Bầu không khí lo ngại bao trùm các doanh nghiệp đang làm ăn tại Iran. Trong những ngày tiếp theo, các tập đoàn xe hơi như Daimler, Wolkswagen (Đức), PSA (Pháp), các công ty dầu khí Total (Pháp), ENI (Ý)… lần lượt tuyên bố ngừng hoạt động hoặc rút khỏi Iran.
Tại sao các công ty nói trên, tuy không phải là các doanh nghiệp Mỹ và không có quan hệ kinh tế trực tiếp với các doanh nghiệp Mỹ trên lãnh thổ Iran, lại phải lùi bước trước sự đe dọa của chính quyền Trump? Đó là vì luật pháp của Mỹ áp dụng nguyên tắc “ngoài lãnh thổ” để buộc các nước khác phải tuân thủ luật pháp của nước Mỹ, phục vụ các lợi ích của nước Mỹ.
Đạo luật chống hối lộ quan chức nước ngoài
Chuyên gia Ali Laidi, thuộc Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS), cho biết, thực ra ban đầu, chính quyền Mỹ chỉ muốn ngăn chặn tệ nạn các công ty Hoa Kỳ, thông qua các hành vi hối lộ, gây khó khăn cho việc thực hiện chính sách ngoại giao. Điểm khởi đầu là vụ bê bối Bananagate.
Năm 1975, Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) phát hiện ra vụ Công ty United Brands, chuyên xuất khẩu chuối và nông sản, đã hối lộ tổng thống Honduras Oswaldo López Arellano, để tránh chịu mức thuế cao đối với chuối xuất khẩu. Do vậy, năm 1977, Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật chống hối lộ các quan chức nhà nước nước ngoài (Foreign Corrupt Practices Act - FCPA).
Thế nhưng, việc áp dụng đạo luật này có nguy cơ tạo ra tình trạng cạnh trạnh không bình đẳng. Chuyên gia Ali Laidi cho biết: “Thậm chí trước khi FCPA được thông qua, ngay từ năm1976, Hoa Kỳ đã hiểu ra rằng việc áp dụng FCPA có vấn đề. Các doanh nghiệp Mỹ đã báo động với chính quyền Washington về nguy cơ cạnh tranh không bình đẳng.
Bởi vì đạo luật FCPA chỉ áp dụng cho các công ty Mỹ, trong lúc các đối thủ cạnh tranh nước ngoài vẫn có thể tiếp tục hối lộ các quan chức Nhà nước nước ngoài và qua đó giành được thị trường. Do vậy, Hoa Kỳ tìm mọi cách “xuất khẩu” FCPA, sao cho tất cả các nước trên thế giới chấp nhận đạo luật này.
Để làm việc này, trước tiên, Mỹ tìm cách thông qua Liên Hiệp quốc, nhưng không thành. Không chỉ có các nước nghèo, đang phát triển, chống lại; mà các nước phương Tây, ngay từ năm 1977, đã nhận thấy thông qua FCPA, Mỹ sẽ can thiệp vào hoạt động kinh tế của các nước. Chính quyền Mỹ cũng tìm cách thông qua Phòng Thương mại Quốc tế, để đề ra quy tắc ứng xử tốt hay quy tắc đạo đức trong kinh doanh… nhưng các doanh nghiệp Mỹ cho rằng chưa đủ.
Trong suốt hai thập niên, Hoa Kỳ không ngừng tiến hành vận động, gây sức ép và đến năm 1997, họ đã thành công: Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD thông qua Công ước chống hối lộ. Công ước chống lộ của OECD có nhiều điểm giống với FCPA”.
Chiểu theo nguyên tắc “ngoài lãnh thổ”, mọi doanh nghiệp trên thế giới, bất luận là của Mỹ hay ngoại quốc, nếu có các hành vi hối lộ các quan chức Nhà nước ngoại quốc, thì đều có thể bị truy tố. Các hành vi nói trên phải có điều kiện dính dáng đến “yếu tố Hoa Kỳ”, ví dụ sử dụng đồng đô la Mỹ, thông qua ngân hàng Mỹ, thậm chí trao đổi thư điện tử có nội dung hối lộ qua một máy chủ đặt tại Hoa Kỳ…
Điểm đáng chú ý là việc tiến hành truy tố là do Bộ Tư pháp Mỹ chứ không phải các định chế tư pháp Hoa Kỳ. Từ 20 năm qua, tất cả các vụ hối lộ, tham nhũng quan chức Nhà nước nước ngoài không phải là đối tượng đem ra xét xử tại một tòa án Hoa Kỳ.
Cội nguồn từ “phán quyết Hoa Sen”
Theo chuyên gia Ali Laidi, ban đầu, Hoa Kỳ cũng không ý thức được “tiềm năng” của các quy định này có thể sử dụng như là một “vũ khí” thương mại. Thế nhưng, sau loạt khủng bố tại Mỹ năm 2001, chính quyền Washington mới nhận ra rằng đấu tranh chống tham nhũng, hối lộ là chống tội phạm, đặc biệt là khủng bố.
Do các đối tác phản ứng chậm chạp trong bối cảnh cấp bách chống khủng bố, cụ thể là ngăn chặn các nguồn tài chính của các tổ chức tội phạm và khủng bố, Hoa Kỳ bắt đầu “ra tay”, nhắm vào một số doanh nghiệp nước ngoài để chứng tỏ là họ không coi nhẹ vấn đề này.
Société générale gần 2 tỷ đô la, BNP Paribas gần 9 tỷ… Đó là những khoản tiền mà các doanh nghiệp Pháp bị chính quyền Mỹ phạt. Tại sao Mỹ lại có quyền phạt những khoản tiền khổng lồ như vậy? Phải chăng là cường quốc số một thế giới, có thị trường rộng lớn và hệ thống ngân hàng tài chính hùng mạnh, đồng đô la chi phối thương mại, tài chính thế giới, Hoa Kỳ có thể “bắt chẹt” các nước khác?
Thế nhưng, theo giới chuyên gia, Mỹ cũng như mọi quốc gia trên thế giới, có toàn quyền thông qua luật về “ngoài lãnh thổ” để xét xử các vụ ở nước ngoài. Khái niệm cũng như thẩm quyền “ngoài lãnh thổ” có cội nguồn từ một án lệ, còn gọi là “phán quyết Hoa Sen” của Tòa án Thường trực Công lý Quốc tế (của Hội Quốc liên) tiền thân của Tòa án Công lý Quốc tế (của Liên Hiệp quốc).
Ngày 2/8/1926, một tàu của Pháp tên là Hoa Sen (Lotus) trên đường tới Canstantinople (Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ), đã va chạm vào tàu chở than Boz-Kourt của Thổ Nhĩ Kỳ, ở vùng biển quốc tế Địa Trung Hải. Tàu chở than bị vỡ và chìm, 8 thủ thủy thiệt mạng. Tàu Pháp cứu được 10 thủy thủ và tiếp tục hành trình tới Constantinople.
Frédéric Pierucci, một lãnh đạo thuộc tập đoàn Alstom châu Âu đã bị Mỹ cáo buộc vi phạm và bắt hai lần |
Sau đó thuyền trưởng tàu Pháp bị bắt. Tòa án Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố có thẩm quyết xét xử và kết án viên thuyền trưởng Pháp vì các nạn nhân là người Thổ Nhĩ Kỳ. Phía Pháp phản đối với lý do viên thuyền trưởng là người Pháp và tàu mang cờ Pháp. Thổ Nhĩ Kỳ không có thẩm quyền khách quan hình sự để xử những hành động xảy ra ở hải phận quốc tế vì thẩm quyền này dựa trên yếu tố lãnh thổ.
Vụ việc được đưa ra trước Tòa án Thường trực Hình sự Quốc tế. Các thẩm phán của tòa cho rằng mọi quốc gia đều có quyền thông qua các đạo luật cho phép xét xử các vụ việc ở bên ngoài lãnh thổ, với điều kiện những đạo luật này không trái ngược với các đạo luật của những nước khác.
Các nước có thái độ ra sao?
Sau khi “trang bị” thẩm quyền xét xử các vụ việc bên ngoài lãnh thổ quốc gia, Hoa Kỳ có hai “vũ khí” quan trọng để tấn công các doanh nghiệp ngoại quốc. Đó là đạo luật Helms-Burton, 1996, tăng cường cấm vận với Cuba và đạo luật Amato-Kennedy, cũng trong năm 1996, cấm vận kinh tế các Nhà nước “bất hảo” ủng hộ khủng bố quốc tế và trừng phạt các đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tại Iran và Libya.
Câu hỏi đặt ra là các nước khác, đặc biệt là châu Âu, có thái độ ra sao? Theo chuyên gia Ali Laidi, đó là những phản ứng yếu ớt. Thậm chí châu Âu đã mắc sai lầm nghiêm trọng, khi “không đi tới cùng” để kiện Hoa Kỳ hồi giữa những năm 1990.
“Các nước trên thế giới, các tổ chức khu vực phản đối, nhưng tất cả chỉ dừng lại ở mức hơi bực tức, chứ không có lập trường mạnh mẽ. Thực ra, châu Âu cũng đã có một lần thể hiện lập trường cứng rắn nhưng lại không đi tới cùng, đó là đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới WTO (1996) chống lại các hậu quả của đạo luật Helms-Burton.
Vào lúc đó Mỹ rất lo ngại vì WTO vừa mới được thành lập (1995), thay thế cho Hiệp ước chung về Thuế quan và Mậu dịch (General Agreement on Tariffs and Trade GATT). Chính Hoa Kỳ đã hỗ trợ, thúc đẩy việc thành lập WTO, do vậy không thể là quốc gia đầu tiên bị kết án tại tổ chức này. Thế rồi, Liên hiệp châu Âu đạt được một thỏa hiệp với Mỹ và như vậy đã bỏ lỡ cơ hội giải quyết dứt điểm vấn đề ngoài lãnh thổ.
Nội dung thỏa hiệp rất nhẹ nhàng, theo đó, tổng thống Bill Clinton cam kết không áp dụng đạo luật Helms-Burton, cam kết gặp các dân biểu để khuyến khích họ không áp dụng đạo luật này với châu Âu. Có nghĩa là châu Âu đã không phản bác đạo luật của Mỹ và chấp nhận rút đơn kiện Mỹ”.
Theo chuyên gia Ali Laidi, các doanh nghiệp nước ngoài thường nộp phạt bởi vì nếu bị cấm vào thị trường Mỹ, cấm giao dịch với các ngân hàng Mỹ, cấm dùng đô la Mỹ… thì các doanh nghiệp này khó có thể tồn tại. Bên cạnh đó, còn có một yếu tố khác: Chính quyền Mỹ có thể bắt giam các lãnh đạo những công ty bị cáo buộc vi phạm luật lệ Hoa Kỳ:
“Có một yếu tố tác động khác xuất hiện trong vài năm gần đây. Những doanh nghiệp bị cáo buộc đều thể hiện sự sợ hãi, như Frédéric Pierucci, một lãnh đạo thuộc tập đoàn Alstom. Ông đã bị bắt hai lần, mỗi lần 12 tháng giam giữ trong nhà tù Mỹ trong các điều kiện rất khắc nghiệt. Ông đã kể lại mọi việc trong cuốn “Cái bẫy Hoa Kỳ”. Do vậy, họ lựa chọn giải pháp nhượng bộ, chấp nhận cung cấp thông tin cho chính quyền Mỹ cho dù hành động này vi phạm luật pháp nước khác”.