Loạt chính sách về kinh tế có hiệu lực từ tháng 10

Tháng 10/2017, một số chính sách liên quan đến các lĩnh vực của ngành Công Thương chính thức có hiệu lực.
Loạt chính sách về kinh tế có hiệu lực từ tháng 10

Nghị định về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại

Ngày 10/8, Chính phủ ban hành Nghị định số 94/2017/NĐ-CP về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại.

Danh mục ban hành kèm theo Nghị định quy định 20 hàng hóa, dịch vụ kèm theo một hoặc một số công đoạn của hoạt động thương mại tương ứng. Nghị định không quy định về ngành, nghề thực hiện độc quyền nhà nước.

Việc thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại đối với các hàng hóa, dịch vụ này đã được quy định trong hệ thống pháp luật hiện hành.

Địa bàn độc quyền nhà nước là toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.

Nghị định có hiệu lực vào ngày 1/10.

Hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp

Ngày 31/8/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ký ban hành Thông tư số 15/2017/TT-BCT quy định, hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp.

Thông tư áp dụng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp; các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác liên quan đến quản lý, hoạt động của cụm công nghiệp.

Các mẫu văn bản, quy chế quản lý về cụm công nghiệp tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này để các địa phương căn cứ áp dụng cho phù hợp thực tế.

Cục Công Thương địa phương là cơ quan đầu mối giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương quản lý nhà nước về cụm công nghiệp trên phạm vi cả nước quy định tại Điều 35 Nghị định số 68/2017/NĐ-CP; có trách nhiệm hướng dẫn, xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Thông tư này.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 16 tháng 10 năm 2017.

Quy định về phát triển dự án và Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời

Ngày 12/9, Bộ trưởng Bộ Công Thương ký ban hành Thông tư số 16/2017/TT-BCT quy định về phát triển dự án và Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời.

Thông tư gồm 5 Chương, 22 Điều, quy định cụ thể về: (i) quy hoạch và phát triển dự án điện mặt trời; (ii) giá bán điện của các dự án điện mặt trời nối lưới và dự án điện mặt trời mái nhà; (iii) hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời (nối lưới và mái nhà); (iv) trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Các Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư gồm: (i) Nội dung đề án Quy hoạch phát triển điện mặt trời cấp tỉnh; (ii) Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dung cho các dự án điện mặt trời nối lưới; (iii) Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời mái nhà.

Việc ban hành Thông tư giúp minh bạch hóa thủ tục đầu tư phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, thúc đẩy đầu tư phát triển nguồn điện mặt trời, bổ sung công suất cho hệ thống điện.

Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 26/10.

3 trường hợp công ty kinh doanh chứng khoán bị đặt vào tình trạng cảnh báo

Theo Thông tư 87/2017/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 10/10/2017, công ty kinh doanh chứng khoán bị đặt vào tình trạng cảnh báo khi rơi vào 1 trong 3 trường hợp dưới đây:

- Tỷ lệ vốn khả dụng từ 150% đến dưới 180% trong tất cả các kỳ báo cáo trong 3 tháng liên tục;

- Tỷ lệ vốn khả dụng đã được soát xét hoặc được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận từ 150% đến dưới 180%;

- Báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính mà tổ chức kiểm toán được chấp thuận đưa ra ý kiến không chấp thuận (hoặc ý kiến trái ngược), từ chối đưa ra ý kiến (hoặc không thể đưa ra ý kiến), ý kiến ngoại trừ một số chỉ tiêu của báo cáo này mà nếu trừ các ảnh hưởng ngoại trừ ra khỏi vốn khả dụng sẽ dẫn tới tỷ lệ vốn khả dụng từ 150% đến dưới 180%.

Theo đó, tổ chức kinh doanh chứng khoán được đưa ra khỏi tình trạng cảnh báo khi tỷ lệ vốn khả dụng đạt từ 180% trở lên trong 3 tháng liên tục, trong đó tỷ lệ vốn khả dụng tại kỳ báo cáo cuối cùng phải được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận.

Quy định về ngoại tệ trong trò chơi điện tử có thưởng

Theo Thông tư 11/2017/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 15/10/2017, doanh nghiệp tổ chức kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài được phép mua ngoại tệ để phục vụ hoạt động kinh doanh này theo phạm vi thu, chi ngoại tệ và các hoạt động ngoại hối khác trên cơ sở xuất trình chứng từ, giấy tờ đảm bảo giao dịch hợp pháp, hợp lệ.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã có Thông tư 10/2017/TT-NHNN (hiệu lực từ ngày 15/10/2017) cũng đã hướng dẫn cụ thể việc nhận tiền thưởng bằng ngoại tệ đối với người chơi casino cả trong trường hợp nhận ngoại tệ bằng tiền mặt và bằng chuyển khoản. Tuy nhiên, Thông tư 10/2017/TT-NHNN chỉ áp dụng cho người chơi là người nước ngoài.

Thủ tục mới cấp giấy phép sử dụng lao động cho người nước ngoài qua mạng

Thông tư 23/2017/TT-LĐTBXH có hiệu lực từ 2/10 của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội quy định hướng dẫn thực hiện thủ tục cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam qua mạng điện tử như sau:

Người sử dụng lao động khai thông tin vào tờ khai và nộp hồ sơ đề nghị cấp đến cơ quan cấp giấy phép lao động qua cổng thông tin điện tử trước ít nhất 7 ngày làm việc kể từ ngày người lao động nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tờ khai và hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động, cơ quan cấp giấy phải trả lời kết quả qua thư điện tử cho người sử dụng lao động, nếu hồ sơ chưa phù hợp thì đề nghị bổ sung.

Sau khi nhận được trả lời hồ sơ phù hợp, người sử dụng lao động nộp bản gốc hồ sơ đề nghị cấp giấy phép đến cơ quan cấp để kiểm tra, đối chiếu và lưu theo quy định.Cơ quan cấp phải trả kết quả cho người sử dụng lao động trong thời hạn không quá 8 giờ làm việc kể từ khi nhận được bản gốc hồ sơ đề nghị cấp.

Đọc thêm