Lọc hóa dầu Bình Sơn và hành trình chinh phục ngọn lửa thành công

(PLO) - Chủ tịch HĐTV, Cty TNHH MTV hóa dầu Bình Sơn (BSR), ông Nguyễn Hoài Giang đã ví BSR như một ngôi nhà và ngôi nhà ấy năm nay đang có nhiều việc quan trọng phải làm.

Ở BSR, con người là vốn quý nhất, bởi chính họ là những người chính phục ngọn lửa thành công
Ở BSR, con người là vốn quý nhất, bởi chính họ là những người chính phục ngọn lửa thành công

“Mặc dù đạt được nhiều thành tựu trong sản xuất kinh doanh nhưng chặng đường phía trước của BSR vẫn còn nhiều gian nan, thử thách. Hôm nay chúng ta dành toàn bộ tâm trí vào tương lai sắp tới để chinh phục ngọn lửa thành công” - Chủ tịch HĐTV BSR “thắp lửa” tại lễ phát động phong trào thi đua “52 ngày đêm hoàn thành bảo dưỡng tổng thể lần thứ 3 Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất”.

Chạy đua với thời gian

Chúng tôi trở lại BSR vào những ngày cuối tháng 5. Không khí làm việc ở đây dường như hối hả hơn khi ngay cổng vào nhà máy, biển hiệu đếm ngược thời gian thời điểm dừng nhà máy được tính đến từng phút…

Chính thức vận hành từ năm 2009, đến nay NMLD Dung Quất đang chuẩn bị cho đợt bảo dưỡng tổng thể lần thứ 3 (TA3). Đây là sự kiện quan trọng và BSR đã phải lập kế hoạch cho đợt bảo dường này từ 2 năm trước.

“BSR đặt mục tiêu đảm bảo tối đa hóa việc tự chủ trong quá trình thực hiện, giảm thiểu việc sử dụng các dịch vụ kỹ thuật bên ngoài để tiết giảm chi phí. Sau bảo dưỡng, NMLD hoạt động an toàn, ổn định ở công suất từ 110% trở lên; kéo dài thời gian hoạt động nhà máy sau TA3 từ 3 năm lên 4 năm…”-  Tổng Giám đốc BSR, ông Trần Ngọc Nguyên chia sẻ.

Nếu như 2 lần bảo dưỡng trước, chủ yếu do nhà thẩu nước ngoài thực hiện thì trong đợt bảo dường lần này, với 7 gói thẩu thì 4 gói thầu do liên doanh nước ngoài và trong nước thực hiện, 3 gói thẩu hoàn toàn do các DN trong nước thực hiện, BSR chủ động kiểm soát tiến độ. 

Trong 52 ngày dừng sản xuất, trừ thời gian dừng, khởi động nhà máy, TA3 có 38 ngày tập trung bảo dưỡng với một khối lượng khổng lồ: gần 4.000 nhân sự (cả BSR và các nhà thầu) sẽ phải hoàn thành hơn 6.000 công việc, hàng ngàn máy móc, thiết bị chuyên dụng. 

Không những thế, BSR còn đặt mục tiêu rút ngắn thời gian bảo dưỡng, bởi theoTổng giám đốc Trần Ngọc Nguyên, với giá dầu 50 USD/thùng, quá trình bảo dưỡng rút ngắn 1 ngày sẽ giúp BSR tăng doanh thu 250 tỷ đồng và tăng nộp ngân sách 30 tỷ đồng…

“BSR đã và đang thực hiện mọi biện pháp, sáng kiến để rút ngắn thời gian bảo dưỡng từ 5-7 ngày bằng việc bố trí làm việc 3 ca tại một số khu vực bảo dưỡng và sử dụng máy móc hiện đại như các thiết bị cắt bằng tia nước, các thiết bị làm sạch đồng thời và liên tục... “- Ông Nguyên chia sẻ.

“Vừa xay lúa, vừa ẵm em…”

Nếu như việc bảo dưỡng tổng thể nhà máy là việc “đến hẹn lại lên” thì việc sản xuất kinh doanh vẫn là nhiệm vụ số 1. Năm nay, ngoài tiếp tục triển khai Dự án nâng cấp mở rộng (NCMR) NMLD Dung Quất, một việc quan trọng mà theo Chủ tịch Nguyễn Hoài Giang là “không thể trì hoãn” là cổ phần hóa (CPH) BSR.

5 tháng đầu năm, BSR đã thực hiện được 55,6% sản lượng sản xuất, 54,8% sản lượng tiêu thụ của năm. Các chỉ tiêu tài chính cũng rất tích cực: Doanh thu 57,1%, nộp ngân sách 59,3% kế hoạch năm. Đặc biệt lợi nhuận sau thuế ước 5 tháng đầu năm đã vượt kế hoạch 1.600 tỷ đồng do Tập đoàn giao.

Dừng nhà máy để bảo dưỡng, song đại diện BSR khẳng định, việc cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước vẫn được bảo đảm và không bị xáo trộn. “Chúng tôi cũng đã xây dựng phương án tăng sản lượng sản xuất, dự trữ và cung ứng cho thị trường trước và trong TA3. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ khách hàng để duy trì nhận hàng đường bộ trong giai đoạn bảo dưỡng này…”- Ông Nguyên chia sẻ.

Dự án NCMR NMLD Dung Quất bước sang năm thứ ba đã đạt được những kết quả quan trọng: Tính đến tháng 4/2017, dự án đã hoàn thành thiết kế kỹ thuật tổng thể FEED và đang chuẩn bị các thủ tục tiếp theo để lựa chọn nhà thầu EPC; Hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đạt 98%, công tác xây dựng khu tái định cư đang khẩn trương triển khai. Theo kế hoạch đến ngày 30/6, UBND tỉnh Quảng Ngãi sẽ bàn giao 100% mặt bằng sạch cho BSR triển khai dự án. 

Đại diện BSR cho biết, sau khi Dự án NCMR hoàn thành vào cuối năm 2021, công suất chế biến của NMLD Dung Quất tăng từ 6,5 triệu lên 8,5 triệu tấn dầu thô/năm (148.000 thùng/ngày lên 192.000 thùng/ngày), đáp ứng được 50 - 60% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước và cung cấp nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao như nhựa đường, nguyên liệu cho hóa dầu, hóa chất… Ngoài ra, khi NCMR Nhà máy sẽ giúp tăng độ linh động chế biến và có thêm nhiều cơ hội lựa chọn nguồn dầu thô giá rẻ trong và ngoài nước, đảm bảo được nguồn nguyên liệu lâu dài, đồng thời sản phẩm nhiên liệu (xăng, dầu DO) sẽ đáp ứng tiêu chuẩn môi trường EURO V cũng như các yêu cầu, cam kết trong quá trình hội nhập quốc tế…

Một công việc quan trọng mà BSR phải tiến hành trong năm nay là CPH BSR. Theo kế hoạch đã được phê duyệt, BSR sẽ thực hiện chào bán lần đầu cổ phiếu ra công chúng (IPO) trong quý 4/2017. Trong đợt IPO này, BSR dự kiến chào bán từ 5-6%, phần còn lại chào bán cho các nhà đầu tư định danh và các nhà đầu tư chiến lược… “Việc tìm kiếm và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược có ý nghĩa rất quan trọng với BSR. Đó sẽ là các nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực tài chính vững mạnh, có kinh nghiệm trong lĩnh vực lọc - hóa dầu và cam kết đồng hành lâu dài để hỗ trợ BSR NCMR nhà máy, mở rộng thị trường...”- Đại diện BSR chia sẻ.

Thắp lửa thành công…

Cùng một lúc, “ngôi nhà” BSR phải làm nhiều việc quan trọng. Theo Chủ tịch Nguyễn Hoài Giang, BSR đã từng bị lỡ “chuyến tàu”, từ việc NCMR nhà máy đến CPH.

“Thực ra, vào những năm 2009- 2010, khi NMLD Dung Quất còn chưa vận hành, BSR đã xác định phải NCMR nhà máy. Trong bài phát biểu đầu tiên, lãnh đạo BSR đã nói rằng NMLD Dung Quất phải chuẩn bị bước rất nhanh, dù lúc đó chưa rõ ràng để hoàn thành công việc và có tầm nhìn cho NMLD. Nhưng rất tiếc, thời điểm đó, cơ chế hành chính  chưa cho phép!”- Ông Giang nhớ lại.

Tiếp đến, vào năm 2013, khi chủ trương CPH NMLD Dung Quất chưa có, BSR cũng đã chủ động đề nghị Tập đoàn,  Bộ Công thương, Chính phủ nếu có điều kiện hãy cho phép NMLD Dung Quất CPH.Chủ tịch BSR cho biết, khi đó, BSR đã chủ động cùng với đối tác để ra bản kế hoạch CPH chi tiết, nhưng rồi “cơ chế chưa cho phép”, thậm chí khi đó cũng chưa định hình là NMLD Dung Quất phải CPH nên việc CPH BSR cũng phải gác lại… 

Chủ tịch BSR phân tích, nếu vào thời điểm đó nếu NMLD Dung Quất được CPH thì thuận lợi hơn rất nhiều bởi tời điểm đó  mức độ quan tâm của xã hội, nhà đầu tư rất lớn… Còn thời điểm hiện tại, thị trường tài chính đang khó khăn, nợ công tăng nhanh, cùng với những bê bối tiêu cực trong ngành nói riêng và việc các tập đpàn, tổng công ty nhà nước hoạt động kém hiệu quả đã làm xấu đi hình ảnh của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, tác động rất lớn đến niềm tin của các nhà dầu tư…

“Nhưng muộn còn hơn không. NMLD Dung Quất không thể không NCMR. NMLD Dung Quất không thể không CPH. Nói như vậy không có nghĩa là chúng tôi bi quan mà chúng tôi đã sẵn sàng, sẵn sàng đối mặt với khó khăn, thử thách …”- Chủ tịch BSR quả quyết. Ông cũng tự tin khẳng định, với việc BSR sẵn sàng như vậy, và với việc BSR hiểu rất rõ cái mà BSR đang có cũng như những khó khăn bất luận sẽ gặp trong tương lai, đã minh chứng rằng bộ máy lãnh đạo, bộ máy quản trị của BSR đã đạt đến tầm cao mới…

Rồi ông bảo, đây không phải là tự mãn, tự kiêu mà là từ thực tế khách quan của những người đã lăn lộn trên công trường nhà máy suốt những năm qua…

Chia sẻ về đội ngũ hơn 1.500 lao động đang vận hành thông suốt cả một NMLD quy mô, hiện đại nhất Đông Nam Á, lãnh đạo BSR không dấu được niềm tự hào khi khẳng định đó là “vốn quý” để đón đầu cuộc cách mạng 4.0. “BSR có đội ngũ kỹ sư, chuyên gia đứng đầy Việt Nam về công nghệ lọc hóa dầu. Ở mỗi lĩnh vực, từ quản trị nhà máy, tài chính, đầu tư, kế hoạch, nhân sự, đối ngoại… chúng tôi đều có những người hiểu việc. Nếu bạn có thời gian đi thăm quan lòng nhà máy, bạn sẽ hiểu hơn cuộc cách mạng 4.0 đó nó cũng đã bắt đầu ở NMLD Dung Quất này cách đây 10 năm. Gần như hoạt động của nhà máy đều tự động hóa, các kỹ sư, công nhân chỉ giám sát xử lý tình huống. ..”- Chủ tịch BSR chia sẻ.

Và chúng tôi đã có mặt ở lòng nhà máy- Phòng điều khiển Trung tâm , nơi vẫn được ví như “trái tim” của NMLD Dung Quất. Tất cả hoạt động của nhà máy từ khâu đầu nhập dầu thô đến khâu cuối ra thành phẩm xuất bán đều được hiển thị trên màn hình và đều do nhân viên của BSR điều khiển. Để được ngồi phòng điều khiển này, tất cả nhân viên nơi đây đều có thời gian lăn lộn ngoài hiện trường nên bất cứ dấu hiệu bất thường nào đều có thể nắm được sự cố gì, xảy ra ở bộ phận nào để có thể đề xuất phương án xử lý kịp thời…

“Ngày hôm nay khi chúng ta mở cảnh cửa bước vào kỷ nguyên mới, cuộc Cách mạnh 4.0, chúng tôi hy vọng những cái gi NMLD Dung Quất đã làm được sẽ được phát huy để BSR không còn là người lữ hành trễ hẹn…”-  Chủ tịch BSR kỳ vọng…

Trong đêm liên hoan tuyên dương khen thưởng người lao động BSR năm 2017 và kỷ niệm đạt mốc 10 triệu giờ công an toàn, trong ngôi nhà BSR, tôi thấy cỏ cả những chuyên gia nước ngoài. Dường như giữa họ và người BSR không có khoảng cách, dù khác biệt về màu da, ngôn ngữ. Khi hỏi về những người anh em của mình trong ngôi nhà BSR, Agoro, một kỹ sư lọc hóa dầu người Nigeria với 40 năm kinh nghiệm, trong đó có 5 năm gắn bố với NMLD Dung Quất giơ ngón tay cái với nụ cười sáng lóa. Ông bảo, ông rất bất ngờ về sự trưởng thành của đội ngũ BSR, rằng họ đủ tự tin để vận hành nhà máy…

Trên bầu trời trong khuôn viên NMLD Dung Quất có một ngọn lửa luôn luôn cháy bất kể ngày hay đêm. Nó được ví như chiếc nhiệt kế phản ánh sức khỏe của nhà máy. Giờ thì ngọn lửa này đã cháy đượm hơn, ổn định hơn, thế nhưng ngọn lửa nhiệt huyết trong đội ngũ lãnh đạo và người lao động BSR luôn bùng cháy với khát khao chinh phục  những đỉnh cao công nghệ, không những đáp ứng được nhu cầu xăng dầu trong nước với chất lượng cao, giá thành hạ mà còn hướng đến xuất khẩu đem ngoại tệ về cho đất nước…

BSR nộp ngân sách gấp đôi tổng mức đầu tư

Lũy kế đến tháng 5/2017, sản lượng sản xuất của BSR từ khi Nhà máy đi vào hoạt động đã đạt khoảng 47 triệu tấn với doanh thu gần 40 tỷ USD. Trong đó, luỹ kế số tiền nộp ngân sách nhà nước trên 7 tỷ USD, gấp đôi tổng mức đầu tư (3 tỷ USD). Theo đó, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn đầu tư của chủ sở hữu (ROE) đạt 8,67 %; Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/doanh thu (ROA) đạt 4,81 %. Hệ số bảo toàn vốn là 1,091 (>1 thể hiện việc bảo toàn và phát triển vốn).

Đọc thêm