Lời dặn dò tâm huyết của cô giáo Hà Nội với trò thi vào lớp 10

(PLVN) - Cô Phạm Thu Trang, Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn, Trường THCS Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình, Hà Nội, "chốt" 10 dòng gửi các học sinh của mình trước ngày các em làm bài môn Ngữ Văn, môn đầu tiên của kỳ tuyển sinh THPT.

Cô Trang nhắn nhủ các học trò:

1. Trước khi nhận đề, nhẩm lại cách làm nghị luận văn học, nghị luận xã hội về nghệ thuật xây dựng nhân vật, năm sáng tác của các tác phẩm, một số kiến thức về ngữ pháp như cách viết câu bị động, phép thế, câu phủ định, khởi ngữ, cách viết kiểu đoạn văn như câu mở, chốt, 5 bước của nghị luận xã hội.

2. Đọc kĩ đề, gạch chân phân tích đề cẩn thận để làm đúng yêu cầu đề.

3. Phân chia thời gian cho từng phần để làm bài cho phù hợp.

4. Đối với câu hỏi nhỏ cần trả lời đầy đủ, cặn kẽ, cố gắng đào sâu ý (từ nghệ thuật đến nội dung, chú ý nêu bật chủ đề, nhận xét thái độ, tình cảm về tác giả, nhân vật). Không trả lời một đáp án cho câu hỏi tại sao, cảm thụ (dùng nhiều từ đồng nghĩa cho 1 ý trả lời).

5. Đối với đoạn nghị luận văn học cần chú ý xác định đúng phạm vi, yêu cầu phân tích, làm nháp cẩn thận, làm nháp câu chủ đề, yêu cầu Tiếng Việt, nháp các ý chính (nội dung, nghệ thuật) của đoạn rồi mới làm bài.

Phải gạch chân, chú thích bằng bút mực (vì thế, nhớ gạch cho chuẩn xác).

Phải soát lại hình thức, kiến thức tiếng Việt ở đoạn văn rồi mới chuyển sang phần câu hỏi tiếp theo. Chuyển ý bằng cách bám sát ý chủ đề.

Nếu là thơ phải chú ý chép thơ, tìm nghệ thuật, nêu tác dụng. Nếu là văn xuôi phân tích nhân vật, sau khi xong phần nội dung, phải có nghệ thuật xây dựng nhân vật.

6. Đối với đoạn văn nghị luận xã hội, các em cần chú ý xác định đúng kiểu bài đặc biệt là nghị luận về một ý kiến, bắt buộc phải có dẫn chứng thực tế sau bước 3 là tại sao - vai trò, phần liên hệ bản thân, bài học viết thật cụ thể là học sinh cần làm gì và câu chốt đưa ra lời nhắn nhủ, lời khuyên. Các em cần nhớ bám sát các từ khoá và lặp lại các từ khoá trong bài thật khéo léo, vừa đủ sao cho thật sát yêu cầu đề.

7. Câu hỏi liên hệ về tác phẩm tuyệt đối không viết linh tinh, cố gắng chọn đáp án chuẩn xác, phù hợp nhất rồi mới hạ bút.

8. Làm tuần tự các câu hỏi trong đề, hạn chế đảo lộn thứ tự, chú ý giãn cách giữa các câu hỏi nhỏ để có thể bổ sung ý. Làm theo nguyên tắc, dễ làm trước, khó làm sau. Có thể làm hết câu hỏi nhỏ rồi đến phần làm nội dung.

9. Tuyệt đối không bỏ giấy trắng bất kỳ phần nào, dù thế nào cũng phải làm cho hết bài.

10. Viết đẹp, viết sát lề cho ngay ngắn để người chấm có cảm tình. Làm xong, phải kiểm tra lại bài.

Cô Phạm Thu Trang, giáo viên trường THCS Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình, Hà Nội

Ngoài “bí kíp” giúp học sinh tự tin bước vào kỳ thi, cô Trang cũng nhắn gửi đến học trò của mình và cũng như những thí sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi: “Học vấn có những chùm rễ đắng cay nhưng kết quả ngọt ngào”.

Trái ngọt ngày mai sẽ bắt đầu từ những đắng cay, nhọc nhằn khổ luyện của ngày hôm nay. Cô mong các con biến ngại ngần thành quyết tâm, biến khát khao thành ý chí, biến mơ ước thành hiện thực. Thành quả ngọt ngào đang chờ đợi mỗi các con ở phía trước. Cô tin, khi các con nỗ lực hết mình, thành công sẽ đến!".

Cũng như cô Trang, trước khi học trò bước vào “kỳ thi lớn đầu tiên trong cuộc đời”, cô giáo Đinh Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Đống Đa, Hà Nội đã có những lời dặn dò tỉ mỉ, đồng thời chia sẻ với những áp lực của học sinh trong suốt quãng thời gian ôn tập vừa qua.

Cô Hồng cho rằng việc phải đối mặt với một kỳ thi lớn, phải cạnh tranh và vượt qua số lượng thí sinh cao kỷ lục để dành một suất vào các trường công lập, trong bối cảnh của một năm học đặc biệt vì COVID-19... đã khiến không ít học trò căng thẳng, lo âu.

“Tuy nhiên, cô luôn hy vọng rằng, đối mặt và vượt qua những áp lực đó sẽ là cơ hội để các con rèn luyện bản lĩnh, khẳng định mình và chinh phục được những ước mơ”, cô Hồng nhắn nhủ.

Bên cạnh đó, cô Hồng cũng mong các học trò hãy sắp xếp quỹ thời gian thật khoa học, hợp lý; cân đối giữa ôn tập và nghỉ ngơi, thư giãn; không nên tranh thủ “nhồi nhét” kiến thức bằng mọi giá hay để “loãng” thông tin, dẫn đến học “tủ”, học “lệch”.

Cô giáo Đinh Thị Vân Hồng và học trò cuối cấp trong Lễ ra trường và tri ân thầy cô của học sinh khóa 2018-2022

Thay vào đó, học trò có thể dành thời gian làm những việc mình yêu thích trước ngày thi để có một tinh thần ổn định nhất, một tâm lý vững vàng nhất.“Nếu gặp đề “lạ”, các con không nên hốt hoảng, hoang mang; vì suy cho cùng các đề thi phần lớn đều bám sát các kiến thức cơ bản.

Cô cũng không quên dành lời căn dặn học trò khi bước vào phòng thi, cần thể hiện cách ứng xử văn minh với các thầy cô giáo và các bạn.

Hãy dành ít nhất 5 phút đọc kỹ đề, nhận diện đề; nhận ra những dạng bài đã được thầy cô luyện trên lớp. Kiến thức của 4 năm học sẽ được thể hiện qua bài kiểm tra tổng hợp này; nên đây cũng là lúc các con huy động hết kiến thức, kỹ năng, trí tuệ để làm bài thi một cách tốt nhất”.

Nếu chẳng may sau môn thi đầu tiên, học trò nào đó chưa làm tốt giống như kỳ vọng, cô Hồng nhắn nhủ học trò đừng vội buông xuôi, nản lòng. Thay vào đó, cần xốc lại tinh thần, ý chí để làm các bài môn thi tiếp theo. Cần cố gắng nắm giữ lấy những cơ hội cuối cùng nếu còn có thể.

“Cô mong rằng, tất cả các con sẽ “chân cứng, đá mềm”, lên đường chinh phục kỳ thi lớn đầu tiên này. Hãy luôn nhớ rằng dõi theo các con luôn là thầy cô, cha mẹ với thật nhiều yêu thương, thật nhiều mong mỏi”, cô giáo Đinh Thị Vân Hồng nhắn nhủ.

Đọc thêm