Loãng xương: “Căn bệnh thầm lặng” ở người cao tuổi

(PLO) - Loãng xương là một bệnh đứng thứ hai sau bệnh tim mạch ở người cao tuổi. Ngoài việc ảnh hưởng đến chất lượng sống, bệnh cũng đe dọa đến tính mạng của người bệnh.


Loãng xương: “Căn bệnh thầm lặng” ở người cao tuổi
Loãng xương là bệnh khá phổ biến hiện nay và đang trở thành vấn đề cần được quan tâm trong công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Để giúp độc giả có thể hiểu rõ hơn về căn bệnh này, PV PLVN  đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Vũ Thị Thanh Thủy - Chủ tịch Hội loãng xương Hà Nội.
Bệnh loãng xương luôn là căn bệnh được mọi người, đặc biệt là người cao tuổi quan tâm. Xin PGS.TS cho biết dấu hiệu và nguyên nhân gây bệnh?
Loãng xương là tình trạng mật độ khoáng của xương bị giảm, xương bị mỏng đi, làm chất lượng xương cũng giảm và xương trở nên dễ gãy, làm suy yếu sức mạnh của toàn khung xương, ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống của số đông người có tuổi, đặc biệt là phụ nữ. Người bệnh thấy đau mỏi mơ hồ ở cột sống, dọc các xương dài như xương cẳng chân, đau mỏi cơ bắp, hay bị chuột rút (vọp bẻ) các cơ... Đau cột sống, lan theo khoanh liên sườn, đau khi ngồi lâu, khi thay đổi tư thế, đầy bụng chậm tiêu, nặng ngực khó thở,  gù lưng, giảm chiều cao.
Nguyên nhân gây bệnh có thể do chế độ dinh dưỡng hàng ngày không cấp đủ chất canxi; do mắc một số bệnh về tuyến thượng thận, cường giáp trạng, suy thận, bệnh yếu liệt chi, chấn thương, phụ nữ mãn kinh sự mất xương tăng lên do nồng độ estrogen giảm nhanh, hoặc bệnh mạn tính phải nằm dài ngày, hoặc do lạm dụng thuốc corticoides trong một thời gian dài...
Còn một lý do nữa là người cao tuổi thường ít ra ngoài tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nên việc hấp thụ canxi kém, từ đó dẫn đến tình trạng thiếu canxi - đó cũng là nguyên nhân khiến người cao tuổi thường mắc bệnh loãng xương nhiều hơn giới trẻ.
Để phát hiện bệnh loãng xương, phải làm thế nào thưa PGS.TS?
Người cao tuổi nên đi khám bệnh về xương khớp ở các cơ sở y tế có đủ điều kiện để được làm các xét nghiệm về cận lâm sàng đánh giá mật độ của xương và tình trạng của xương. Phương pháp đo mật độ xương bằng phương pháp hấp thụ tia X năng lượng kép (DXA) tại vị trí cổ xương đùi và cột sống đã được tổ chức thế giới coi là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán loãng xương.
Xin PGS.TS tư vấn thêm về cách phòng và điều trị bệnh loãng xương?
Việc giữ gìn bộ xương chắc khỏe cũng là một vấn đề cần được quan tâm vì xương là một bộ phận rất quan trọng của cơ thể. Việc phòng ngừa nguy cơ loãng xương không bao giờ là muộn ở bất cứ lứa tuổi nào.
Vitamin D có vai trò quan trọng để bảo vệ xương. Nó giúp hấp thụ canxi để giúp cho xương chắc khỏe và ngăn ngừa nguy cơ loãng xương. Vì thế bạn nên bổ sung vitamin D bằng đường uống hoặc tắm nắng. Những người sử dụng kem chống nắng để phòng nguy cơ ung thư da sẽ làm mất khả năng tạo vitamin D. Vì thế cần phải bổ sung vitamin D bằng thức ăn hoặc thuốc uống.

Từ  50 tuổi trở xuống liều dùng 400-800 IU/ngày. Từ 50 tuổi trở lên: 800-1000 IU/ ngày

Ngoài ra cần phải có chế độ dinh dưỡng, tập luyện thế nào để tăng cường canxi?
Bạn cần có một chế độ dinh dưỡng cân bằng và đầy đủ canxi. Tốt nhất là ăn uống đủ chất, nhất là các loại thức ăn giàu canxi, protein, vitamin D như: tôm, cua, ốc, uống sữa và các chế phẩm của sữa có chứa nhiều thành phần canxi, sinh tố D. Nên ăn thêm trái cây, rau, giá đỗ (chứa nhiều estrogen) vì chúng có khả năng làm thay đổi sự chuyển hóa của xương, giảm tốc độ mất xương và làm tăng khoáng chất cho xương.
Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên và hợp lý. Tùy theo từng độ tuổi và sức khỏe, cần bác sỹ tư vấn những động tác cho phù hợp. Ví dụ ở độ tuổi 50 trở lên, không nên đi bộ quá 30 phút mỗi ngày mà cần tập các môn khác như bơi, aerobic, thái cực quyền…

Những người đã bị loãng xương không nên làm các động tác mạnh, gấp gáp và tránh ngã, vấp.

Xin cảm ơn PGS.TS Vũ Thị Thanh Thủy!

Đọc thêm