Tín hiệu tích cực từ du lịch y tế ở Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Du lịch y tế vốn được xem là thị trường tiềm năng nhưng chưa được khai phá tại Việt Nam. Tuy nhiên, lĩnh vực này đã có nhiều tín hiệu tích cực trong những năm gần đây.
Du lịch y tế được đánh giá là xu hướng toàn cầu. (Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: UNWTO)
Du lịch y tế được đánh giá là xu hướng toàn cầu. (Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: UNWTO)

“Điểm sáng” du lịch y tế

Theo thống kê của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, lượng khách du lịch đến khám, chữa bệnh tại nước ta tăng dần qua các năm, trung bình đạt doanh thu khoảng 2 tỷ USD/năm (thời điểm trước dịch COVID-19), trong đó TP HCM chiếm khoảng 40% về lượng khách cũng như doanh thu.

Trong những năm qua, TP HCM đã xây dựng và phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch chăm sóc sức khoẻ, làm đẹp nhằm thu hút khách trong và ngoài nước vừa đến trải nghiệm tại các cơ sở y tế, spa uy tín ở địa phương, vừa đi du lịch. Theo thông tin do Sở Du lịch TP HCM công bố, ở thời điểm hiện tại, Sở đã kết nối với hơn 50 đơn vị là các bệnh viện, cơ sở y tế, spa, doanh nghiệp lữ hành, lưu trú du lịch… cùng xây dựng 30 sản phẩm du lịch y tế giới thiệu đến người dân và du khách.

Ở góc độ cơ quan chuyên môn về du lịch, trước đó, Sở Du lịch TP HCM đã thực hiện các chuyến tham quan, khảo sát mô hình sản phẩm du lịch y tế tại Thái Lan; thúc đẩy, quảng bá du lịch tại Campuchia… Bên cạnh đó, Sở tiếp tục cập nhật, điều chỉnh thông tin dựa trên cuốn Cẩm nang Du lịch y tế năm 2018 để bổ sung nhiều ngôn ngữ như Anh, Thái Lan, Campuchia, Lào, Trung Quốc để thu hút các thị trường này. Sở cũng cho biết sẽ hoàn thiện thêm các gói sản phẩm du lịch y tế phù hợp đáp ứng thị trường khách nội địa và quốc tế; đẩy mạnh các video quảng bá sản phẩm trên địa bàn TP HCM.

Sở Y tế TP HCM cũng xác định phát triển loại hình du lịch y tế góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ, nâng cao và hiện đại hóa quy trình khám, chữa bệnh cho người dân, du khách. Xu hướng này cũng có thể tận dụng ưu thế của TP HCM là có nhiều trung tâm, dịch vụ chăm sóc sức khỏe uy tín và chất lượng. Tới đây, Hội chợ Du lịch quốc tế TP HCM vào tháng 9 được kỳ vọng là sự kiện lớn để kích cầu mối hợp tác sâu rộng giữa ngành Y tế và ngành Du lịch của thành phố.

Hiệu quả từ sự phối hợp đồng bộ

Nhờ sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, hiệu quả thấy được là nhiều cơ sở y tế đã và đang trực tiếp hưởng lợi từ “cú bắt tay” với ngành Du lịch. Điển hình như Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM đã trở thành một trong những bệnh viện thu hút nhiều khách nước ngoài. Theo ước tính, Bệnh viện đã tiếp nhận khám ngoại trú khoảng 15.000 lượt và điều trị nội trú hơn 1.000 lượt người nước ngoài mỗi năm, trong đó khách chủ yếu tập trung vào các dịch vụ thẩm mỹ, chăm sóc da, tim mạch, tiêu hóa, gan mật tụy, thần kinh, hô hấp… Ngoài lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, lực lượng bác sĩ giỏi, việc đào tạo ngoại ngữ cho các bác sĩ cũng được chú trọng qua các năm, cùng với công tác tuyên truyền, quảng bá tên tuổi, uy tín của cơ sở này ra quốc tế.

Một trong những giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy du lịch y tế tại TP HCM chính là ứng dụng công nghệ số. Sự kiện đáng chú ý gần đây nhất là Hội thảo “Enet MeetDoctor - Giải pháp phòng khám 4.0 ứng dụng trong du lịch y tế” do Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM phối hợp Công ty CP Công nghệ Du lịch Enet tổ chức. Theo đó, việc xây dựng, ứng dụng các công cụ công nghệ vừa giúp vận hành phòng khám dễ dàng hơn (như quản lý lịch khám, chữa bệnh, phục vụ, quản lý thuốc, báo cáo nội bộ,…), vừa giúp kết nối với các đơn vị lữ hành để tiếp cận thị trường du khách tiềm năng.

Kể từ sau đại dịch COVID-19, du lịch y tế là một trong sáu xu hướng của du lịch thế giới theo nhận định của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), ngành Du lịch Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng chung này. Đáng nói, tiềm năng phát triển du lịch y tế vốn không chỉ hạn chế ở TP HCM, nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước cũng có tiềm năng này. Tiêu biểu là các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và Huế cũng đã có định hướng và phát triển một số sản phẩm du lịch y tế dựa trên các lợi thế sẵn có về hệ thống y tế và du lịch tại điểm đến.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, du lịch y tế và chăm sóc sức khỏe tại các địa phương này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Sự gắn kết giữa du lịch và y tế tương đối rời rạc, tự phát, chưa thực sự có kết nối một cách hệ thống. Nhìn từ bài học làm du lịch y tế tại TP HCM có thể thấy yếu tố quan trọng bậc nhất là cần sự vào cuộc, phối hợp tích cực, sâu rộng, đồng bộ của các bên liên quan, bao gồm các cơ quan chức năng, cơ sở y tế, doanh nghiệp lữ hành, kinh doanh du lịch,… để tạo ra đa dạng sản phẩm du lịch y tế chất lượng, uy tín, hút khách.

Đọc thêm