Lĩnh vực xuất nhập khẩu: Cấp thiết kết nối thông tin theo cơ chế một cửa Quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị định về kết nối và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh người và phương tiện theo cơ chế một cửa quốc gia.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhu cầu cấp thiết từ thực tiễn

Trong Tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Tài chính cho rằng, việc ban hành Nghị định sẽ tạo thuận lợi cho các bên tham gia vào quản lý, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; quản lý người và phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh thông qua việc trao đổi thông tin, hồ sơ, chứng từ điện tử.

Theo cơ quan này, nội dung của Nghị định xuất phát từ nhu cầu cấp thiết về trao đổi thông tin của tất cả các bên liên quan. Theo đó, không chỉ gói gọn trong việc trao đổi thông tin giữa các cơ quan nhà nước mà còn mở rộng ra các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia vào quản lý cũng như các hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, quá cảnh trong và ngoài nước, góp phần hiện thực hóa việc trao đổi thông tin giữa cơ quan chính phủ Việt Nam với cơ quan chính phủ các nước khác theo điều ước, thỏa thuận mà Việt Nam ký kết, gia nhập (đặc biệt là các FTA thế hệ mới) để tạo thuận lợi thương mại song vẫn đảm bảo kiểm soát, quản lý hiệu quả, hiệu lực.

Bên cạnh đó, việc ban hành Nghị định còn nhằm giải quyết những bất cập về kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các bộ, cơ quan đã được quy định tại một số nghị định chuyên ngành của Chính phủ cũng như nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn chia sẻ thông tin theo cơ chế một cửa quốc gia.

Cụ thể, theo Bộ Tài chính, hiện việc chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nhà nước hiện được quy định rải rác ở một số nghị định khác trong các lĩnh vực chuyên ngành. Trên thực tế khi thực hiện các nghị định chuyên ngành có tình trạng bất cập trong việc chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh về hiệu lực, hiệu quả thực hiện.

“Vì vậy, sẽ không đủ giá trị pháp lý áp dụng theo văn bản pháp luật, văn bản chỉ đạo về kết nối, chia sẻ thông tin trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh ở cấp độ thấp hơn Nghị định của Chính phủ” - Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo chức năng quản lý nhà nước, hàng hóa, người, phương tiện vận tải xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, quá cảnh chịu sự quản lý của nhiều cơ quan bộ, ngành khác nhau. Tuy nhiên, khi thực thi nhiệm vụ các cơ quan nhà nước thường dựa trên thông tin của chính cơ quan đó một cách độc lập và tạo ra thông tin phục vụ cho riêng hoạt động của chính cơ quan đó.

Thậm chí ngay cả các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử hóa công tác nghiệp vụ quản lý cũng thực hiện cắt đoạn riêng rẽ trong từng cơ quan, cơ quan nào có hệ thống riêng của cơ quan đó, không kết nối, chia sẻ thông tin với cơ quan khác trong dây chuyền quản lý hàng hóa, người, phương tiện vận tải xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh. Hay nói cách khác, thông tin thủ tục hành chính đối với hàng hóa, người, phương tiện vận tải xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh đang được thực hiện một cách độc lập, cục bộ, manh mún, không toàn diện, đầy đủ.

Mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp

Theo Bộ Tài chính, hiện tại các thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia đã được xử lý liên thông giữa các cơ quan chuyên ngành trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính (như các bộ, sở, ngành) và cơ quan kiểm tra kết quả thủ tục hành chính tại cửa khẩu (như cơ quan hải quan).

Tuy nhiên, các cơ quan không liên quan trực tiếp đến thủ tục hành chính nhưng lại đóng vai trò kiểm soát hàng hóa trong chuỗi cung ứng, tiêu thụ (như công an, quản lý thị trường...) thì còn hạn chế trong việc nhận và chia sẻ thông tin qua Cơ chế một cửa quốc gia, dẫn đến chưa thực sự đồng bộ trong việc xử lý, chia sẻ thông tin trong quá trình luân chuyển của hàng hóa.

Do đó, việc xây dựng Nghị định sẽ mang lại lợi ích cho Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Cụ thể, các bộ, ngành được khai thác, sử dụng thông tin cập nhật kịp thời, phản ánh đầy đủ thực tế dây chuyền/quá trình xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh người và phương tiện vận tải. Thông tin toàn diện, thông tin “sống” sẽ giúp cơ quan nhà nước thực hiện công tác điều hành, quản lý, đánh giá, xử lý hiệu quả hơn.

Cùng với đó, hệ thống thông tin quản lý này sẽ là nguồn thông tin quý giá cung cấp cho Cổng thông tin thương mại quốc gia, góp phần tạo thuận lợi cho thương mại, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Từ đó sẽ là động lực thúc đẩy các bộ, ngành nâng cao hơn nữa công tác phối kết hợp trong thực hiện công tác quản lý nhà nước; đồng thời sẽ tạo nền tảng, tiền đề tiến tới hình thành, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh người và phương tiện vận tải.

Trong khi đó, khi người dân và doanh nghiệp đã cung cấp thông tin cho cơ quan nhà nước ở “một cửa” thực hiện thủ tục hành chính, các thông tin này trở thành thông tin quản lý sẽ được chia sẻ dùng chung giữa các cơ quan nhà nước liên quan theo cơ chế một cửa quốc gia.

Người dân và doanh nghiệp không phải cung cấp lại các thông tin đã cung cấp trước đó, qua đó góp phần giảm chi phí, thời gian tuân thủ, thời gian lao động, nâng cao năng suất lao động; đồng thời doanh nghiệp cũng có thể khai thác, sử dụng thông tin do cơ quan nhà nước cung cấp, chia sẻ để phục vụ cho hoạt động tuân thủ tốt hơn cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình hiệu quả hơn.

Ở khía cạnh thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin, việc kết nối, chia sẻ thông tin về hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quả cảnh, người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh cũng phù hợp với xu thế cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là các ứng dụng công nghệ blockchain, cơ sở dữ liệu lớn (big data), internet vạn vật (IOT); góp phần hiện đại hóa, tự động hóa tốt hơn, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh quốc gia trong hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng.

Đọc thêm