Lo ngại chủng vi rút Enterovirus 71 tái xuất gây tay - chân - miệng

(PLO) - Thống kê của Sở Y tế Hà Nội cho thấy, bệnh sởi đã xuất hiện tại 30/30 quận, huyện với hơn 500 ca mắc. Còn tại các tỉnh phía Nam, chỉ trong 3 tuần trở lại đây, số trẻ mắc bệnh tay - chân - miệng (TCM) nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh tăng đột biến so với tháng trước và đang có diễn biến phức tạp.
Lo ngại chủng vi rút Enterovirus 71 tái xuất gây  tay - chân - miệng

Theo báo cáo công tác y tế tháng 9/2019 của Bộ Y tế tính từ đầu năm đến giữa tháng 9, cả nước ghi nhận hơn 56 nghìn trường hợp mắc sốt xuất huyết (trong đó 11 trường hợp tử vong). So với cùng kỳ năm 2017, số mắc cả nước giảm 56,3%, số tử vong giảm 20 trường hợp. Đối với bệnh TCM, cả nước ghi nhận 42.722  trường hợp mắc, tại 63 tỉnh, thành phố. 

Riêng tại Hà Nội, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, trong 8 tháng đầu năm, tình hình dịch bệnh tại Hà Nội cơ bản được kiểm soát tốt, chưa ghi nhận các trường hợp dịch bệnh nguy hiểm như cúm A/H7N9, A/H5N1, Mers - CoV, Ebola. Hầu hết các dịch bệnh lưu hành khác đều được kiểm soát và có số mắc giảm hoặc tương đương so với cùng kỳ năm 2017 trừ sởi và TCM.

Cụ thể từ đầu năm 2018 đến hết ngày 16/9, toàn thành phố đã ghi nhận 819 ca mắc sốt xuất huyết, phân bố rải rác tại 239 xã, phường thuộc 29 quận, huyện, thị xã, không có ca tử vong, giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2017. Số ca mắc sởi là 377, không có ca tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30 quận/huyện, 210 xã/phường; đáng chú ý là nhóm bệnh nhân dưới 9 tháng tuổi, chưa đến độ tuổi tiêm phòng sởi có 114 trường hợp, chiếm 30,2%.

TCM ghi nhận 1.540 ca mắc, không có trường hợp tử vong tại 427 xã, phường, số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2017. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân như Đông Anh, Đống Đa, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai. 

Tại TP HCM, theo Trung tâm Y tế dự phòng, những tháng đầu năm 2018, bệnh TCM cũng diễn tiến như các năm trước. Số trường hợp nhập viện nội trú xoay quanh con số 100. Đến tháng 7 và tháng 8, bệnh nhân nhập viện có xu hướng tăng nhẹ theo chu kỳ với trung bình nhập viện hàng tuần là 140 và 190.

Tuy nhiên, trong 2 tuần giữa tháng 9, số ca bệnh TCM nhập viện ở thành phố có hiện tượng gia tăng nhanh. Đồng thời số ca nhập viện từ các tỉnh cũng tăng nhanh chóng so với trước đó. Trong số những ca bệnh nhập viện vào các bệnh viện tuyến cuối của thành phố như Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 có đến gần 60% là các ca bệnh đến từ các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam bộ và một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Tính từ đầu năm đến nay tổng số ca mắc bệnh TCM nhập viện tại TP HCM là 3.195. 

Theo đánh giá của các chuyên gia, tháng 8, tháng 9 hàng năm là thời điểm gia tăng số ca TCM theo mùa. Tuy nhiên, trong mùa dịch bệnh năm nay đã bắt đầu thấy sự xuất hiện trở lại của chủng vi rút Enterovirus 71 – chủng vi rút đã gây vụ dịch TCM lớn trên cả nước những năm 2011. Điều này có thể là nguyên nhân làm số ca bệnh gia tăng nhanh chóng tại các tỉnh, thành, trong cả nước trong đó có TP HCM trong những tuần gần đây.

TCM là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chưa có vắc xin dự phòng, do đó việc phòng bệnh chủ yếu thông qua ý thức giữ gìn vệ sinh như rửa tay thường xuyên, vệ sinh và khử khuẩn vật dụng, đồ chơi của trẻ. Có 80% số ca bệnh ở thể nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà, tuy nhiên cha mẹ và người chăm sóc cần theo dõi sát tình trạng của trẻ, nếu phát hiện các dấu hiệu trở nặng như: giật mình, đi đứng loạng choạng, yếu liệt,... phải đưa trẻ đến các bệnh viện để được điều trị kịp thời./.

Đọc thêm