Thanh tra Nhà nước tỉnh Vĩnh Long vừa kiến nghị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm hàng loạt lãnh đạo và cán bộ đầu ngành huyện Long Hồ do có nhiều sai phạm trong quản lý và cho thuê đất bãi bồi trên địa bàn huyện gây xôn xao dư luận trong một thời gian dài, làm thất thu hàng tỉ đồng của Nhà nước.
Khu đất bãi bồi được đề cập trong bài viết. |
Thu hồi đất cho "quan chức" thuê
Sau gần 2 thập kỷ bồi lắng, đoạn cù lao Minh tiếp giáp sông Tiền (ấp Phú Thuận 2, xã Đồng Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) hình thành một cù lao với diện tích trên 320ha. Năm 2003, Nhà nước có quyết định thu hồi đất cồn, hàng ngàn cây bần của người dân đang trồng phải đốn bỏ với mức bồi thường 5.000-10.000 đồng/cây.
Đến khi cán bộ địa chính tiến hành đo đạc thì mọi người mới biết là khu bãi bồi này được quy hoạch thành khu nuôi cá chứ không phải được giao cho ngành chế biến thủy sản của tỉnh quản lý khai thác. Bất ngờ hơn, hầu hết những người được nhận đất sản xuất (nuôi cá) trong khu đất cồn này đều là quan chức của huyện Long Hồ và lãnh đạo xã Đồng Phú.
Trong danh sách cho thuê đất bãi bồi có tổng cộng 25 người được thuê đất cù lao, trong đó có 18 người là lãnh đạo và cán bộ đầu ngành của huyện Long Hồ. Những người không là cán bộ (vào thời điểm năm 2006) có hiện tượng là người thân cán bộ như bà Trần Thị Phụng (vợ ông Huỳnh Anh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Long Hồ, thuê diện tích 11.397m2, thửa 605).
Các vị lãnh đạo được thuê đất bãi bồi này gồm có Phó Bí thư Huyện ủy Long Hồ Nguyễn Văn Trí (5.698m2), Phó Chủ tịch UBND huyện Bùi Minh Quận (5.698m2)...
Sau những quan chức này, phần đất còn lại đều rơi vào tay các trưởng ngành của huyện như ông Cao Văn Tám - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy, Đỗ Thanh Hồng - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy, Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy...
Bất ngờ hơn nữa, trong số 25 người được thuê đất thì chỉ có vài người trực tiếp nuôi cá, còn phần lớn đều cho người khác thuê lại với giá cao gấp nhiều lần.
Sai phạm kéo dài
Theo Thanh tra Nhà nước tỉnh Vĩnh Long, kiểm tra hồ sơ đấu giá quyền sử dụng đất khu đất bãi bồi tại ấp Phú Thuận 2, xã Đồng Phú huyện Long Hồ, trong quá trình quản lý khu đất và tổ chức đấu giá, có một số nội dung chưa được minh bạch, cụ thể là: Năm 2004, cho 18 hộ thuê đất nhưng không trực tiếp khai thác sử dụng mà các cá nhân này cho ông Hồ Ngọc Phước (thời điểm này là Chủ tịch UBND xã Đồng Phú) thuê lại.
Năm 2006, UBND huyện ra các Quyết định thu hồi lại, nhưng không xử lý dứt điểm việc cho thuê và cho thuê lại theo pháp luật dân sự mà mặc nhiên để cá nhân thuê lại trực tiếp khai thác sử dụng liên tục cho đến ngày đấu giá, trong khi cá nhân này không có hợp đồng thuê, không làm nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.
Nếu tính tiền thuê đất theo khung giá nhà nước từ ngày thu hồi đất năm 2006 đến ngày đấu giá thì đã thiệt hại cho ngân sách số tiền 84.234.754 đồng.
Tổ chức thực hiện đấu giá chậm so với chủ trương của UBND tỉnh Vĩnh Long, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đấu giá tại Công văn số 2933/ UBND ngày 14/12/2006, nhưng đến năm 2009 huyện Long Hồ lại có Tờ trình số 88/TTr-UBND ngày 11/11/2009 gửi UBND tỉnh chủ trương giao đất có thu tiền sử dụng đất cho ông Hồ Ngọc Phước, UBND tỉnh Vĩnh Long có Công văn số 3371/ UBND-KTN ngày 1/12/2009 khẳng định chủ trương đấu giá và yêu cầu Chủ tịch UBND huyện tổ chức thực hiện đấu giá.
Tài sản, vật kiến trúc gắn liền với phần đất đấu giá là của cá nhân nhưng huyện Long Hồ đưa ra đấu giá trong khi không có yêu cầu hoặc ủy quyền của cá nhân theo qui định tại Khoản G Điều 26 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 4/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản. Việc này đã dẫn đến nhiều hệ quả mà các cơ quan Nhà nước phải cân nhắc xử lý, như phải xin chủ trương HĐND huyện trong việc phân bổ giá trị trúng đấu giá, chi trả phần lãi chậm trả cho ông Phước, giải quyết đơn thư khiếu nại của ông Phước...
Giá sàn để đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất đã được cơ quan thẩm quyền phê duyệt là 150.000đ/m2, tại Văn bản số 2339/UBND-KTTH ngày 4/8/2010 của UBND tỉnh, nhưng UBND huyện Long Hồ lại trình HĐND huyện để ra Nghị quyết số 86/2010/NQ-HĐND ngày 29/12/2010 phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất và chi phí đầu tư vào đất, trong đó phân ra giá trị đất và giá trị đầu tư vào đất để phân bổ chi trả lại cho nhà đầu tư 5.298.614.000 đồng là chưa phù hợp.
Vì trong 5.298.614.000 đồng ngoài chi phí đầu tư trực tiếp còn có cả giá trị vật kiến trúc trên mặt đất là của cá nhân, nhưng huyện lại đưa vào đấu giá, và lợi tức đạt được của 6 năm còn lại nếu được tiếp tục sản xuất là 1.665.982.000 đồng.
Thực tế, cá nhân ông Hồ Ngọc Phước là người trực tiếp sản xuất thì khoản lợi nhuận này đã được hạch toán vào chi phí sản xuất và ông Phước đã được hưởng lợi nhuận. Nếu như Nhà nước thu hồi từ năm 2006 và ông Phước chấm dứt sản xuất từ đó, thì khoản chi bồi hoàn này là đúng và ngược lại. Vì vậy việc chi trả cho ông Phước 1.665.982.000 đồng lợi tức đạt được của 6 năm còn lại là không đúng.
Việc chi trả thêm cho ông Hồ Ngọc Phước số tiền 56.518.000 đồng (gọi là lãi suất chậm nộp, chậm trả), qua kiểm tra hồ sơ thì không có một văn bản nào mang tính chủ trương pháp lý của cấp có thẩm quyền cho khoản chi này và theo giải trình của UBND huyện rằng “theo quan điểm của huyện” là không đúng pháp luật.
Mặc khác, giấy rút tiền mặt ngày 19/12/2011 thể hiện đơn vị lĩnh tiền là Phòng Tài chính - Kế hoạch nhưng người lĩnh tiền là ông Hồ Ngọc Phước, trong khi ông Phước không phải là công chức của Phòng Tài chính - Kế hoạch...
Ngọc Long