Lời kêu cứu của mẹ con góa phụ

Hôn nhân hợp pháp, thế nhưng, em chồng chị Nga vẫn ngang nhiên vào nhà chiếm đoạt tài sản, đuổi mẹ góa con côi vào xó bếp sống khi chồng vừa qua đời. 

Hôn nhân hợp pháp, thế nhưng, chị vẫn bị em chồng ngang nhiên vào nhà chiếm đoạt tài sản, đuổi mẹ góa con côi vào xó bếp sống khi chồng vừa qua đời. 
Đó là trường hợp của chị Nguyễn Thị Nga (SN 1971) và con gái Đỗ Kiều My (SN 2005), ngụ số 193/7 Ung Văn Khiêm, phường 25, quận Bình Thạnh (TP.HCM). Chồng chị là anh Đỗ Đăng Thủy (SN 1941), mất vào ngày 29/3.  
Hai mẹ con chị Nga phải sống chui rúc ở nhà bếp.
Hai mẹ con chị Nga phải sống chui rúc ở nhà bếp.

Chị Nguyễn Thị Nga cho biết, chị và anh Đỗ Đăng Thủy đăng ký kết hôn tại UBND phường 25, quận Bình Thạnh vào ngày 22/8/2005 (Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn số 157, quyển số 02/2005) và đã có một con gái là Đổ Kiều My (SN 2005).

Theo chị Nga, cuối năm 2011, ông Thủy trở bệnh nặng, nằm điều trị tại bệnh viện. Theo yêu cầu của ông Thủy, gia đình ông có 8 người từ Hà Nội vào TP.HCM để chăm sóc bệnh cho ông, gồm bà Đỗ Thị Thành, ông Đỗ Đăng Lập, ông Đỗ Đăng Vượng, cùng 5 người cháu.
Đến 29/3/2012, ông Thủy qua đời. Các em của ông tự ý xây sửa, ngăn vách, đóng gói tất cả các vật dụng có trong nhà của vợ chồng chị Nga. 
“Laptop, tượng đồng và một số đồ cổ có giá trị khác… được đóng vào các thùng carton và đã chuyển đi nơi khác. Xong đám tang, các em chồng tôi quay về lại Hà Nội. Khi đi, họ khóa chặt cửa, cấm 2 mẹ con tôi không được mở vào, kèm những lời hăm dọa. Những giấy tờ cá nhân như giấy chứng nhận đăng ký kết hôn của vợ chồng tôi, giấy khai sinh của con gái tôi, họ lấy đi mất”, chị Nga bức xúc kể.

Trước tình cảnh này, bà Nga làm đơn gửi lên Tư pháp phường nhờ can thiệp và một nam cán bộ tư pháp ở đây nói: “Cô cứ về phá cửa ra mà ở, không giải quyết được, vì phải ra công chứng rắc rối lắm”.  

Đơn cầu cứu của chị Nga.
Đơn cầu cứu của chị Nga.

Chị Nga buồn bã cho biết: “Cảnh mẹ góa con côi nên tôi đã “gõ cửa” Hội Liên hiệp Phụ nữ phường mong có được sự giúp đỡ và bảo vệ. Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ hứa sẽ can thiệp, nhưng đến nay (ngày 3/5) vẫn chưa có hồi âm?”. 

Trước đó, ngày 2/5, hai mẹ con chị Nga vẫn phải ở nhà bếp, dưới sàn là nước ngập (do thủy triều lên), trên trần thì mái tole rất nóng nực. Người dân xung quanh bức xúc, khuyên bà Nga mở ổ khóa ra, đưa bé Kiều My lên nhà trên ở lại, vì cháu đang bệnh. Chị đã thực hiện theo lời hàng xóm.
Hay tin mẹ con chị Nga vào nhà trên ở, các em chồng ở Hà Nội liền bay vào TP.HCM vào khoảng 1h ngày 3/5 cùng một Công an phường và vài dân quân tự vệ. 
“Tại đây, họ nói tôi tự ý phá nhà của họ, anh Công an yêu cầu tôi cho họ vào ở, vì họ có sổ KT3. Từ lúc chồng tôi lâm bệnh nặng đến nay chưa được 3 tháng, cũng là lúc họ vừa đến nhà tôi ở để chăm sóc chồng tôi, vậy làm sao họ đăng ký được sổ KT3?”, chị Nga nghi vấn.
Chị Nga nói trong nước mắt: “Sau khi chồng mất, tiền phúng điếu của khách các em ông Thủy đều lấy, tôi không giữ đồng nào. Tuy nhiên, tôi không quan tâm điều ấy, chỉ mong sao họ để mẹ con tôi yên, có chỗ núp mưa, núp nắng tại nhà mình. Mặt khác, họ luôn hăm dọa, dùng lời nặng, xúc phạm mẹ con tôi, đuổi chúng tôi lui sống ở nhà bếp, vì họ họ nói có giữ tờ di chúc của chồng tôi để lại. 
Nghĩa tử là nghĩa tận, tôi không tranh giành tài sản, luôn muốn thực hiện theo ý muốn của chồng. Nếu thật sự có tờ di chúc đó, tôi thiết nghĩ, họ cũng nên trao đổi với mẹ con chúng tôi, hoặc chờ phán xét cuối cùng của tòa án. Ngược lại, họ cư xử quá thô thiển, bất chấp luật pháp”. 
Chúng tôi tới căn nhà của vợ chồng chị Nga, với diện tích khoảng 108 m2 (ngang 9m, dài 12m), được chia dọc làm hai phần, một bên là nhà chính, vừa mở ổ khóa cửa, các em chồng chị Nga từ Hà Nội vào đang ở. Phần còn lại, phía trước xây thành hai phòng trọ cho thuê, nằm góc sau cùng là nhà bếp, nơi liên kết liền kề nhau gồm: toilet, giường ngủ, bếp ăn, tủ đựng áo quần, nơi giặt giũ, nằm kế chung là một di ảnh của người chồng quá cố, bên một lư hương, chồng chất phía dưới là những đống áo quần, đồ đạc vật dụng khác trong gia đình… 
Máy giặt che khuất bàn thờ anh Thủy, bên dưới bề bộn những vật dụng khác
Máy giặt che khuất bàn thờ anh Thủy, bên dưới bề bộn những vật dụng khác

“Đây là vị trí tốt nhất để tôi làm bàn thờ cho chồng, đặt nơi khác, những lúc đi làm, con tôi đi học, gặp nước triều lên, di ảnh ba nó trôi nổi bồng bềnh trên mặt nước rất tội. 

Tôi không ngờ chồng tôi ra đi, bỏ lại hai mẹ con tôi trong tình cảnh này. Tuy là hai nhân khẩu chính, có tên trong sổ hộ khẩu gia đình, nhưng lại bị những người em chồng dùng sổ tạm trú KT3, ngang nhiên vào nhà chiếm lấy tài sản, tự bóp khóa nhà, đuổi mẹ con tôi ra sống phía sau nhà bếp thế này”, bà Nga đứng bên di ảnh chồng rưng rưng nước mắt nói.
Trao đổi với người viết bài, Đại úy Nguyễn Thành Trung, Công an phường 25 (Q.Bình Thạnh) cho biết: “Do trưởng công an phường bận đi họp, tôi sẽ ghi nhận lại đơn tố cáo của nạn nhân, sau đó kiểm tra, rà soát để đối chiếu và có hướng giải quyết theo quy định”.
Cán bộ Tư pháp Phường 25 Trần Phương Minh cho biết: “Trong một cuộc họp tại phường vào lần trước, phía bên các em chồng bà Nga nói có tờ di chúc, nhưng không biết có hay không?. Ngay buổi họp, tờ di chúc đó không đưa ra, tôi cũng không giữ tờ di chúc này”. 
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường, bà Võ Phúc Hạ cho biết: “Chi Nga có nộp tờ trình, nên hoàn cảnh của chị ấy tôi đã nắm rõ. Tôi cũng hỗ trợ giúp chị lấy lại một số giấy tờ nhưng nếu nạn nhân gửi đơn thư là: đơn khiếu nại, đơn tố cáo hay đơn xin giải quyết thì tôi sẽ giải quyết, nhưng lúc trước nạn nhân gửi đến tôi là đơn trình báo…”. 
Theo Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng luật Giải Phóng, việc những người anh em bên chồng chị Nga chiếm giữ tài sản của anh Thủy như vậy là trái pháp luật. Việc các người em anh Thủy có sổ KT3 không xác lập quyền sử dụng hay chiếm hữu một phần hay toàn bộ căn nhà nói trên cho họ. 
“Chị Thủy và con chị ấy sẽ là người thừa kế hợp pháp và có quyền sử dụng toàn bộ căn nhà trên cho đến khi bản di chúc hợp pháp được công bố, nếu có. Kể cả chị Nga và con chị không có tên trong di chúc, với tư cách là người thừa hưởng di sản theo di chúc, thì con chung của vợ chồng chị vẫn là người thừa kế theo pháp luật không phụ thuộc vào di chúc, vì tại thời điểm này, đứa con này là người chưa thành niên”, luật sư Hưng cho biết.
Cũng theo luật sư Hưng, việc cán bộ tư pháp phường từ chối nhận đơn khiếu nại (tố cáo) của chị Nga là trái pháp luật. “Chị Nga hoàn toàn có quyền khởi kiện đến tòa án để yêu cầu chấm dứt việc chiếm giữ nhà trái pháp luật của các người em anh Thủy”, luật sư Hưng bày tỏ. 
“Hiện nay, mẹ con tôi phải sống trong một xó bếp, vừa ở, vừa thờ chồng. Mỗi ngày bước ra nhà, luôn bị bao nhiêu lời xúc phạm, uy hiếp của các người em bên chồng. Họ luôn lên tiếng là đã có sổ KT3, từ đó họ lộng quyền, ngang nhiên chiếm nhà, thu dọn hết những gì có trong nhà mỗi khi họ muốn… Mong các cơ quan can thiệp giúp mẹ con chúng tôi…”, chị Nga nói.
Qua tìm hiểu của PV, căn nhà nói trên của vợ chồng chị Nga được nhà nước cấp cho anh Thủy. Hiện nay, căn nhà nằm trong diện khu quy hoạch, anh Thủy chưa mua hóa giá nhà theo nghị định 61, nên căn nhà trên vẫn còn nằm trong sự quản lý của nhà nước, chưa phải chính thức thuộc sở hữu cá nhân.
Công Hà 

Đọc thêm