Nông nghiệp kết hợp du lịch
Nông nghiệp kết hợp với du lịch không chỉ là cho ra đời các sản phẩm du lịch nông nghiệp, sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch ẩm thực mà còn có tiềm năng to lớn phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe. Khác với loại hình du lịch chữa bệnh, du lịch chăm sóc sức khỏe thiên về các hoạt động, sản phẩm trải nghiệm giúp du khách giảm căng thẳng, tăng cường sức khỏe, điều dưỡng sau điều trị bệnh.
Với những đặc thù đó, nhiều ý kiến cho rằng, các địa phương thế mạnh về nông nghiệp có thể xây dựng những sản phẩm du lịch độc lập kết hợp cả nông thôn và chăm sóc sức khỏe. Điều này vừa tạo ra những sản phẩm mới mẻ, khai thác thế mạnh bản địa, vừa góp phần tăng thêm tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP - Chương trình “mỗi xã một sản phẩm”.
Sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe tại nông thôn có thể kể đến các loại hình dịch vụ phục hồi, nâng cao sức khỏe bằng xoa bóp bấm huyệt, massage chân, ngâm chân thảo dược, gội đầu thảo dược, trà thuốc, nước khoáng,… Trong đó, những dịch vụ này sử dụng các loại dược liệu, nông sản được trồng ở địa phương, những vị thuốc được chế biến theo phương pháp bản địa. Ngoài ra, các loại dược liệu, nông đặc sản của địa phương cũng có thể trở thành những món quà tặng ý nghĩa cho du khách mua về sau mỗi chuyến đi, để họ có thể tiếp tục hành trình chăm sóc sức khỏe khi trở về hoặc làm quà tặng.
Có thể thấy, xây dựng, khai thác các sản phẩm du lịch sức khỏe trong phát triển du lịch nông thôn sẽ tăng trải nghiệm cho du khách, gắn với phát triển thế mạnh của địa phương, hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ phù hợp. Loại hình này tận dụng được các điều kiện thuận lợi như xu thế hướng về thiên nhiên, hướng về y dược cổ truyền của du khách; nhiều địa phương giàu truyền thống văn hóa nông nghiệp và đa dạng nông sản vật,…
Cần nhiều sản phẩm đa dạng hơn
Đồng bằng sông Cửu Long có ưu thế là vùng sản xuất nông nghiệp lớn của cả nước. Các địa phương có thể gắn du lịch sức khỏe với lợi thế các sản phẩm nông nghiệp là một trong những hướng phát triển được các chuyên gia, nhà quản lý quan tâm, gợi mở.
Tỉnh Đồng Tháp xác định sen là ngành hàng chủ lực trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Mục tiêu là phát triển vùng sản xuất nguyên liệu sen tập trung với diện tích năm 2025 đạt khoảng 1.400ha, mở rộng sản xuất đối với các giống sen chuyên biệt, phục vụ các nhu cầu khác nhau như lấy hoa, hạt, ngó sen, lá sen, sản phẩm cao cấp, chiết xuất từ sen. Theo đó, các sản phẩm liên quan đến ngành hàng này rất có triển vọng cho phát triển sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe, thu hút du khách trong mỗi chuyến trải nghiệm. Có thể kể tới các vùng trồng sen đẹp, không gian yên tĩnh, trong lành có thể đem lại sự thư giãn cả về thể chất lẫn tinh thần cho du khách, giúp du khách loại bỏ những căng thẳng, mệt mỏi, tái tạo năng lượng tích cực. Ngoài ra, hiện nay Đồng Tháp đã có 200 món ăn từ sen được xác lập kỷ lục Việt Nam, trong đó có rất nhiều món ăn tốt cho sức khoẻ được chế biến từ sen.
Còn tại tỉnh Long An, những mô hình như Khu du lịch Cánh đồng bất tận ở huyện Mộc Hóa cung cấp cho du khách nhiều trải nghiệm thiên về sức khỏe như “tắm rừng dược liệu”, tận hưởng không khí trong lành, tinh khiết của rừng tràm vùng Đồng Tháp Mười; thăm quan vườn dược liệu, nhà máy sản xuất; tham gia chưng cất tinh dầu tràm…
Đáng tiếc là hiện nhiều địa phương có những thế mạnh nhất định để khai thác loại hình này nhưng vẫn chưa nghiên cứu đầy đủ và đưa ra định hướng phát triển cụ thể. Điều đó dẫn đến vẫn chưa có nhiều mô hình sản phẩm đặc trưng, được đóng gói hoàn chỉnh, đủ hấp dẫn, thuận tiện và hút khách.
Trong khi đó, sản phẩm du lịch nông nghiệp gắn với du lịch chăm sóc sức khỏe nếu được tận dụng khai thác tốt sẽ là một hướng đi mới và phù hợp với xu hướng hiện nay, góp phần lưu giữ, bảo tồn y học cổ truyền, tăng giá trị điểm đến. Theo dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), xu hướng du lịch chăm sóc sức khỏe sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm tới. Đến năm 2030, khách đi du lịch với mục đích thăm viếng, sức khỏe, tôn giáo sẽ chiếm 31% tổng lượng khách du lịch trên toàn cầu.