Lời kêu cứu từ Hãng phim truyện Việt Nam

Mặc dù Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) có văn bản đề nghị UBND TP.Hà Nội chấp thuận cho Hãng phim truyện Việt Nam (HPTVN) quản lý nhà Thủy phi cơ và năm 1996, thực hiện việc thu hồi đất để giao cho Ban quản lý Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây (BQLDA), HPTVN đã nghiêm chỉnh chấp hành nhưng đến nay, quận Tây Hồ lại ra quyết định thu hồi đất bổ sung một cách khó hiểu.

Mặc dù Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) có văn bản đề nghị UBND TP.Hà Nội chấp thuận cho Hãng phim truyện Việt Nam (HPTVN) quản lý nhà Thủy phi cơ và năm 1996, thực hiện việc thu hồi đất để giao cho Ban quản lý Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây (BQLDA), HPTVN đã nghiêm chỉnh chấp hành nhưng đến nay, quận Tây Hồ lại ra quyết định thu hồi đất bổ sung một cách khó hiểu.

Quan điểm trái ngược

Sau khi nhận được Quyết định thu hồi bổ sung và Quyết định số 1398/QĐ-CT ngày 29/4/2011 của UBND quận Tây Hồ yêu cầu HPTVN bàn giao lại toàn bộ phần diện tích nhà Thủy phi cơ, HPTVN đã có văn bản phản hồi, các nghệ sỹ hàng đầu Việt Nam có ý kiến phản đối và cho rằng quyết định của UBND quận Tây Hồ không rõ ràng về cơ sở pháp lý, xâm hại nghiêm trọng đến giá trị truyền thống văn hóa của HPTVN cũng như lịch sử điện ảnh nước nhà.

Trong khi các cơ quan chức năng đang xem xét kiến nghị của HPTVN, giữa tháng 11/2012, BQLDA đã tổ chức đổ đất xung quanh nhà Thủy phi cơ, gây ảnh hưởng cảnh quan khu vực, tạo sự bức xúc cho giới nghệ sỹ và người dân nơi đây.

Nhà Thủy phi cơ bị “bao vây”

Tại cuộc họp báo mới đây, đại diện HPTVN cho biết, trong tất cả các quyết định kiểm kê tài sản, thu hồi đất phục dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây theo Quyết định số 285/QĐ-UB ngày 28/9/1996 của UBND TP.Hà Nội về việc thu hồi 9496m2 tại phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, giao cho BQLDA, trong đó phần diện tích thuộc HPTVN quản lý là 1586m2.

Nhà Thủy phi cơ bị “bao vây”
Nhà Thủy phi cơ bị “bao vây”

Theo đó, HPTVN đã bàn giao đầy đủ diện tích đất bị thu hồi và các bên đã ký biên bản bàn giao mặt bằng để xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây, đoạn làng văn hóa Việt - Nhật đến vườn hoa Lý Tự Trọng mà tuyệt nhiên không đả động gì đến Nhà Thủy phi cơ do HPTVN quản lý, sử dụng.

Và trước đó, tại Văn bản số 209/BQL ngày 11/9/2003 của  BQLDA cũng đã khẳng định: “Theo Quyết định thu hồi đất và phương án đền bù được phê duyệt, nhà Thủy tạ (tức Thủy phi cơ) của HPTVN không nằm trong chỉ giới GPMB thành phố giao cho BQLDA”. Vậy vì sao đến nay UBND quận Tây Hồ lại ra ra quyết định thu hồi bổ sung một cách trái ngược như vậy?

Thành phố cần vào cuộc

Trước sự việc trên, ngày 22/6/2011, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái đã ký Văn bản số 1980 gửi UBND TP.Hà Nội, khẳng định, hạng mục nhà Thủy phi cơ không nằm trong chỉ giới GPMB Thành phố giao cho BQLDA. Để giúp cho HPTVN ổn định kế hoạch sản xuất kinh doanh, Bộ VH-TT&DL đề nghị UBND TP.Hà Nội xem xét, chấp thuận cho phép HPTVN tiếp tục quản lý và sử dụng hạng mục nhà Thủy phi cơ; chỉ đạo UBND quận Tây Hồ thực hiện theo đúng quy hoạch sử dụng đất của Thành phố.

Trong khi UBND TP.Hà Nội chưa có ý kiến và các cơ quan chức năng chưa xem xét khiếu nại của HPTVN thì ngày 20/6 và 13/11/2012, UBND quận Tây Hồ tiếp tục ra thông báo yêu cầu HPTVN nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và bàn giao hạng mục nhà Thủy phi cơ với số tiền hơn 92 triệu đồng. Và trong các ngày 14, 15, 16, 17/11/2012, BQLDA đã cho lực lượng đóng kè, đổ bao cát vây xung quanh khu vực nhà Thủy phi cơ.

Theo bà Nguyễn Thị Hoa – Phó Giám đốc HPTVN - việc thu hồi đất bổ sung trong khi dự án xây dựng hạng mục hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây đã hoàn thành của quận Tây Hồ là không thuyết phục. Bên cạnh đó HPTVN lại không hề nhận được Quyết định nào về việc thu hồi bổ sung hoặc mục đích sử dụng phần diện tích sau thu hồi của quận Tây Hồ.

“Nhà Thủy phi cơ chỉ rộng chưa đầy 100m2, nhưng có ý nghĩa lịch sử, văn hóa thiêng liêng đối với HPTVN và những nghệ sỹ của điện ảnh Việt Nam. Là đơn vị được Bộ VH-TT&DL giao quản lý, HPTVN đã nhiều lần có văn bản khẳng định việc bàn giao hạng mục không thuộc thẩm quyền, nhưng UBND quận Tây Hồ không hề làm việc với Bộ VHTT&DL” - bà Nguyễn Thị Hoa bức xúc.

Vậy nhưng, BQLDA vẫn tiếp tục khẳng định việc thu hồi là phục vụ Dự án xây dựng nơi neo đậu xuồng cứu hộ đã được các cơ quan, ban ngành của TP.Hà Nội và quận Tây Hồ phê duyệt và việc thu hồi là đúng trình tự.

Được biết, nhà Thủy phi cơ được Nhà nước giao cho HPTVN quản lý và sử dụng từ năm 1954 và đây là nơi chứng kiến các sự kiện lịch sử quan trọng nhất của điện ảnh Việt Nam, nơi có nhiều đồng chí lãnh đạo Trung ương đã đến thăm, động viên các nghệ sĩ điện ảnh thực hiện những bộ phim đã đi vào lịch sử điện ảnh Việt Nam. Vì vậy, UBND TP.Hà Nội cần sớm vào cuộc để giải quyết vụ việc trên.

Chiều 5/12/2012, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hồ Anh Tuấn đã đến làm việc, nắm bắt tình hình với tập thể HPTVN và các nghệ sỹ tại nhà Thủy phi cơ số 4 Thụy Khuê.

Nhà Biên kịch Nguyễn Khắc Phục tái khẳng định tính cấp thiết của việc giữ lại hạng mục nhà Thủy phi cơ, bởi đây là công trình mang ý nghĩa truyền thống, văn hóa quan trọng của HPTVN nói riêng và điện ảnh cả nước nói chung.

Ông kiến nghị: “Bộ VH-TT&DL sớm làm việc với TP.Hà Nội xem xét lại quyết định thu hồi của UBND quạn Tây Hồ và nếu TP.Hà Nội cho rằng việc thu hồi cần thiết hơn việc duy trì giá trị văn hóa truyền thống, HPTVN chấp nhận bàn giao lại và không có ý kiến gì”.

Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn cho biết:“Nguyện vọng giữ lại nhà Thủy phi cơ của tập thể nghệ sỹ là rất chính đáng. Bộ đã có văn bản gửi TP.Hà Nội và sẽ truyền đạt tâm tư, nguyện vọng của HPTVN, tập thể các nghệ sỹ đến lãnh đạo TP. Hà Nội với mục đích giữ gìn công trình có ý nghĩa như “bàn thờ” của nền điện ảnh Việt Nam”.

Đặng Vũ

Đọc thêm