Từ thực trạng này, dự án "Suy nghĩ lại về nhựa" do Liên minh châu Âu (EU) và Bộ hợp tác kinh tế và phát triển Liên bang Đức (BMZ) tài trợ, đã được Cơ quan hợp tác quốc tế Đức (GIZ) GmbH và Cơ quan hợp tác kỹ thuật quốc tế Pháp (Expertise France) triển khai tại 7 quốc gia Đông Á và Đông Nam Á.
Dự án tập trung thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, quản lý chất thải nhằm ngăn chặn tình trạng xả rác thải nhựa ra môi trường biển và củng cố mối quan hệ hợp tác giữa Liên minh châu Âu và các quốc gia trong khu vực.
Trong khuôn khổ của dự án, chiến dịch truyền thông sáng tạo “Quái Nhựa" do CHANGE thực hiện đã được khởi động tại TP.HCM.
Từ thực tế về những rác nhựa trôi nổi trong các dòng sông suối rồi đổ ra biển, nhìn tưởng chừng như vô hại nhưng gây nhiều tác động to lớn, CHANGE đã cho ra đời ý tưởng truyền thông sáng tạo mang tên “Quái Nhựa”. Chỉ do các thói quen dùng và vứt bỏ đồ nhựa, chúng ta đang hàng ngày tạo nên những con “quái nhựa", có khả năng tàn phá cả môi trường đất, nước, tiêu diệt nhiều loài sinh vật, và khiến cho các đại dương ngập tràn rác nhựa.
Mô hình "Quái Nhựa" trưng bày được làm từ hàng chục kg rác nhựa, để hình ảnh hóa lượng rác nhựa mà mỗi người Việt Nam trung bình thải ra trong 01 năm, ước tính 37 kg.
Thông qua hình tượng một loài quái vật đáng sợ và nguy hiểm làm từ rác nhựa, chiến dịch "Quái Nhựa" hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức về tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa và các nguy cơ của nó lên sức khoẻ con người và môi trường, từ đó kêu gọi mọi người giảm thiểu sử dụng đồ nhựa dùng một lần.
Phát biểu khai mạc tại buổi họp báo khởi động chiến dịch, Tham tán Rui Ludovino của Phái đoàn Liên minh châu Âu nói: “Liên minh Châu Âu có lập trường vững chắc về vấn đề quản lý rác thải và nền kinh tế tuần hoàn. Ví dụ, trong chiến lược của EU về nhựa trong nền kinh tế tuần hoàn, EU đã cấm một số sản phẩm nhựa dùng một lần, hợp tác với khối tư nhân, và hỗ trợ các sáng kiến và đầu tư để tất cả các bao bì nhựa ở thị trường EU sẽ được tái sử dụng hoặc tái chế trước năm 2030.
Chúng tôi cam kết hợp tác với các nước ASEAN và các khu vực khác trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn đối với các sản phẩm nhựa, tăng cường sử dụng các sản phẩm nhựa tái chế chất lượng cao vào các chuỗi giá trị, giảm rác thải để giảm thiểu ô nhiễm nhựa.
"Quái Nhựa" có mục tiêu tuyên truyền về các tác động của việc xả rác lên môi trường, cũng như đưa thông tin cho người tiêu dùng về tiêu dùng và sản xuất bền vững các sản phẩm nhựa. Chúng tôi hy vọng rằng phương pháp tiếp cận sáng tạo này sẽ đóng góp vào việc nâng cao nhận thức của người dân Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ, về việc giảm đồ nhựa một lần trong đời sống hàng ngày, và từ đó tăng cường các nỗ lực chung ngăn chặn ô nhiễm rác thải nhựa.”
Trong thời gian tới, mô hình "Quái Nhựa" sẽ được trưng bày tại nhiều Trung tâm Thương mại trên địa bàn TP. HCM nhằm cung cấp thông tin về ô nhiễm rác thải nhựa, giáo dục cộng đồng và lan tỏa thông điệp chiến dịch để kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp cùng hành động bằng nhiều lựa chọn hành động khác nhau tùy thuộc vào lĩnh vực của mình.
Hiện trạng ô nhiễm nhựa tại Việt Nam
Phần lớn rác nhựa thải ra đại dương trên thế giới đến từ các quốc gia ở Nam Á và Đông Nam Á do hệ thống quản lý chất thải tổng hợp chưa phát triển, kém hiệu quả. Việt Nam là một trong bốn quốc gia có lượng rác nhựa thải ra biển nhiều nhất trên thế giới, với 6% tổng lượng rác nhựa thải ra biển (UNEP, 2018). Các chuyên gia đã chỉ ra rằng một trong những cách chống ô nhiễm nhựa hiệu quả nhất chính là giảm thiểu nhu cầu sử dụng nhựa dùng một lần. Tuy nhiên, đồ nhựa sử dụng một lần như túi, chai lọ, ống hút,... đã trở nên quá nhiều và luôn được cung cấp miễn phí khiến việc chấp nhận đồ nhựa trở thành một thói quen đối với người Việt. Một số người lựa chọn sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường như túi sử dụng nhiều lần hoặc túi làm từ vật liệu tái chế. Tuy nhiên, những sản phẩm thân thiện với môi trường này không được truyền thông coi là một phong cách sống hợp thời. Người tiêu dùng không nghĩ rằng một mình hành động của họ có thể thay đổi xã hội, và mọi người sẽ cảm thấy việc mang theo các sản phẩm tái sử dụng là một gánh nặng. Cuối cùng, người tiêu dùng lại quay lại lấy túi hoặc hộp đựng dùng một lần.