, sóng gió. Có thời điểm, nghề gốm ở đây tưởng chừng đã rơi vào lãng quên. Nhưng bằng sự tâm huyết, quyết tâm viết tiếp phần lịch sử cha ông gầy dựng, người dân trong làng đã vực dậy làng nghề gốm trước nguy cơ bị mai một.
Nghệ nhân tạo tác tác phẩm gốm. |
Hiện nay, Thanh Hà có hơn 35 hộ sản xuất, kinh doanh với khoảng 70 lao động thường xuyên, tất cả sản phẩm đều được làm bằng phương pháp thủ công. Chính cái mộc mạc từ sản phẩm cho đến người làm đã làm nên thương hiệu của làng gốm cổ. Nhiều năm qua, nhờ gắn kết giữa sản xuất với phát triển du lịch nên làng gốm Thanh Hà có sức sống mạnh mẽ. Làng gốm Thanh Hà từng bước khẳng định mình và trở thành điểm tham quan du lịch nổi tiếng của cả nước.
Người dân Thanh Hà ai nấy đều yêu quý cái nghề gốm này. Họ luôn tâm niệm, nghề không chỉ công việc mưu sinh, mà còn là kí ức theo năm tháng và nét văn hóa cần phải bảo tồn. Ở làng gốm Thanh Hà, có những người đã gắn bó với công việc làm gốm hàng chục năm, từ lúc còn trẻ đến khi già nua. Có người từ nơi khác, về làm dâu - rể xứ này cùng gắn bó với nghề gần nửa thế kỷ.
Du khách thích thú ngắm nhìn linh vật rắn bằng gốm. |
Đơn cử như bà Vũ Thị Bình (69 tuổi) làm dâu về Thanh Hà ở độ tuổi thanh xuân. Ngày bước chân theo chồng, bà không biết nghề gốm ở đây có từ bao giờ. Chỉ biết ba mẹ chồng đã gắn bó rất lâu. Dần dà, bà Bình mày mò học theo gia đình. Đến nay bà đã gắn bó với nghề này gần 50 năm.
Hay những thanh niên như anh Lê Văn Nhật, Nguyễn Viết Lâm, mới quá tuổi 30 nhưng đã có nhiều năm tuổi nghề... Trong đó, anh Lâm nổi tiếng là người đầu tiên tráng men cho các sản phẩm gốm Thanh Hà.
Năm 18 tuổi, anh Lâm đã tiếp quản lại cơ ngơi của bố mẹ và bắt đầu tìm tòi, phát triển cho mình con đường riêng về gốm. Để tăng thêm sức hấp dẫn, đẹp mắt anh đã phủ lên một lớp men khi sản phẩm ra lò. Một sản phẩm gốm tráng men cũng phải trải qua 5 công đoạn như: nhồi đất, vuốt gốm, trang trí họa tiết, tráng men và nung gốm rất kỳ công. Tuy nhiên, trên hết với anh Lâm cũng như nhiều nghệ nhân Thanh Hà, hàng ngày đắm chìm trong sáng tạo, đôi tay lem luốc bùn đất, trong mùi ngai ngái của củi đốt lò nung… để nặn ra từng linh vật khác nhau luôn mang một cảm giác thú vị và hạnh phúc.