“Loạn hoa quả nhập khẩu”: Cục Quản lý thị trường nói gì?

(PLO) - Trước thực trạng hoa quả nhập khẩu đang tràn lan trên thị trường, PLVN đã có cuộc trao đổi với Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Nguyễn Trọng Tín về vấn đề này.
Hoa quả nhập khẩu vẫn là “ma trận” đối với người tiêu dùng. Ảnh MH

Hiện hoa quả nhập khẩu đang ngập tràn ở thị trường trong nước, xuất hiện trên cả các gánh hàng rong. Ông có thể cho biết lực lượng quản lý thị trường đã có những biện pháp gì để quản lý?

- Trước thực trạng thực phẩm nhập khẩu ngày càng tăng, để kiểm soát tốt tình hình, ngày 26/2/2016, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch số 1630/KH-BCT về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2016, trong đó yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, giám sát, đôn đốc lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm đối với các lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm tác động lớn đến kinh tế - xã hội, đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng.

Ngoài ra, Cục Quản lý thị trường yêu cầu Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm nhập khẩu, trong đó có sản phẩm hoa quả; tập trung kiểm tra về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng; đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương và cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền các quy định của pháp luật về kinh doanh các mặt hàng này cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn; tăng cường vận động người kinh doanh niêm yết giá và bán theo giá niêm yết.

Đối với các trường hợp vi phạm sẽ công bố công khai các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng biết, giám sát, góp phần cùng với các cơ quan chức năng phòng, chống các hành vi vi phạm trong kinh doanh.

Ngoài ra, trong trường hợp cần thiết, người tiêu dùng khi đến với các cửa hàng bán hoa quả nhập khẩu cần yêu cầu cửa hàng xuất trình một số giấy tờ như sau: Giấy chứng nhận kiểm dịch của lô hàng; Tờ khai Hải quan và Giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ do nước xuất khẩu cấp... Khi nghi ngờ các cơ sở kinh doanh hoa quả nhập khẩu có hành vi lừa dối khách hàng, người dân nên báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời kiểm tra, xác minh, xử lý.

Ông có thể cho biết về số lượng hoa quả “đội lốt” hoa quả nhập ngoại đã bị phát hiện trong năm 2015? Những biện pháp đối với các doanh nghiệp, chủ cửa hàng?

- Trong năm 2015, theo báo cáo của lực lượng thị trường của các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý và tiến hành thu giữ và bán phát mại trên 79 tấn hoa quả nhập lậu các loại; trong 3 tháng đầu năm 2016 thu giữ và bán phát mại gần 11 tấn hoa quả nhập lậu các loại.

Đối với hành vi buôn bán hàng nhập lậu, hàng hóa có nhãn ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc, lực lượng quản lý thị trường xử lý theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Nghị định 124/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong trường hợp có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Giá cả thị trường hoa quả nhập ngoại đang như một “ma trận” với người tiêu dùng. Cục Quản lý thị trường có cách nào kiểm soát “ma trận” này?

- Trên thị trường mặt hàng hoa quả nhập khẩu hiện nay tùy thuộc vào chủng loại, mẫu mã, chất lượng trái cây, danh tiếng của các công ty trồng mà trái cây có chất lượng cao sẽ khác nhau về giá rất nhiều so với trái cây có chất lượng trung bình. Ngay tại thị trường các nước xuất khẩu trái cây tươi có tiếng trên thế giới như Mỹ, Úc, New Zealand, giá cả các loại trái cây cũng có những chênh lệch gấp nhiều lần về giá.

Hiện người tiêu dùng Việt Nam nhìn nhận sản phẩm trái cây tươi tương đối đơn giản; ví dụ như nho, người tiêu dùng thì thường chỉ phân biệt qua tiêu chí màu sắc, nho đỏ, nho xanh, nho đen hoặc nho có hạt, không hạt nhưng trên thực tế, riêng nho đen không hạt cũng có từ 3-5 chủng, rồi mỗi chủng loại cũng có sự khác nhau về chất lượng do các công ty khác nhau canh tác hoặc ngay tại chính công ty canh tác đó cũng có nhiều loại khác nhau.

Ở Việt Nam, Bộ Tài chính là cơ quan được Chính phủ giao quản lý nhà nước về giá. Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về giá quy định tại các Điều 5, 8, 10, 12, 13, 14, 16, 17 Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn. Nếu có nghi ngờ gian lận về giá của hoa quả nhập khẩu, quản lý thị trường sẽ phản ánh và phối hợp với cơ quan có thẩm quyền để xem xét và xử lý.

Xin cảm ơn ông!

Đọc thêm