Lời hứa với người đã nằm xuống

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Ngày mai (19/11), Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cùng TP HCM và các địa phương sẽ tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong, cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch.
Lời hứa với người đã nằm xuống

Cuộc họp mặt kỷ niệm 91 năm Ngày truyền thống Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2021) và sơ kết công tác phòng, chống dịch COVID-19 đợt thứ 4 tại TP HCM diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, khi TP vừa trải qua những ngày cam go khốc liệt chiến đấu với đại dịch COVID-19. Cuộc chiến vừa qua khiến mọi người càng nhận thức sâu sắc hơn về sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.

Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP HCM chia sẻ, mỗi người đều từng nghe kể và hình dung được sự đoàn kết, kiên cường, anh dũng của thế hệ cha ông chiến đấu với giặc ngoại xâm hay sự chung sức của người dân trong thiên tai địch họa. Và tinh thần chiến đấu kiên cường, dũng cảm, xung kích, đồng cam cộng khổ, xả thân cứu người một lần nữa lại được chứng minh ở TP HCM.

Trong cuộc chiến với đại dịch, những thời khắc khốc liệt nhất cũng là lúc khối đại đoàn kết dân tộc được thể hiện sống động, rõ nét nhất. MTTQ đã phát huy vai trò trong huy động nguồn lực toàn dân, vận động cho Quỹ vaccine COVID-19, ủng hộ trang, thiết bị, vật tư y tế.

Nếu không có những sáng kiến, sáng tạo trong thành lập trung tâm an sinh; chương trình S.O.S đưa túi an sinh đến tay người dân; sự hoạt động của hàng trăm nghìn tổ nhóm, người hoạt động thiện nguyện... Nếu không có hành động của các hội nhóm từ cựu chiến binh, liên đoàn lao động, phụ nữ, thanh niên, bảo trợ trẻ em, người khuyết tật... thì Sài Gòn có thể đã “bệnh” lâu hơn, nặng hơn, mệt hơn. “Truyền thống yêu nước, thương người, tình dân tộc, nghĩa đồng bào đã hòa quyện thành một khối thống nhất”, ông Nên đánh giá.

Ngày mai (19/11), Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cùng TP HCM và các địa phương sẽ tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong, cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch.

Buổi lễ này là mong muốn, nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, phù hợp truyền thống văn hóa dân tộc. Đó là một trong những hoạt động ý nghĩa, thiết thực, lan tỏa sâu rộng trong xã hội nhằm làm dịu nỗi đau. “Chúng ta sẽ biến mất mát, đau thương thành hành động, góp phần xây dựng TP này xanh tươi trở lại như một lời hứa chân thành với những người đã nằm xuống”, ông Nên nói.

Sau quãng thời gian dài chống dịch, TP đã chịu đựng nhiều tổn thất, mất mát, đau thương. 17 ngàn người đã nằm xuống. Trong ứng phó với đại dịch, chúng ta bỏ ra 200% sức lực để vượt qua thì trong giai đoạn bình thường mới, TP cần bỏ sức nhiều hơn vậy. Để vượt qua cơn đại dịch đớn đau, mỗi người dân TP HCM đã là một chiến sĩ, đồng lòng chấp hành các quy định phòng chống dịch bệnh, đồng lòng chịu thiếu thốn, kham khổ, nén mất mát, đau thương khi mất người thân, tự mình chiến đấu vượt qua những cơn khó thở… Nhưng hãy nhớ đại dịch chưa qua, chỉ tính riêng ở TP HCM, mỗi ngày vẫn có hàng chục người qua đời vì COVID-19.

Vì thế về phía chính quyền, cần có những chính sách để đảm bảo đời sống nhân dân, người lao động đảm bảo được sự an toàn. Về phía mỗi người dân, càng cần phải đoàn kết hơn nữa, có ý thức bảo vệ sức khỏe hơn nữa, chấp hành nghiêm Nghị quyết 128 của Chính phủ hơn nữa… Đó chính là những cách làm thiết thực để đồng lòng “biến mất mát, đau thương thành hành động, góp phần xây dựng TP này xanh tươi trở lại như một lời hứa chân thành” như Bí thư Nên đã nói.

Đọc thêm