Lộ trình văn minh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -

Lần đầu tiên, đầu tư cho cải cách hành chính (CCHC) được nêu trong một văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Từ nhận thức “xin – cho”, ban ơn chuyển sang nhận thức “phục vụ” là cả một quá trình thay đổi về lượng dẫn đến biến đổi về chất, có ý nghĩa quan trọng. Dân và doanh nghiệp có trở thành đối tượng phục vụ hay không, không phải chỉ “ngủ yên” trên văn kiện mà phải thành chính sách, đơn giản đến mức tối đa thủ tục hành chính (TTHC).

Năm 2022 đã đi hết quãng đường quý I, tuy nhiên mục tiêu, quan điểm xuyên suốt vẫn là phải tạo ra được bước đột phá trong CCHC, nhất là TTHC liên quan tới người dân và doanh nghiệp để khơi dậy và huy động mọi nguồn lực phát triển đất nước, nâng cao hiệu quả, hiệu lực điều hành của các bộ, ngành, địa phương.

Sau COVID-19, nhiệm vụ cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, xã hội số, hướng tới phát triển bền vững, nhằm thích ứng với xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tăng sức chống chịu của các ngành, lĩnh vực, thành phần kinh tế trở thành nhiệm vụ quan trọng hơn bao giờ hết.

Đây là thời điểm người dân và doanh nghiệp bước vào phục hồi sản xuất kinh doanh, thích ứng linh hoạt, hiệu quả với dịch bệnh, do vậy chính sách phải hướng đến hỗ trợ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần nêu lên phương châm là “đã nói phải làm”, thực chất, không hình thức, lấy sản phẩm, hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả, hiệu lực điều hành của các cơ quan làm thước đo. Bây giờ là lúc không phải đổ lỗi, “trốn chạy” vào “lãnh đạo tập thể” nữa mà phải cá thể hóa trách nhiệm cá nhân lãnh đạo.

Để làm được điều đó, tất nhiên phải đẩy mạnh rà soát, hoàn thiện thể chế về cải CCHC, xác định “điểm nghẽn” để tháo gỡ. Rà soát quy trình, quy định, tiêu chuẩn, tiêu chí về TTHC trong các cấp, các ngành, nội bộ cơ quan, loại bỏ những quy định không cần thiết để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và sự phối hợp giữa các cơ quan.

Chính phủ xác định, phải tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả giải quyết hồ sơ TTHC; nâng cao tinh thần, trách nhiệm và sự thân thiện của đội ngũ công chức làm việc tại Bộ phận Một cửa các cấp khi tiếp xúc, hướng dẫn giải quyết hồ sơ cho người dân, doanh nghiệp; tập trung triển khai số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ TTHC theo quy định.

Đã qua rồi thời kỳ người dân, doanh nghiệp sợ hãi khi đến “cửa quan”, chờ đợi mệt mỏi… Qua rồi thời kỳ, phải đút lót phong bì vào thủ tục hồ sơ mới được “chen ngang” để xử lý. Qua rồi, công chức chính quyền ban ơn, sừng sổ, không biết lễ phép với dân… Công chức có trách nhiệm giải trình, công dân có quyền giám sát mới thúc đẩy guồng máy hiệu lực, hiệu quả.

Văn bản của Chính phủ nêu vấn đề tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp về CCHC; khuyến khích đối thoại với người dân và doanh nghiệp. Đó là lộ trình văn minh.

Đọc thêm