Nên làm gì khi người khác hút thuốc lá tại khu vực cấm?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định, công dân có trách nhiệm và nghĩa vụ yêu cầu người khác không hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm.  
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cụ thể, Điều 7 của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định nguyên tắc phòng, chống tác hại của thuốc lá nêu rõ: Công dân có quyền được sống và làm việc trong môi trường không có khói thuốc lá. Có quyền yêu cầu người hút thuốc lá không hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá.

Bên cạnh đó, công dân có nghĩa vụ vận động, tuyên truyền người khác không sử dụng thuốc lá, cai nghiện thuốc lá. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người có hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá.

Công dân có thể phản ánh hoặc tố cáo cơ quan, người có thẩm quyền không xử lý hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá.

Cũng tại Luật này, Điều 5 quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá nêu rõ: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Trong đó, Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá và có các nhiệm vụ, quyền hạn sau: Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, chính sách, kế hoạch về phòng, chống tác hại của thuốc lá, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thuốc lá;

Chỉ đạo và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, chính sách, kế hoạch về phòng, chống tác hại của thuốc lá; Tổ chức thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá; Tổ chức bồi dưỡng và tăng cường nhân lực tham gia phòng, chống tác hại của thuốc lá;

Tổ chức nghiên cứu, tư vấn, phòng ngừa, chẩn đoán, điều trị nghiện thuốc lá; Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong phòng, chống tác hại của thuốc lá theo thẩm quyền; Hằng năm, tổng hợp, báo cáo Chính phủ về kết quả phòng, chống tác hại của thuốc lá; Hợp tác quốc tế về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Các bộ, cơ quan ngang bộ khác trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chủ động thực hiện nhiệm vụ về phòng, chống tác hại của thuốc lá; phối hợp với Bộ Y tế thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá; chủ trì tổ chức, chỉ đạo và chịu trách nhiệm thực hiện các quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá tại địa phương.

Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương: Đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm, quy định không hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ.

Đưa quy định về việc hạn chế hoặc không hút thuốc lá trong các đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn dân cư vào hương ước. Gương mẫu thực hiện và vận động cơ quan, tổ chức, địa phương thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Luật cũng quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm gồm: Sản xuất, mua bán, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá giả, sản phẩm được thiết kế có hình thức hoặc kiểu dáng như bao, gói hoặc điếu thuốc lá; mua bán, tàng trữ, vận chuyển nguyên liệu thuốc lá, thuốc lá nhập lậu;

Quảng cáo, khuyến mại thuốc lá; tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức. Tài trợ của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá, trừ trường hợp quy định tại Điều 16 của Luật này;

Người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán thuốc lá; Sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua, bán thuốc lá; Bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi; Bán thuốc lá bằng máy bán thuốc lá tự động; hút, bán thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm;

Sử dụng hình ảnh thuốc lá trên báo chí, xuất bản phẩm dành riêng cho trẻ em; Vận động, ép buộc người khác sử dụng thuốc lá.

Đọc thêm