Lô gỗ của Cty Ngọc Hưng tại cảng Tiên Sa không phải hàng lậu

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an (C46) vừa có văn bản kết luận chưa đủ yếu tố cấu thành tội buôn lậu đối với Công ty TNHH Ngọc Hưng (đóng tại Quảng Trị) sau khi tiếp nhận hồ sơ vụ án buôn lậu xẩy ra ở cảng Tiên Sa - Đà Nẵng do Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng Cục hải quan chuyển.

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an (C46) vừa có văn bản kết luận chưa đủ yếu tố cấu thành tội buôn lậu đối với Công ty TNHH Ngọc Hưng (đóng tại Quảng Trị) sau khi tiếp nhận hồ sơ vụ án buôn lậu xẩy ra ở cảng Tiên Sa - Đà Nẵng do Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng Cục hải quan chuyển.

Hàng của Công ty Ngọc Hưng bị tạm giữ
Hàng của Công ty Ngọc Hưng bị tạm giữ
Về vụ việc này, Báo PLVN có loạt bài phản ánh phản ánh việc Chi Cục hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng tạm giữ lô hàng  22 container nhập khẩu của Công ty TNHH MTV Ngọc Hưng, gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Vụ việc trở nên phức tạp khi Cục Điều tra chống buôn lậu có quyết định khởi tố vụ án hình sự vì cho rằng, việc buôn bán 22 container gỗ này có dấu hiệu của tội buôn lậu. Trong khi đó, doanh nghiệp kiên quyết khẳng định đã thực hiện đúng quy định của pháp luật trong việc nhập và xuất khẩu lô hàng.

Nhiều tháng trôi qua, nhưng những cuộc “đấu lí” giữa các cơ quan chức năng về việc tra xét lô hàng được coi là “có vấn đề” vẫn chưa ngã ngũ. Sau khi  có Quyết định 02/QĐ-ĐTCBK khởi tố vụ án hình sự về tội buôn lậu gỗ xảy ra tại Đà Nẵng, Cục Điều tra chống buôn lậu đã chuyển hồ sơ cho CQ cảnh sát điều tra – C46 (Bộ Công an) để tiếp tục điều tra, làm rõ.

Theo đó, căn cứ kết quả điều tra, xác minh và những chứng cứ, tài liệu đã thu thập được về vụ vi phạm của Công ty TNHH một thành viên Ngọc Hưng, làm thủ tục XK 535,8m³ gỗ trắc cam bốt xẻ, gỗ trắc cam bốt tròn và gỗ trắc tròn (tận dụng gốc, cành, ngọn) theo tờ khai hàng hoá XK số 849/XK/KD/C32D ngày 19/12/2011 tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cửa Việt được chuyển đến cảng Đà Nẵng để XK, kết quả điều tra, khám xét phát hiện hàng XK theo tờ khai nêu trên là gỗ Giáng Hương, gỗ Trắc và 867 sản phẩm gỗ; số hàng trên không có nguồn gốc hợp pháp.

Hồ sơ vụ án được chuyển bao gồm: các bút lục, tài liệu liên quan đến vụ án. Tang vật gồm: 193,057 m³ + 124,548 ste (1 ste tương đương 5 m³) gỗ xẻ; 11,767 m³ gỗ tròn; 199,661 ste gỗ gốc, cành ngọn; 14,734 m³+ 9674 ste gỗ hương và 867 sản phẩm gỗ.

Tuy nhiên, vào ngày 06/6 vừa qua, CQĐT Bộ Công an (C46) có văn bản gửi Tổng cục Hải quan khẳng định, chưa đủ yếu tố cấu thành tội buôn lậu đối với doanh nghiệp này. Trong văn bản nêu rõ, việc Công ty TNHH Ngọc Hưng khai báo là gỗ trắc cam bốt nhưng thực tế kiểm tra lại là gỗ trắc Cẩm lai nam; không có trong khai báo 21m3 gỗ Giáng hương và 867 sản phẩm gỗ các loại.

Để có đánh giá về việc này, C46 đã có 02 lần công văn hỏi Cục Kiểm lâm (Bộ NN& PTNT) về các vấn đề liên quan. Qua đó, Cục Kiểm lâm khẳng định, các loại gỗ trên, bao gồm cả gỗ trắc Cam bốt, gỗ trắc Cẩm lai nam và gỗ Giáng hương đều không phải  xin phép của cơ quan Kiểm lâm.

Như vậy, đủ cơ sở khẳng định Công ty TNHH Ngọc Hưng có hành vi khai báo không đúng về số lượng, chủng loại gỗ so với thực tế xuất khẩu theo quy định trách nhiệm của người khai báo tại Điều 23 Luật Hải quan nhưng những sai phạm này không trái với quy định của Nhà nước về công tác quản lí xuất, nhập khẩu những sản phẩm này. Do vậy, C46 cho rằng chưa đủ yếu tố cấu thành tội buôn lậu quy định tại điều 153 - Bộ Luật Hình sự.

Về việc Công ty TNHH Ngọc Hưng khai sai là 180.380 m3 gỗ xẻ nhưng thực tế kiểm tra lại là 280,3 gỗ xẻ, làm giảm số thuế xuất khẩu phải nộp, C46 cho rằng, cần giám định về thuế để có kết quả chính xác. Công văn của Cơ quan CSĐT C46 gửi Tổng cục Hải quan Do vụ án này từ khi Cục điều tra chống buôn lậu tổ chức khám xét để thu giữ hàng hoá tiến hành điều tra đến nay đã lâu; quan điểm đánh giá và xử lí của các ngành liên quan còn nhiều điểm chưa thống nhất, đặc biệt trong ngành làm án gồm C46, VKSNDTC, TANDTC cũng có nhiều quan điểm khác nhau… Để có ý kiến thống nhất về đánh giá tài liệu chứng cứ đã thu thập được, C46 đề nghị Tổng cục Hải quan tổ chức họp liên ngành tư pháp để thống nhất hướng xử lí vụ việc.

Trao đổi với báo chí về sự việc, một lãnh đạo Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng Cục Hải quan cho rằng: “Hồ sơ vụ việc hiện vẫn thuộc thẩm quyền quyết định của cơ quan Công an, đến thời điểm này vẫn chưa thấy Tổng cục có chỉ đạo gì. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn khẳng định cơ quan chúng tôi ra quyết định khởi tố vụ án này là đúng quy định pháp luật

Được biết, ngày 22/6/2012 vừa qua, Công ty TNHH Ngọc Hưng tiếp tục có Công văn gửi đến C46, một lần nữa khẳng định việc nhập và xuất khẩu hàng hàng hoá của doanh nghiệp là hoàn toàn đúng pháp luật; nói lên nỗi oan khuất và khẩn cầu sự giúp đỡ của cơ quan CSĐT C46 để làm sáng tỏ vụ việc.

Theo ông Trương Huy Liệu - Phó Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Hưng, hiện doanh nghiệp đang gặp rất nhiều tổn thất, và đứng trước nguy cơ phá sản bởi gánh nặng tài chính của lãi suất ngân hàng, hàng hoá mất giá, sụt giảm uy tín trên thương trường.

Văn bản của Cty Ngọc Hưng tiếp tục “cầu cứu” C46 vào cuộc làm rõ. Qua đó, ông Liệu cũng kiến nghị, Cục điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan thu hồi QĐ Khởi tố vụ án và QĐ thu giữ hàng hoá, đồ vật liên quan đến vụ án, trả lại toàn bộ lô hàng theo tờ khai cho doanh nghiệp.

Việc CQĐT xác định không có dấu hiệu phạm tội có khiến lô hàng của doanh nghiệp được “cứu” hay không, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Đoàn Thu Nga (Công ty luật Lawpro) về vấn đề này.

Thưa Luật sư, khi CQĐT xác định không có dấu hiệu phạm tội trong một vụ việc mà cơ quan khác khởi tố thì vụ việc sẽ được giải quyết như thế nào?

Trong vụ án này, Cục Điều tra chống buôn lậu là cơ quan khởi tố vụ án và chuyển hồ sơ để CQĐT Bộ Công an điều tra theo thẩm quyền. Thế nhưng, trong quá trình điều tra, cơ quan nhận điều tra vụ án lại thấy không có dấu hiệu tội phạm thì theo Điều 164, Bộ luật tố tụng hình sự, CQĐT sẽ phải đình chỉ điều tra, đồng thời thông báo cho VKS cùng cấp biết.

Nếu việc đình chỉ điều tra là đúng, có căn cứ pháp luật thì quá trình tố tụng phải dừng lại; tang vật, phương tiện, tài sản thu giữ của cá nhân, tổ chức có liên quan phải được trả lại cho tổ chức, cá nhân đó.

Nếu vụ án được đình chỉ thì lô hàng của doanh nghiệp đang bị tạm giữ có được “giải phóng” không, thưa bà?

Việc tiến hành tố tụng hình sự chấm dứt nhưng các cơ quan chức năng còn phải xem xét doanh nghiệp có vi phạm hành chính hay không. Nếu có vi phạm thì  vụ việc sẽ phải xem xét xử lý hành chính. Tuy nhiên, theo Điều 9, Nghị định 97/2007/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực hải quan thì việc doanh nghiệp kê khai hải quan không đúng với chủng loại, tên hàng hóa thì chỉ bị phạt tiền và không áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu hàng hóa.

Do thời hạn tạm giữ hàng theo thủ tục hành chính rất ngắn so với thời hạn giải quyết vụ án hình sự, đến nay có thể thời hạn tạm giữ hàng hóa đã hết nên cơ quan có trách nhiệm xử lý vi phạm hành chính sẽ phải sớm có quyết định xử lý trả lại hàng hóa cho doanh nghiệp.

Xin cảm ơn bà!

Bình Minh

Đọc thêm