Lo lắng chất lượng đầu vào Đại học

(PLVN) - Việc sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp để xét tuyển có làm giảm chất lượng đầu vào của các trường ĐH? Có xảy ra tình trạng thí sinh phải đổ về các thành phố lớn để tham dự các kỳ tuyển sinh riêng? Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc đã trao đổi với báo chí về vấn đề này…
Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Văn Phúc.

Không lo thí sinh ảo?

Thưa Thứ trưởng, việc Thủ tướng Chính phủ thông qua phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ tác động lớn tới công tác tuyển sinh ĐH. Bộ GD-ĐT sẽ có phương án gì để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các trường ĐH và thí sinh dự thi?

- Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ tiếp tục hỗ trợ các cơ sở giáo dục ĐH và thí sinh trong công tác tuyển sinh trong khâu tổ chức đăng ký xét tuyển, lọc ảo như năm 2019. Với sự hỗ trợ này, thí sinh không phải tốn thời gian, công sức, kinh phí đi lại, nộp hồ sơ dự tuyển nhiều nơi, rồi lại đi rút hồ sơ nếu không đúng nguyện vọng, nên rất thuận lợi cho thí sinh đăng ký những ngành/trường mình mong muốn. 

Một số cơ sở giáo dục ĐH, nhất là các trường tốp trên, có thể sẽ tổ chức thi riêng để tuyển sinh cho trường mình hoặc theo nhóm trường. Bộ GD-ĐT sẽ có giải pháp hỗ trợ việc tổ chức thi, đăng ký xét tuyển, lọc ảo theo nhóm trường. Hiện tại, Bộ GD-ĐT đang hoàn thiện Quy chế tuyển sinh năm nay và sẽ ban hành sớm nhất trong những ngày tới. 

Thưa ông, việc không còn kỳ thi THPT quốc gia với đề thi phân hóa cao phục vụ cho công tác xét tuyển ĐH có gây khó cho các trường lựa chọn kết quả thi để xét tuyển, gây khó cho những trường chưa sẵn sàng tổ chức thi, xét tuyển riêng?

- Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong 3 năm gần đây, kết quả tuyển sinh của toàn hệ thống có xu hướng giảm dần tỷ trọng trúng tuyển từ sử dụng kết quả kỳ thi THPT, tăng dần tỷ trọng trúng tuyển từ học bạ và các phương thức khác.

Cụ thể, số thí sinh trúng tuyển thông qua sử dụng kết quả thi THPT quốc gia năm 2017 chiếm 81,5%; năm 2018 chiếm 73,6%; năm 2019 là 62,4% trong tổng số thí sinh trúng tuyển. Trong đó, số thí sinh trúng tuyển bằng xét kết quả học bạ năm 2018 chiếm 18%, năm 2019 chiếm gần 30%.

Còn lại là các phương thức khác (từ thi đánh giá năng lực, thi năng khiếu, văn hóa, sử dụng chứng chỉ quốc tế…) khoảng 10%. Con số này cho thấy kết quả tuyển sinh ĐH ngày càng có xu hướng giảm dần sự phụ thuộc vào sử dụng kết quả thi THPT, tỷ lệ tuyển sinh từ các phương thức khác ngày càng tăng lên.

Chỉ khoảng 20% thí sinh thi riêng?

Việc để các trường tự chủ tuyển sinh liệu có dẫn đến tình trạng “trăm hoa đua nở”, mỗi trường tổ chức một kỳ thi riêng như trước đây cũng như dẫn đến nhiều bất cập như áp lực, tốn kém, học sinh lại kéo về thành phố lớn để dự thi hay không, thưa ông?

- Việc này khó xảy ra! Như số liệu thống kê những năm qua cho thấy là số trường thi tuyển sinh riêng rất ít, chỉ khoảng 3-4% tổng số thí sinh trúng tuyển. Năm nay dự đoán số trường tham gia thi tuyển sinh riêng sẽ tăng lên, nhưng chủ yếu là một số trường tốp trên, những trường ĐH thuộc nhóm ngành đào tạo đặc thù như Y dược, Công an, Quân đội, hoặc nhóm trường, nhóm ngành năng khiếu nghệ thuật và một số trường ĐH có mức độ cạnh tranh cao, có những yêu cầu riêng về chất lượng đầu vào có nhu cầu tự tổ chức kỳ thi. 

Ước tính sẽ có khoảng từ 10 đến 20% học sinh THPT sẽ lựa chọn tham dự các kỳ thi tuyển sinh riêng này. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ được tổ chức an toàn, chặt chẽ, minh bạch gồm 5 đầu điểm là các môn Văn, Toán, Ngoại ngữ, 1 môn tự chọn Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội, do đó, dự đoán là đa phần các cơ sở giáo dục ĐH vẫn có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển vào ĐH, đồng thời kết hợp với các phương thức tuyển sinh đa dạng khác mà các trường sẽ đưa ra trong đề án tuyển sinh của mình.

Đồng thời, do tính đặc thù, các trường có chung lĩnh vực, phân khúc đào tạo, hoặc tương đồng về quy mô, về vị trí địa lý, cũng như các ĐH quốc gia, ĐH vùng sẽ có xu hướng liên kết lại để tổ chức thi tuyển sinh chung. Trên cơ sở đó, các trường nhỏ hơn có thể sử dụng kết quả thi đó để xét tuyển. Cụ thể, một số trường ĐH phía Nam đã thống nhất sẽ sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh để xét tuyển, kết hợp với các phương thức xét tuyển khác.

Do vậy, năm nay sẽ không có quá nhiều trường tổ chức thi, không có nhiều cuộc thi diễn ra trong nhiều đợt nên không thể lặp lại tình trạng tập trung quá đông thí sinh về một điểm, trong một thời gian nên và như vậy không tạo nên áp lực về luyện thi, thi quá nhiều hay tình trạng thí sinh đổ dồn về các khu đô thị lớn.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng! 

Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT: Sẽ sớm có đề thi tham khảo

Kỳ thi tốt nghiệp THPT là rất cần thiết. Đây là kỳ thi cuối cùng để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông theo chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục hiện hành, để sử dụng nhiều mục đích khác nhau như xét công nhận tốt nghiệp, làm căn cứ điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học trong các nhà trường. Nếu kỳ thi được tổ chức nghiêm túc, công bằng, khách quan thì có thể sử dụng vào nhiều mục đích khác nữa, trong đó có cả công tác tuyển sinh ĐH, CĐ.

Ngay khi Thủ tướng đồng ý với phương án thi này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo xây dựng bộ đề thi tham khảo. Trong thời gian sớm nhất, các thí sinh sẽ có bộ đề thi tham khảo phù hợp với mục đích của kỳ thi mới. Trên cơ sở này, các giáo viên, học sinh sẽ có định hướng để làm căn cứ dạy học và ôn tập. 

TS. Trần Khắc Thạc- Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Thủy lợi: Xin hãy cân nhắc thấu tình, đạt lý

Thi THPT quốc gia hay thi tốt nghiệp THPT thì đều phải tổ chức một kỳ thi và mục đích làm gì đối với mỗi kỳ thi là do chúng ta chứ không phải do luật, luật do các nhà quản lý đề xuất.

Còn chọn phương án nào cho tốt thì phải xem xét đến một số yếu tố cơ bản sau trong bối cảnh giáo dục cũng chịu tác động của đại dịch Covid-19. Cụ thể phải trả lời được các câu hỏi: Học sinh, người học được gì sau kỳ thi đó; Sau đó có phải tham gia các kỳ thi khác hay không? Kết quả kỳ thi đó làm gì? Nếu chỉ để có bằng tốt nghiệp THPT không thôi thì có đáng có một kỳ thi không? Nếu để đánh giá chất lượng của hệ thống GDPT không thôi, có cần thiết không? 

Trong bối cảnh Covid -19 như thế này các em học sinh nói chung và học sinh lớp 12 nói riêng đã rất mệt mỏi thì việc tinh gọn, giảm tải kỳ thi là cực kỳ cần thiết.

Do đó, cơ quan quản lý cần làm như thế nào, tổ chức ra sao để cùng đạt mục tiêu cho toàn hệ thống giáo dục và đặc biệt là không gây rối loạn về tâm lý, rối loạn về định hướng cho học sinh, không gây rối loạn về cách thức xét tuyển vào đại học, cao đẳng nghề...

Không gây thêm tốn kém cho xã hội, người dân trong bối cảnh cuộc sống đã đang gặp rất nhiều khó khăn do Covid-19 gây nên. Xin hãy cân nhắc thấu tình, đạt lý vì toàn cục dịch bệnh, giáo dục hiện nay…

Đọc thêm