Lời khai bất ngờ của “trùm buôn lậu” về số tiền vận chuyển qua biên giới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 14/11, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh tiếp tục đưa vụ án “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” ra xét xử phúc thẩm. Tuy nhiên, phiên tòa sau đó đã phải tạm hoãn vì lời khai bất ngờ của “trùm buôn lậu” Nguyễn Thị Kim Hạnh (tức Mười Tường, ở An Phú, tỉnh An Giang).
Bị cáo Mười Tường và các bị cáo khác tại phiên tòa sơ thẩm.
Bị cáo Mười Tường và các bị cáo khác tại phiên tòa sơ thẩm.

Theo hồ sơ vụ án, sáng 24/6/2019, Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang phát hiện 4 người đi từ hướng Campuchia vào Việt Nam có biểu hiện nghi vấn. Vừa thấy lực lượng chức năng, nhóm người trên đã bỏ lại phương tiện, chạy về phía Campuchia. Một người trong nhóm đã ném lại túi nilon bên trong có 470.000 USD.

Quá trình điều tra, Phạm Thanh Sang và Hồ Tuấn Linh (cùng ở An Giang) ra đầu thú. Nguyễn Văn Lê và Nguyễn Văn Minh Minh (cùng ở An Giang) bị bắt, điều tra trong vụ án buôn lậu 51kg vàng xảy ra ngày 30/10/2020. Lê và Minh khai nhận đã tham gia vận chuyển 470.000 USD cùng với Sang và Linh.

Theo lời khai của 4 người trên, họ làm thuê cho Mười Tường và chị gái của bà ta. Hôm xảy ra sự việc, 4 người này sang Campuchia nhận USD, vận chuyển về Việt Nam để giao cho Mười Tường, thì bị lực lượng tuần tra phát hiện. Từ lời khai của họ, Mười Tường bị bắt sau đó.

Với hành vi nêu trên, Mười Tường bị TAND tỉnh An Giang tuyên phạt 8 năm tù về tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”. Bị cáo Minh, Lê, Sang và Linh cùng bị tuyên phạt 4 năm tù theo đúng tội danh bị truy tố.

Bởi theo nhận định của HĐXX, Mười Tường là người điều hành toàn bộ hoạt động vận chuyển hàng hóa qua biên giới, bằng cách lợi dụng đường biên giới và những người không có việc làm ổn định để thuê mướn, lôi kéo vào con đường phạm tội. Các bị cáo còn lại đã trực tiếp tham gia, giúp sức cho Mười Tường nhằm hưởng lợi.

Hành vi của các bị cáo là nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho xã hội và xâm phạm trực tiếp tới trật tự, hoạt động quản lý kinh tế, ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách quản lý tiền tệ.

Sau phiên tòa sơ thẩm, các bị cáo kháng cáo, trong đó, bị cáo Mười Tường kháng cáo kêu oan.

Tại phiên tòa phúc thẩm hôm qua (14/11), bị cáo Mười Tường khai rằng chủ mưu thật sự là bà T.K.B và ông D.C.C, đều ở TP Châu Đốc, An Giang. Theo lời khai của bị cáo Mười Tường, chính 2 người này đã thuê “đàn em” của mình vận chuyển 500.000 USD chứ không phải 470.000 USD như biên phòng bắt giữ.

Bị cáo Mười Tường phân bua, cho rằng nhờ sự giúp sức của ông T.V.C (hay còn gọi là C.Đ, ở huyện An Phú) và ông H, cán bộ biên phòng tỉnh An Giang. “Ông C.Đ là người có liên hệ mật thiết với ông H để canh đường và vận chuyển tiền qua biên giới. Ông H kêu người bắt vụ vận chuyển số tiền 500.000 USD”, bị cáo Mười Tường nói và cho rằng ông H đã lấy 30.000 USD để tiêu xài.

Trước lời khai của bị cáo, đại diện VKS truy vấn, vì sao bị cáo không khai ra người chủ mưu tại phiên tòa sơ thẩm và số tiền 500.000 USD. Bị cáo Mười Tường nói rằng lúc đó mình lẫn nên khi tòa yêu cầu bất cứ vấn đề gì, bị cáo đều làm thinh chờ đến phiên phúc thẩm để nói.

Sau khi nghe bị cáo Mười Tường trình bày, HĐXX TAND Cấp cao tại TP HCM đã quyết định sẽ tạm hoãn năm ngày để xác minh, làm rõ thêm các lời khai của bị cáo.

Dự kiến phiên tòa sẽ được mở lại vào sáng 21/11 tới.

Được biết, ngoài vụ án này, Mười Tường còn liên quan tới nhiều vụ án khác: Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài, Buôn lậu đường cát, Buôn lậu 51kg vàng, Vận chuyển trái phép 200.000 USD qua biên giới và Rửa tiền.

Đọc thêm